UNEP hối thúc phát triển thương mại xanh toàn cầu

Báo cáo “Thương mại và Kinh tế Xanh: Xu hướng, Cơ hội và Thách thức” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 8/5 tại Geneva cho thấy, thương mại xanh toàn cầu là một trong những xu hướng quan trọng giúp đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và các nước đang phát triển có lợi thế rất lớn trong việc thúc đẩy xu hướng này.

Ảnh minh họa: todaynewsline.com

Giám đốc điều hành UNEP kiêm Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Achim Steiner cho biết hiện nay thương mại xanh đang đối mặt với những thách thức to lớn, do sự bùng nổ các giao dịch hàng hóa và dịch vụ có giá trị lớn trên thế giới.

Tuy nhiên bên cạnh đó, loại hình thương mại mới này cũng đang có những cơ hội phát triển rất tốt nếu các nước đảm bảo được cân bằng đa dạng sinh học, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn xói mòn đất và bảo vệ các đại dương.

Theo thống kê, trong hai thập kỷ qua, hoạt động thương mại tiếp tục mở rộng đã tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc gia tăng kim ngạch thương mại cũng đang gây ra những sức ép nhất định tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm gia tăng lượng khí thải và nới rộng khoảng cách phát triển xã hội.

Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là những nước đang phát triển, vốn phải phụ thuộc rất nhiều vào việc khai thác, sử dụng và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, để đảm bảo phát triển bền vững, các quốc gia này cần phải biết nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế xanh và biết cách khai thác các lợi thế riêng trong bối cảnh đang có sự gia tăng mạnh nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ xanh trên toàn cầu.

Cũng theo UNEP, mặc dù hiện tại các sản phẩm xanh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong thị trường thương mại toàn cầu, nhưng nhu cầu đối với các hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường sẽ có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới.

Dự kiến, thị trường toàn cầu đối với các sản phẩm sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, tạo ra hàm lượng khí thải carbon thấp sẽ tăng gấp ba lần quy mô hiện nay vào năm 2020, đạt khoảng 2.200 tỷ USD.

Theo TTXVN

Trung tâm Sản Xuất Sạch Hơn (VNCPC) kỷ niệm 15 năm thành lập

 

Bộ trưởng Bộ KH & CN Nguyễn Quân phát biểu tại hội thảo

(Vfej.vn) – Sáng 18/4 tại Hà Nội, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo “Hướng tới xã hội sản xuất và tiêu thụ bền vững thông qua thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi thông tin và kinh nghiệm đạt được trong áp dụng sản xuất sạch hơn và xây dựng các mẫu hình sản xuất và tiêu thụ bền vững tại Việt Nam trong những năm qua. Trong bối cảnh “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” vừa được thông qua tháng 9/2012, hội thảo đề xuất định hướng cho các hoạt động về Sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) phục vụ chiến lược phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Trong 20 năm qua, Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục với tốc độ cao, tuy nhiên, đi kèm sự tăng trưởng đó là sự hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, cùng với sự giúp đỡ của UNIDO và các tổ chức quốc tế khác, hoạt động sản xuất sạch hơn đã được triển khai, phần nào đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của Việt Nam.

Chính vì vậy, Nghị quyết 41 NQ/TW ngày 15/11/2004 đã định hướng cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay là “”coi phòng ngừa ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo, kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên” đảm bảo sự phát triển bền vững. Để hỗ trợ kịp thời cho Việt Nam kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong công nghiệp, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng phát triển bền vững, VNCPC được thành lập nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất sạch hơn.

