Đền bù Carbon để chống biến đổi khí hậu

Những năm gần đây, thế giới ngày càng xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng thời tiết cực đoạn như bão tuyết ở Hàn Quốc, Nhật Bản làm nhiều người chết; cơn bão Haiyan tàn phá Philipines trong khi Nam Bán cầu lại có những đợt nóng kỷ lục; ngay ở Việt Nam, tuyết rơi cả những vùng chưa bao giờ có tuyết như Kỳ Sơn – Nghệ An… Tất cả hiện tượng thời tiết cực đoan này do sự biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra, trong đó có nguyên nhân trực tiếp từ con người.

 Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chống biến đổi khí hậu

Một trong nhiều nỗ lực đang được thực hiện tại Việt nam để chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu là việc đền bù carbon. Sự đền bù các-bon (carbon offset) được hiểu đơn giản là khi một cá nhân hay tổ chức nào đó triển khai một dự án như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả hoặc tái sinh rừng, và họ chỉ ra được rằng dự án của mình đã giảm phát thải một cách hiệu quả, như vậy họ đã tạo ra các tín chỉ các-bon (carbon credit).  Sau đó các tín chỉ các-bon này sẽ được bán cho các chính phủ, tổ chức, cá nhân có nhu cầu giảm dấu ấn các-bon (carbon footprint) và trở thành các-bon trung tính (carbon neutral).

Nguồn: VietQ.vn

Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất xanh để bảo vệ môi trường

“Cùng với sự gia tăng dân số và sự gia tăng về tiêu dùng của xã hội, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, việc triển khai và áp dụng các chính sách mua sắm xanh ở Việt Nam nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững là một nhu cầu bức thiết”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – Bùi Cách Tuyến đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Khởi động Dự án thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái “(SPPEL) – hợp phần Việt Nam, do Tổng cục Môi trường phối hợp với Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức ngày 18/2, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Cường – Tổng cục Môi trường cho biết: “Dự án SPPEL sẽ được thực hiện trong 3 năm (2014-2016) tại Hà Nội và một số tỉnh/thành phố của Việt Nam. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ có thẩm quyền tại Việt Nam xây dựng năng lực và kỹ thuật về xây dựng các chính sách thúc đẩy tiêu dùng (SPP) và sản xuất sản phẩm xanh (NST). Ngoài ra dự án còn hỗ trợ Việt Nam thực thi các chính sách về SPP & NST nhằm đạt hiệu quả cao nhất của việc sử dụng hai công cụ này; tạo ra diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, các khu vực tư nhân về xây dựng chính sách nhằm đảm bảo lồng ghép SPP & NST trong quá trình ra quyết định. Nguồn kinh phí để thực hiện dự án sẽ  từ nguồn vốn ODA là 248.691 USD, vốn đối ứng là 15.000 USD (bao gồm cả tiền mặt và hiện vật)”.

Dự án sẽ được chia làm 4 hợp phần: Sắp xếp tổ chức thực hiện dự án; Đánh giá thực hiện SPP; Lập kế hoạch xây dựng và thông qua nhóm hành động ưu tiên về SPP và NST được xây dựng và lồng ghép Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững; Triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động quốc gia về SPP. Các hợp phần này được thực hiện dưới sự quản lý của Ban điều phối chung giữa UNEP và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đánh giá về sự cần thiết của việc thực hiện dự án SPPEL, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, tham gia dự án Việt Nam sẽ có được các quyền như: Năng lực cán bộ về xây dựng chính sách mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái của các Bộ: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Công Thương được tăng cường. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân (doanh nghiệp) cũng được tiếp nhận tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia UNEP và Việt Nam thông qua các hội thảo nâng cao nhận thức về xây dựng chính sách về mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái.

Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và các văn bản pháp quy khác đều có những quy định khuyến khích áp dụng sản xuất và tiêu thụ bền vững. “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh” được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg đã nêu rõ: Một trong những giải pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh là thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh, trong đó những nhiệm vụ cần triển khai bao gồm ban hành quy chế chi tiêu công xanh, chi đầu tư và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa dãn nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế; thúc đẩy dán nhãn sinh thái và phổ biến các thông tin sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội; xây dựng lộ trình từ nay đến 2020 áp dụng mua sắm xanh.

