Xăng sinh học có thực sự giúp bảo vệ môi trường
Nhiên liệu sinh học, thứ từng được xem như giải pháp hoàn hảo để thay thế cho các loại nhiên liệu hóa thạch, có thực sự bảo vệ môi trường?
Nghe đến cụm từ “xăng sinh học”, chúng ta dễ hình dung đây là một loại xăng thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, ý nghĩa lớn nhất của xăng sinh học là nó giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng như giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Khí thải từ các động cơ sử dụng xăng pha cồn ít hơn so với các loại xe sử dụng xăng dầu thông thường, với mức giảm lượng khí thải carbon monoxide (CO-khí thải gây hiệu ứng nhà kính) từ 20-30%.
Sản xuất ethanol từ các sản phẩm nông nghiệp như ngô, mía đường, sắn lát, khoai mì… có thể giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao giá trị nông sản và phần nào mang lại lợi ích cho nông dân.
Nghe đến cụm từ “xăng sinh học”, chúng ta dễ hình dung đây là một loại xăng thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, các tài liệu tuyên truyền cho xăng sinh học đang bỏ qua nhiều yếu tố có thể gây hại đối với hệ sinh thái và môi trường.
Theo báo cáo năm 2015 của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), nhiên liệu sinh học, thứ từng được xem như giải pháp để bảo vệ hành tinh khỏi sự tàn phá môi trường của các loại nhiên liệu hóa thạch, đang mất dần “vai trò vẻ vang” của mình.
WRI cảnh báo các nước nên xem lại chính sách năng lượng và cho rằng, việc tiếp tục theo đuổi chiến lược vốn đã ngốn hàng tỉ đô la đầu tư này sẽ dẫn tới việc hao tốn thêm nhiều vùng đất rộng lớn màu mỡ có thể dùng để giúp nuôi sống dân số ngày càng tăng của thế giới.
Theo ông Timothy D. Searchinger, học giả tại Đại học Princeton và là tác giả chính của báo cáo, để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu hiện tại bằng nhiên liệu sinh học, sẽ cần tới hàng trăm triệu ha đất trồng trọt. Trong khi diện tích đất đó cũng cần thiết để đáp ứng nhu cầu lương thực trên toàn thế giới, dự kiến sẽ tăng 70% hoặc hơn vào năm 2050.
“Chúng ta chỉ có một hành tinh, với từng ấy đất. Nếu bạn có sử dụng đất cho mục đích này, bạn không thể sử dụng nó cho mục đích khác”, ông Searchinger lập luận.
Việc mở rộng diện tích trồng cây làm nhiên liệu sinh học cũng hủy hoại trực tiếp và gián tiếp nhiều diện tích rừng. Theo ước tính, nếu như 1 ha đất trồng mía để chế tạo ethanol cho phép giảm 13 tấn CO2 một năm ở Brazil, thì cũng cần biết là 1 ha rừng có khả năng hấp thụ đến 20 tấn CO2 một năm. Hủy hoại 1 ha rừng để trông mía như vậy “không có lãi” về khối lượng khí thải carbon.
Chính vì thế, báo cáo của WRI cho rằng, nếu rừng hoặc cỏ được trồng ở vị trí của mình (không bị biến thành nhiên liệu), nó sẽ hút CO2 khỏi không khí, lưu trữ trong thân cây và đất, có lợi hơn so với những gì mà nhiên liệu sinh học làm.
Bên cạnh đó, sự đa dạng môi trường sinh thái có thể bị đe dọa khi hàng trăm ngàn ha đất được sử dụng để trồng một thứ thực vật duy nhất, ví dụ như những cánh đồng trồng toàn ngô, toàn mía hoặc toàn sắn… chỉ để cung cấp nguyên liệu sản xuất ethanol.
Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, người ta cần dùng thêm rất nhiều phân bón và nước để trồng cây nguyên liệu, và điều này có thể dẫn tới các vấn đề khác về môi trường như tồn dư hóa chất trong đất từ phân bón, hoặc thiếu nước phục vụ dân sinh.
Theo một báo cáo năm 2013 của tổ chức Nông lương LHQ (FAO), phải cần 1000 – 4000 lít nước để sản xuất 1 lít nhiên liệu ethanol. Trước bối cảnh khủng hoảng nước ngọt mà nhân loại đang đối mặt, mức độ sử dụng nước để sản xuất ethanol như vậy là phi lý.
Ngoài ra, tác động của nhiên liệu sinh học đối với vấn đề lương thực đã được kiểm chứng. Tổ chức chống nghèo đói và bất công Oxfam cũng đã có nhiều cảnh báo về việc năng lượng xanh có thể đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực. Khi đất trồng trọt được sử dụng tối đa để trồng cây làm nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh học thì sẽ thiếu đất để trồng cây lương thực, đồng thời đẩy giá nông sản lên cao và đe dọa cuộc sống của người nghèo. Theo một nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, vai trò của nhiên liệu sinh học trong sự gia tăng giá là 70% với giá ngô và 40% với giá đậu nành.
FAO ước tính hiện nay thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói, và thật vô lý khi nguồn lương thực bị biến thành chất đốt. Có thể thấy rõ thực tế này qua một bài toán rất đơn giản: Phải mất khoảng 2,6 kg ngô mới sản xuất ra được 1 lít ethanol, và để đổ đầy bình xăng một chiếc xe ô tô với 94 lít nhiên liệu ethanol, phải dùng đến 244 kg ngô, đủ để nuôi một người trong một năm.
Vì vậy, ông Jean Ziegler, trong nhiệm kỳ làm Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền được đảm bảo dinh dưỡng (từ năm 2001-2008), đã gọi nhiên liệu sinh học là “tội ác chống loài người”.
Ngoài ra, Bộ Môi trường Brazil năm 2014 đã công bố một bản báo cáo cho biết, khi sử dụng nhiên liệu ethanol làm nguyên liệu cho động cơ ô tô, lượng khí thải ô nhiễm cho dù có thể không ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu, nhưng vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe con người do vẫn phát thải các khí như carbon monoxide, hydrocarbons và nitrogen oxide.
Nói tóm lại, các loại động cơ sử dụng nhiên liệu sinh học thải ít khí CO2 vào khí quyển hơn, nhưng nếu tính tới cả toàn bộ chu kỳ từ sản xuất, phân phối và sử dụng thì ưu điểm trên sẽ giảm đi ít nhiều, và trong một số trường hợp thì nhiên liệu sinh học còn tiêu cực hơn so với nhiều loại nhiên liệu khác.
Vì thế, giải pháp trên cấp độ toàn cầu chỉ có thể là giảm mức tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là tại các nước phát triển, và đầu tư vào công nghệ mới (như điện mặt trời, phong điện…). Còn nhiên liệu sinh học bản thân nó không hoàn toàn mang tính tiêu cực và có thể là giải pháp đáng quan tâm ở cấp độ địa phương, với điều kiện tôn trọng sự đa dạng sinh học, chất lượng đất, nguồn nước, và đảm bảo an ninh lương thực.
Theo Khampha.vn