Chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam

Dự án SUPA, do Liên minh Châu Âu tài trợ, được thực hiện bởi VNCPC phối hợp cùng WWF Áo, WWF Việt Nam và VASEP, nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp cá tra hướng tới sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường ở Việt Nam.

Jetstar Pacific nhận máy bay Airbus “xanh” đầu tiên

Ngày 5-11, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM), hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific nhận một máy bay Airbus A320 mới thế hệ Sharklet và sẽ được đưa vào khai thác ngay ngày mai 6-11.

Máy bay Airbus A320 mới, thế hệ Sharklet của Jetstar Pacific – Ảnh: LÊ NAM

Sharklet là dòng máy bay A320 thế hệ mới, được thiết kế với “đầu cánh cong” giúp cải thiện hiệu suất khí động học, tiết kiệm nhiên liệu 3,5% và giảm lượng khí thải CO2 khoảng 700 tấn mỗi năm.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific, cho biết đến nay hãng đã có tổng cộng 8 máy bay và sẽ tăng đội bay lên 10 chiếc trước Tết Nguyên đán 2015.

Ngày 10-12 tới, Jetstar Pacific sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ hàng không giá rẻ trên đường bay giữa TP.HCM – Bangkok (Thái Lan). Mới đây, Jetstar Pacific cũng đã khai trương hai đường bay Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Singapore.

Theo tuoitre.vn

TP.HCM sẽ có 13 cụm công nghiệp vào năm 2020

Theo quy hoạch, đến 2020 TP.HCM sẽ có 13 cụm với diện tích 763,91ha và đến năm 2030 là 15 cụm với tổng diện tích là 919,3ha.

Ảnh minh họa: cpv.org.vn

 Ảnh minh họa: cpv.org.vn

Cổng thông tin điện tử TP.HCM cho biết, ngày 4/11, lãnh đạo TP.HCM vừa có cuộc họp với các sở, ngành về quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 86.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 12 khu công nghiệp (KCN), 3 khu chế xuất (KCX), 1 khu công nghệ cao, 1 công viên phần mềm với tổng diện tích 3.521,37ha.

Số cụm công nghiệp trên địa bàn tính đến tháng 9/2013 là 27 với diện tích 1.476ha. Trong đó, có 16 cụm có doanh nghiệp đang hoạt động hiện hữu với diện tích 724 ha, thu hút khoảng 600 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 32 ngàn lao động; 11 cụm chưa có doanh nghiệp hoạt động với diện tích khoảng 752ha; 4 cụm có đơn vị kinh doanh hạ tầng có diện tích mỗi cụm hơn 75ha với tổng diện tích 346ha và có 2 cụm có hệ thống xử lý nước thải.

Lãnh đạo TP.HCM cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn nằm xen cài trong khu dân cư nên không đồng bộ, manh mún trong đầu tư cơ sở hạ tầng và đặc biệt là nguy cơ cháy nổ cao, vì vậy việc phát triển cụm công nghiệp là cấp thiết để di dời các doanh nghiệp này ra khỏi khu dân cư.

Theo đó, trong quy hoạch cụm công nghiệp, đến 2020 TP.HCM sẽ có 13 cụm công nghiệp với diện tích 763,91ha; đến năm 2030 sẽ tăng lên 15 cụm với tổng diện tích là 919,3ha.

Tại cuộc họp, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các sở, ngành rà soát tình hình hoạt động của từng cụm công nghiệp như ngành nghề, giá trị sản xuất… từ đó có quy hoạch phù hợp theo từng nhóm và ngành nghề đặc thù… đồng thời, kiến nghị xây nhà lưu trú trong cụm công nghiệp.

Theo Kiều Châu/BizLIVE.vn

Liên hợp quốc đề nghị chia sẻ khó khăn với các nước không có biển

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại Hội nghị. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo Ban Thư ký Liên hợp quốc, ngày 3/11, tại thủ đô Vienna của Áo đã khai mạc Hội nghị các quốc gia đang phát triển vừa nhỏ bé về diện tích, lại không có biển.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu trong phiên khai mạc của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chia sẻ những khó khăn, trở ngại mà các nước này đang đối mặt, trong đó có việc rất bất lợi trong việc tham gia thị trường hàng hóa toàn cầu.