Tại hội thảo nhân kỷ niệm 15 năm thành lập của VNCPC, các chuyên gia trao đổi thông tin và kinh nghiệm đạt được trong quá trình áp dụng sản xuất sạch hơn và xây dựng các mẫu hình sản xuất và tiêu thụ bền vững tại Việt Nam trong những năm qua. Trong bối cảnh ”Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” được thông qua hồi tháng 9/2012, hội thảo đề xuất định hướng cho các hoạt động về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn phục vụ chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Thực tiễn gần 20 năm xúc tiến áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho thấy sản xuất sạch hơn đã áp dụng thành công ở các doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc áp dụng sản xuất sạch hơn vào điều hành hoạt động của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ là một yếu tố quan trọng trong phát triển công nghiệp xanh, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở nước ta trong những năm tới.

PGS.TS Trần Văn Nhân, giám đốc VNCPC phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Trần Văn Nhân cho biết VNCPC đã áp dụng tiếp cận ngành, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, tập đoàn và tổng công ty các ngành công nghiệp để lựa chọn doanh nghiệp triển khai trình diễn kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn.

Tính đến năm 2009, đã có trên 250 doanh nghiệp trực tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của VNCPC. Các doanh nghiệp này đã thu được các lợi ích khá ấn tượng về kinh tế và môi trường từ áp dụng sản xuất sạch hơn trong năm tham gia trình diễn kỹ thuật.

Tổng giá trị lợi ích kinh tế nhờ tiết kiệm nguyên, vật liệu, nhiên liệu và năng lượng của các doanh nghiệp là 9,7 triệu USD/năm, trong khi tổng đầu tư cho thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn là 4,7 triệu USD. Đồng thời các doanh nghiệp này cũng đã giảm được trung bình từ 20 – 50% nước thải và khí thải, 10 – 40% chất thải rắn. Sản xuất và tiêu dùng bền vững là khái niệm đã xuất hiện từ đầu thập niên 90 trên thế giới nhưng tại Việt Nam khái niệm này mới phổ biến trong vài năm trở lại đây.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững được định nghĩa là việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa giảm thiểu lượng tài nguyên và nguyên liệu độc hại sử dụng, cũng như giảm phát thải và gây ô nhiễm môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm, dịch vụ để không ảnh hưởng đến nhu cầu của các thế hệ mai sau.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu mà VNCPC đã đạt được trong 15 năm qua, đã đóng góp chung vào sự nghiệp khoa học công nghệ, phát triển bền vững của đất nước.

Theo Vfei.vn, 18/4/2013

Túi Sống Xanh Việt Nam

Ngày 19/1/2012, 60 túi không dệt của dự án Sống xanh Việt Nam đã vượt hàng trăm cây số đến với ngày hội No Impact Day tại trường THCS Hàm Nghi, Huế. Tại đây, chiếc túi màu xanh có thể gấp lại tiện lợi này đã trở thành một trong những phần quà được ưa thích đối với các em học sinh.

No Impact Day có các hoạt động như đạp xe quanh thành phố với các banner tuyên truyền (Phân loại rác, sử dụng khăn thay cho khăn giấy, sử dụng giấy hai mặt, tắt đèn khi ra khỏi phòng, 500 năm và 5s khi sử dụng túi nilon…), tái chế đồ vật thành vật có ích gây quỹ, và xem các clip về chủ đề mua sắm bền vững.

Hào hứng với phần đổi túi nilong, vỏ chai lấy tập vở và túi sinh thái

Niềm vui khi đã đổi được túi sinh thái

Các sản phẩm tái chế của các em học sinh

Nằm trong khuôn khổ dự án “Giáo dục vì Phát triển bền vững” của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường, chương trình “Em học sống xanh” có mục đích thay đổi hành vi của các em học sinh, duy trì hành động lâu dài hướng tới một lối sống bền vững.

Chương trình thiết kế như một môn học ngoại khóa với 34 tiết học trên 10 chủ đề như Rác, Nước, Sức khỏe, Mua sắm, Thực vật, năng lượng, Mối quan hệ xã hội… nhằm giúp các em học sinh sau khi rời khỏi lớp học có một mối quan tâm tới thiên nhiên, mối quan hệ tốt với gia đình bạn bè và cộng đồ, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.

Theo website getgreen.vn