Hội thảo đánh giá dự án Cacbon thấp (Low carbon) trong ngành Lúa Gạo và Cà Phê tại Việt Nam và Campuchia

Sáng nay 16/10/2013 tại Khách Sạn PullMan, Hà Nội đã diễn ra buổi hội thảo đánh giá tiềm năng giảm thiểu nguồn carbon thấp (Low Carbon) trong ngành Lúa Gạo và Cà Phê tại hai nước Việt Nam và Campuchia, hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 16 và 17/10/2013.

Dự án Low Carbon được sự tài trợ của Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO), do tổ chức UNIDO chủ trì sẽ hỗ trợ các Trung Tâm Sản Xuất Sạch Hơn tại Việt Nam(VNCPC) và Campuchia(CNCPO) nhằm mục đích đánh giá các tiềm năng giảm thiểu chất thải công nghiệp, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính và tận dụng các nguồn năng lượng thấp đối với hai ngành Lúa Gạo, Cà Phê tại hai nước Việt Nam, Campuchia.

Tham dự hội thảo bao gồm các thành viên của các tổ chức SECO, UNIDO, Trung Tâm Sản Xuất Sạch Hơn Việt Nam(VNCPC), Trung Tâm Sản Xuất Sạch Hơn Campuchia(CNCPO) và đại diện các doanh nghiệp sản xuất, chế biến Gạo, Cà Phê tại hai nước Việt Nam, Campuchia cùng các cơ quan truyền thông trong ngành môi trường.

Mục tiêu của dự án là bước đầu khảo sát, đánh giá các công nghệ và quy trình sản xuất chế biến sản phẩm tại doanh nghiệp để từ đó rút ra các biện pháp nhằm giảm tiêu tốn năng lượng đồng thời giảm thiểu chất thải công nghiệp và tận dụng tái chế chất thải sau sản xuất. Sau những đánh giá này của các Trung Tâm Sản Xuất Sạch Hơn (VNCPC) tại hai nước, dự án Low Carbon sẽ thí điểm dùng nguồn vốn tài trợ cho các dự án trong ngắn và dài hạn bắt đầu từ năm 2014. Các dự án đầu tư công nghệ và quy trình này sẽ được thẩm định độ phức hợp, tính khả thi, tiềm năng và từ đó sẽ được nhân rộng cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành Gạo, Cà Phê trong các năm tới tại hai nước Việt Nam, Campuchia.

Theo GCTF.vn 

Get Green và SPIN tham gia Hội nghị bàn tròn quốc gia về Sản xuất và Tiêu thụ bền vững

Trong hai ngày 27 và 28 tháng 9, Hội nghị bàn tròn quốc gia lần thứ 6 về Sản xuất và Tiêu thụ bền vững được phối hợp tổ chức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam tại TP Đà Nẵng.

GetGreen Vietnam - 360-1030SPIN logo - 360-1030

Hội nghị nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 120 đại biểu đại diện cho các cơ quan Bộ, các doanh nghiệp, các tổ chức và các nhà tư vấn đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Hội nghị năm nay tập trung vào 3 nội dung cơ bản: các công cụ, giải pháp sản xuất và tiêu thụ bền vững; Xanh hóa nền sản xuất và Thúc đẩy tiêu thụ bền vững ở Việt Nam. Các tham luận tại hội nghị phần lớn rất có giá trị đóng góp cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp như xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái, các hoạt động mua sắm công xanh, đô thị bền vững, các công nghệ sạch, các công cụ tích hợp nhằm sử dụng hiệu tài nguyên cho doanh nghiệp.

Hội nghị được diễn ra trong thời điểm mà Việt Nam đang triển khai rất nhiều các chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững: như Dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh; các mục tiêu xanh hóa nền công nghiệp; chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 trước thực trạng nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác cạn kiệt, việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng như lối sống không bền vững hiện nay của xã hội.

Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam chủ trì một trong 3 hội thảo kỹ thuật tại Hội thảo với chủ đề Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn vì cuộc sống xanh và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Dự án SPIN đã chia sẻ tại hội thảo các kết quả của dự án thông qua việc đổi mới và phát triển các sản phẩm bền vững phục vụ cho mẫu hình “Ăn, Mặc, Ở” và những chia sẻ từ dự án Get Green về Thúc đẩy tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.

Các kết quả từ hai dự án đã được rất nhiều đại biểu quan tâm về tính thực tế và khả năng thương mại hóa của các sản phẩm bền vững ở Việt Nam cũng như làm sao thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng tại Việt Nam cũng như kế hoạch nhân rộng sau khi hai dự án kết thúc nhằm phục vụ cho việc xanh hóa lối sống.

Theo scp.vn