Theo ông Ban Ki-moon, các quốc gia đang phát triển không tiếp giáp với biển thường phải trả những chi phí rất lớn cho việc vận chuyển bằng đường bộ để quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ các nước khác, vì thế đương nhiên bị đội giá hàng nhập khẩu, trong khi hàng xuất khẩu của họ lại bị giảm giá do những chi phí này, và dường như kim ngạch xuất khẩu của nhóm nước này đều không cao.

Theo ông Ban Ki-moon, để khắc phục những trở ngại trên, các quốc gia không có biển cần tăng cường hợp tác với các nước khác trong khu vực, chủ động phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và thiết lập một hệ thống giao thông năng động, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc vận chuyển hàng hóa, và nên tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ.

Ông cho rằng nếu có sự hợp tác tích cực như vậy, và sự chia sẻ khó khăn giữa các quốc gia trong từng khu vực, các nước không có biển sẽ giảm bớt được đáng kể những thiệt hại về kinh tế, phục vụ công cuộc phát triển nhờ giảm bớt nỗi ám ảnh về việc không có đường ra biển./.

Theo Vietnamplus.vn

Vì sao tư nhân ngại đầu tư vào ngành điện

Dù thu hút được nhiều sự quan tâm, nhưng thực tế, ngành điện vẫn có không nhiều nhà đầu tư tư nhân.

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tới 90% tổng nguồn điện hiện có tại Việt Nam được đầu tư bởi các doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều ràng buộc cần được tháo gỡ để tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào đầu tư ngành điện (Ảnh: evnspc.vn)

 Nhiều ràng buộc cần được tháo gỡ để tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào đầu tư ngành điện (Ảnh: evnspc.vn)

Trên thực tế, nguồn tài chính của EVN để thực hiện đầu tư như mong đợi là không đủ. Còn ngân sách nhà nước và nguồn ODA cho ngành điện cũng bị hạn chế nhất định. Dĩ nhiên, việc không có đầu tư thích đáng sẽ tạo ra các thách thức về chất lượng cung cấp điện, khả năng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải. Bởi vậy, việc thu hút đầu tư từ khối tư nhân được các chuyên gia WB xem là một trong những giải pháp.

Việc thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân vào xây nhà máy điện, đặc biệt là những nhà máy điện có quy mô lớn cũng đòi hỏi có môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Theo tính toán, nếu trên 70% vốn đầu tư vào các nguồn điện mới hiện nay đến từ khu vực tư nhân thông qua các dự án IPP và các thoả thuận hình thức tham gia khác, thì quá trình phê duyệt phải đẩy nhanh hơn so với thực tế đã và đang diễn ra. Con số được nêu lên là từ 3-6 tháng, so với thực tế phê duyệt các dự án IPP, đặc biệt là các dự án BOT hiện nay lên tới 7 năm, thì đang có khoảng cách quá xa.

Ngoài các dự án điện BOT đã đi vào hoạt động như Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 do các nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản đầu tư, thì một số dự án đang được triển khai xây dựng như Mông Dương 2 của AES. Các công ty như Tata, SembCorp, SN Power, China Light & Power… cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trong ngành điện của Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm tới các dự án điện tại Việt Nam đã có đầu tư vào ngành điện ở châu Á.

Trong nước cũng có những nhà đầu tư tư nhân như Tập đoàn Tân Tạo tại Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1. Trên thực tế, đã có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia mua cổ phần của các nhà máy điện thuộc EVN được đưa ra cổ phần hóa thời gian qua như Công ty Cơ điện lạnh REE.

“Kinh nghiệm tại châu Á cho thấy, khả năng của các nhà đầu tư trong nước có thể tăng lên nhanh chóng, nếu có môi trường khuyến khích phù hợp. Nguồn tài chính có thể đạt được thông qua các ngân hàng xuất nhập khẩu khi sử dụng nhà máy và thiết bị của các nước đó. Dù các nguồn tài chính đó có thể đắt và dẫn tới hạn chế về nhà cung cấp, nhưng đó là nguồn tài chính khả thi nhất cho các dự án điện than”, nghiên cứu của WB nêu rõ.