Để triển khai thực hiện tốt Hợp phần dự án SPPEL tại Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan đầu mối của Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện các hoạt động của dự án, bao gồm: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính. Bộ Tài Nguyên Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa lý, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc, lập bản đồ, biển và hải đảo. Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện, triển khai Chương trình Nhãn xanh Việt Nam và phối hợp với các đơn vị nòng cốt là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính./.

Theo ven.vn

 

Tập huấn Tiêu dùng Bền vững tại Hà Nội

Từ 26-28/02/2014, tại trung tâm Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT – VN) đã diễn ra khóa tập huấn về Tiêu dùng bền vững – một trong những hoạt động đầu tiên trong giai đoạn Triển khai chính thức của GetGreen Việt Nam với sự tham gia của nhiều cá nhân là đại diện của các tổ chức, cơ quan tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Getgreen

 Các thành viên tham gia TOT Hà Nội

Người thực hiện khóa tập huấn là Ông Floris van der Marel và Bà Jotte De Koning – Đại học công nghệ Delft (Hà Lan) – Đơn vị chủ trì dự án.

Với mục tiêu giúp các học viên tham dự khóa đào tạo có thể hiểu rõ về khái niệm tiêu dùng bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức và hiểu biết của học viên về các phương pháp tiêu dùng khoa học, có lợi cho cả môi trường và cá nhân người tiêu dùng, buổi tập huấn của GetGreen đã sử dụng những hình thức giáo dục trực quan sinh động, thông qua các hoạt động, các trò chơi vui nhộn để giới thiệu những kiến thức về tiêu dùng bền vững đến với các học viên. Những phương pháp tiêu dùng, sinh hoạt được khóa tập huấn giới thiệu đều là những phương pháp đơn giản và dễ thực hiện, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Thêm vào đó, khóa tập huấn còn hướng dẫn học viên về cách thức tự tổ chức một nhóm GetGreen nhỏ để nhân rộng những kiến thức về tiêu dùng bền vững tới những người xung quanh, các phương pháp duy trì hoạt động cho nhóm của mình. Đồng thời sẵn sang cung cấp nguồn tài liệu thông tin, tài liệu đào tạo và những ví dụ điển hình… từ phía dự án để nâng cao sự hiểu biết cũng như duy trì thông tin cho các nhóm Get Green nhỏ hơn của học viên.

getgreen2

Không chỉ được giới thiệu và đào tạo các kiến thức về tiêu dùng bền vững, các học viên khi tham dự khóa tập huấn vừa qua của Get Green còn được những người hướng dẫn truyền cảm hứng làm việc, học tập, cảm hứng sống xanh, giúp họ nâng cao sự tự tin, các kỹ năng cần thiết khi họ tự thành lập các nhóm nhỏ để cùng xây dựng lối sống  tiêu dùng bền vững và chia sẻ những kinh nghiệm của mình.

Kết thúc buổi tập huấn, ông Nguyễn Quang Trung – giảng viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Khóa tập huấn rất ấn tượng và thú vị. Nó giúp tôi hiểu rõ hơn về tiêu dùng bền vững, một khái niệm tưởng chừng đơn giản nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa vô cùng thiết thực. Các phương pháp giảng dạy được sử dụng trong khóa tập huấn là những phương pháp rất tích cực, lấy người học làm trung tâm. Các hoạt động, các cách thức tiếp cận sinh động của giảng viên giúp chúng tôi tiếp thu nhanh được những kiến thức được trình bày. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng đối với phương pháp làm việc nhóm. Bởi phương pháp này giúp tôi dễ dàng hiểu được các nội dung mà mình vừa được học.

“Thông qua khóa tập huấn này, Get Green mong muốn nâng cao nhận thức cho các học viên, giúp họ có thể áp dụng các tips sống xanh vào trong cuộc sống hàng ngày của mình và trở thành hạt nhân trong việc nhân rộng và đưa lối sống bền vững đến với nhiều nhóm đối tượng hơn nữa, cùng chung tay thực hiện “Cử chỉ xanh – Sống anh lành” cùng Get Green để xây dựng một xã hội xanh sạch hơn, bền vững hơn.” – Ông Floris chia sẻ.

Theo getgreen.vn