Yêu cầu làm rõ nguyên nhân gia tăng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM
Nhận định mức độ ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng, Bộ TN-MT đề nghị hai thành phố xác định rõ nguyên nhân, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm.
Theo Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT), mức độ ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM có chiều hướng gia tăng cả về thời gian và mức độ ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân đã được các cơ quan truyền thông phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua.
Trước thực trạng trên, Bộ TN-MT có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội, TP.HCM – với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương – chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố khẩn trương đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm vượt ngưỡng quy định của quy chuẩn quốc gia.
Bộ TN-MT cũng đề nghị hai thành phố xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các phương tiện, chủ phương tiện không đáp ứng quy định về tiêu chuẩn khí thải hoặc chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ xây dựng, các công trình xây dựng đô thị, nhà ở, giao thông, dịch vụ công ích… gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, để người dân kịp thời theo dõi, nắm bắt diễn biến chất lượng không khí, Bộ TN-MT đề nghị hai thành phố cập nhật và công bố thường xuyên thông tin chất lượng không khí trong thành phố, kèm theo đó là công khai thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường ở địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng theo văn bản của Bộ TN-MT, hai thành phố Hà Nội, TP.HCM cũng phải báo cáo các thông tin chi tiết về quá trình triển khai và kết quả của từng nhiệm vụ được giao theo quyết định của Thủ tướng về kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; làm rõ những thuận lợi và các vấn đề tồn tại, khó khăn cũng như kiến nghị có liên quan xung quanh việc quản lý chất lượng không khí.
Trước đó, đánh giá về thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM, ông Hoàng Văn Thức – phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết qua kết quả quan trắc năm 2018, Hà Nội chỉ có 15,6% ngày/năm có chất lượng khí tốt, 62,8% ngày là chỉ số chất lượng không khí trung bình, 14,1% là ở mức chỉ số kém và 2,1% là ở mức độ xấu. Tức là năm 2018 Hà Nội có khoảng 8 ngày chất lượng không khí xấu, có khoảng độ 52 ngày ở ngưỡng kém.
Trong quý I-2019, theo Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội có 50-60% số ngày có chất lượng không khí ở ngưỡng trung bình. Còn những ngày nồng độ bụi PM2.5 trung bình 24 giờ vượt giới hạn cho phép, thời gian nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao đột biến tập trung trong tháng 1 và tháng 3.
Theo Tổng cục Môi trường, đây là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật khi Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc thường ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm.
Theo Tuoitre.vn (10/5//2019)