Tuy nhiên, để tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào đầu tư ngành điện, cũng có nhiều ràng buộc cần được tháo gỡ. Các chuyên gia WB đã chia những ràng buộc này thành 4 nhóm chính là thị trường điện, điều kiện cho dự án điện, thị trường vốn và hoạt động của Bộ Công Thương.

Các chuyên gia WB cho rằng: “Hiện thị trường điện với giá điện bán lẻ thấp hơn chi phí và các nhà đầu tư tư nhân không tự tin vào khả năng đàm phán được mức giá hợp lý cho các dự án phát điện. Các nhà đầu tư cũng nghi ngờ vào tính công bằng của thị trường điện với các cấu trúc hợp đồng mua bán điện khác nhau áp dụng cho các IPP, các dự án của EVN thông qua Genco và thủy điện đa mục tiêu. Mối lo ngại còn lớn hơn nữa khi hiện nay Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) vẫn là đơn vị cấp dưới của EVN, mặc dù đã có đề xuất tách A0 độc lập khỏi EVN”.

Trên thực tế, các dự án điện cần phải huy động thêm nguồn tài chính từ cả thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, các điều kiện và điều khoản được Chính phủ Việt Nam chấp nhận liên quan đến tài chính sẽ đóng vai trò cốt yếu trong việc vay tiền từ ngân hàng. Đây cũng là thách thức mà các nhà đầu tư BOT gặp phải thời gian qua, khi các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế đòi hỏi rất nhiều cam kết và bảo lãnh từ phía Chính phủ Việt Nam, khiến quá trình đàm phán mất rất nhiều thời gian.

Theo Thanh Hương/Báo Đầu Tư

Xăng sinh học chuẩn bị được sử dụng rộng rãi

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chủ trì cuộc họp với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan rà soát các bước chuẩn bị đưa vào sử dụng xăng sinh học E5 vào đầu tháng 12 tới theo kế hoạch đã đề ra.

Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về việc ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, bắt đầu từ ngày 1/12/2014, xăng E5 RON 92 sẽ được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ ở các địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ảnh minh họa: pvoil.com.vn

Ảnh minh họa: pvoil.com.vn

Theo báo cáo tổng hợp, đến thời điểm này các địa phương và doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đã và đang tích cực chủ động đưa xăng E5 RON 92 vào lưu thông rộng rãi trên thị trường.

Tại Quảng Ngãi, xăng E5 bắt đầu được bán rộng rãi từ tháng 7, trước 6 tháng so với lộ trình và đã có khoảng 93% cửa hàng, đại lý tham gia phân phối. Từ đầu tháng 9, toàn bộ cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đã triển khai phân phối xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92, sản lượng phân phối đến nay đạt hơn 12.000 m3. Sở Công Thương và các doanh nghiệp cho biết xăng E5 được người tiêu dùng đón nhận và không xảy ra trường hợp khiếu kiện nào.

Tại Đà Nẵng, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan thực hiện phối trộn từ tháng 11 và học tập kinh nghiệm Quảng Ngãi để có kế hoạch thay thế dần, không bị gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Hà Nội, TPHCM đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lưu thông xăng E5 trên thị trường theo đúng lộ trình. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam là địa phương không nằm trong các tỉnh mục tiêu của Quyết định 53 nhưng do có vị trí thuận lợi nằm giữa 2 địa phương là Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã lập kế hoạch thay thế 100% xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 từ 1/12/2014.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để đảm bảo nguồn cung ethanol cho thị trường, các nhà máy nhiên liệu sinh học ở miền Trung và tỉnh Bình Phước đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại với công suất thiết kế 200.000 m3 E100/năm, có thể đảm bảo phối trộn khoảng 4 triệu m3 xăng E5.

Tổng Công ty PVOil hiện có 276 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống sẵn sàng bán xăng E5 tại 52 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 99 cửa hàng so với năm 2013. PVOil cho biết có 5 trạm pha chế theo mẻ đặt tại kho Đình Vũ (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Thắng Nhất (Vũng Tàu), Nhà Bè (TPHCM), Cổ Chiên (Vĩnh Long) và 4-5 trạm pha chế liên tục với tổng công suất khoảng gần 600.000 m3/năm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các công ty đầu mối khác cũng đã nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phối trộn xăng sinh học tiên tiến và phù hợp, phê duyệt các dự án đầu tư lắp đặt hệ thống phối trộn, trang bị bồn bể, phương tiện vận chuyển tại các điểm kho.

