VNCPC tổ chức hội thảo “Phổ biến tài liệu Hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn cho chất thải rắn ngành Dệt May”
Ngày 12/12/2024, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tổ chức hội thảo “Phổ biến tài liệu Hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn cho chất thải rắn ngành Dệt May”, với sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp ngành Dệt May theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo là hoạt động trong nhiệm vụ “Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cho chất thải rắn ngành Dệt May” thuộc Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, được Bộ Công Thương giao cho VNCPC thực hiện.
Đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu tại hội thảo TS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC cho biết: Trong những năm gần đây, Dệt May là ngành có những bước phát triển vượt trội với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 37,5 tỷ USD. Ngành đã tạo việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động trên khắp cả nước. Song bên cạnh mặt tích cực, Dệt May cũng bị xem là ngành gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo một khảo sát tại 30 nhà máy may ở Việt Nam, công đoạn cắt may đã tạo ra hơn 863 tấn vải vụn mỗi tháng. Điều này dẫn đến, gần 5% diện tích bãi chôn lấp đang dùng cho chôn lấp chất thải Dệt May và 20% nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước đến từ quá trình xử lý dệt, nhuộm.
Trong bối cảnh trên, kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp toàn diện, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường cho cả quốc gia nói chung và doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành Dệt May.
TS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC trình bày về lợi ích của kinh tế tuần hoàn.
Cũng tại hội thảo TS. Nguyễn Văn Thông – Nguyên giám đốc Viện nghiên cứu Dệt May đã có bài trình bày về hiện trạng và xu hướng áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với ngành Dệt May tại Việt Nam, đặc biệt đối với chất thải rắn.
TS. Nguyễn Văn Thông trình bày về hiện trạng và xu hướng áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với ngành Dệt May tại Việt Nam.
Phần trình bày của Ths.Vũ Năng Nam – Thành viên ban soạn thảo về Tài liệu hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải rắn ngành Dệt May, với các bước áp dụng kinh tế tuần hoàn cho chất thải rắn ngành Dệt May đã nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như các câu hỏi liên quan dành cho ban soạn thảo.
Ths.Vũ Năng Nam hướng dẫn các bước áp dụng kinh tế tuần hoàn cho chất thải rắn ngành Dệt May.
Một số hình ảnh về các hoạt động tại hội thảo:
VNCPC