Sau khi rà soát, đánh giá kỹ các khía cạnh của vấn đề, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp cần nhất quán, quyết tâm thực hiện Lộ trình mà Thủ tướng đã đề ra cho việc đưa vào sử dụng rộng rãi nguồn năng lượng mới xăng sinh học.

Đến ngày 15/11, Bộ Công Thương sẽ rà soát, hoàn thiện toàn bộ các kế hoạch, lộ trình triển khai chi tiết để báo cáo Chính phủ, trong đó chú ý tới các công việc cụ thể tại các doanh nghiệp đầu mối, các đại lý phân phối xăng dầu; ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo chất lượng, yêu cầu sử dụng của sản phẩm như các quốc gia khác đã thực hiện trước đây.

Phó Thủ tướng lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên toàn quốc tới mọi người tiêu dùng về các lợi ích, thông tin cần thiết về sản phẩm, môi trường, xã hội của xăng sinh học, thay đổi nhận thức của một số địa phương, tổng đại lý, đại lý còn chưa mặn mà tham gia do ngại đầu tư, chuyển đổi…

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị triển khai Lộ trình như việc cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 hiện còn chậm được ban hành, việc ban hành các quy hoạch, đảm bảo vùng nguyên liệu…

1. Nhiên liệu sinh học là gì? Xăng sinh học E5 là gì?– Nhiên liệu sinh học (NLSH) là loại nhiên liệu được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật hoặc chế xuất từ chất béo của động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa…), từ ngũ cốc (lúa mì, ngô, đậu tương…), từ chất thải trong nông nghiệp (rơm, rạ, phân…), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, gỗ thải…).- Xăng sinh học E5 là nhiên liệu chứa 5% thể tích cồn sinh học và 95% thể tích xăng truyền thống.2. Tại sao sử dụng nhiên liệu sinh học được cho là hành động thiết thực để bảo vệ môi trường? 

– Vì NLSH là loại nhiên liệu được chế xuất từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật như trên nên nó là sản phẩm hoàn toàn thân thiện với môi trường và là nguồn nhiên liệu tái sinh được.

Sử dụng NLSH giúp giảm thiểu đáng kể các loại khí thải độc hại có trong các nhiên liệu truyền thống như CO, SO2, hạt bụi và khí CO2.

Ngoài ra, lượng khí độc hại thải ra môi trường của xăng sinh học ít hơn so với xăng truyền thống, làm giảm hiệu ứng nhà kính, giúp cho môi trường được an toàn và trong sạch hơn.

3. Chất lượng xăng E5 được đảm bảo như thế nào? Chứng nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng? 

– Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, xăng E5 được kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu, pha chế, tồn chứa, vận chuyển đến khâu phân phối tại các cửa hàng xăng dầu.

Nguyên liệu E100 cũng như RON 92 trước khi nhập kho đều được các công ty giám định độc lập (ví dụ như PV EIC và QUATEST) kiểm tra, chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Sau đó, xăng E5 được pha chế tại các trạm pha chế và được các Trung tâm Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng khu vực là QUATEST 1 và 3 đánh giá và cấp chứng nhận hợp quy theo QCVN 01:2009/BKHCN – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học và sản phẩm xăng E5 sản xuất đạt Tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN 8063:2009 – Xăng không chì pha 5% ethanol, yêu cầu kỹ thuật.

Sau khi có chứng nhận hợp quy, xe bồn chuyên dùng cho xăng E5 vận chuyển đến các cửa hàng xăng dầu. Hệ thống cơ sở vật chất tại các cửa hàng xăng dầu cũng được cải tạo để phù hợp với xăng E5. Như vậy, xăng E5 được kiểm soát rất chặt chẽ trong tất cả các khâu, đảm bảo chất lượng theo đúng QCVN và TCVN do Bộ Khoa học – Công nghệ ban hành.

(Nguồn Tổng Công ty Dầu Việt Nam – PVOil)

Theo Nguyên Linh/Chinhphu.vn