VNCPC – Nhân tố tích cực trong đẩy mạnh thực hiện sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn ở Việt Nam
Để góp phần phát triển bền vững nền công nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam, năm 1998, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) đã ký hợp tác với Bộ Giáo dục – Đào tạo thực hiện các dự án “Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam” – VNCPC và “Đẩy mạnh các dịch vụ mới về sản xuất sạch hơn ở Việt Nam thông qua VNCPC” với sự hỗ trợ tài chính của Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).
Sứ mệnh của VNCPC là phổ biến rộng rãi và thúc đẩy áp dụng khái niệm “Sản xuất sạch hơn” (CP) vào thực tiễn hoạt động công nghiệp tại Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là đơn vị chủ các dự án này và Viện khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST) là đơn vị trực tiếp thực hiện.
Trong suốt gần 20 năm xây dựng và phát triển, VNCPC đã đào tạo và xây dựng một mạng lưới chuyên gia CP, xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho trên 1000 nhà máy. Đồng thời, VNCPC luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Công Thương trong các hoạt động nâng cao nhận thức về CP trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam, duy trì diễn đàn Hội nghị bàn tròn Quốc gia về “Sản xuất và tiêu thụ bền vững” (SCP) và hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu trong khuôn khổ dự án mà họ tham gia, đặc biệt các mục tiêu của Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020.
Gần đây nhất, năm 2015 UNIDO và Bộ Kế hoạch & Đầu tư chọn VNCPC là đơn vị tư vấn về lĩnh vực “Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn” (RECP) cho dự án “Triển khai các sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và SECO tài tài trợ (2015 -2017). Nhiệm vụ của VNCPC trong dự án này là xây dựng năng lực và hướng dẫn đánh giá RECP cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Khánh Phú tại Ninh Bình, Hòa khánh tại Đà Nẵng và Trà Nóc 1 & 2 ở Cần Thơ.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, VNCPC đã khảo sát điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, sau đó áp dụng các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn trình diễn về CP trước đây & RECP hiện nay cũng như tích hợp CP với các vấn để liên quan như Sử dụng hiệu quả năng lượng, Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, Sản xuất và Tiêu dùng bền vững, Thiết kế sản phẩm bền vững… ở Việt Nam cũng như những kiến thức và kinh nghiệm của mạng lưới toàn cầu của UNIDO – UNEP về RECP. Hoạt động RECP của dự án tại 23 doanh nghiệp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2016 đã đạt được những kết quả bước đầu khá ấn tượng về cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, nước và nguyên vật liệu, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cụ thể và giảm tác động môi trường từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Chuyên gia VNCPC đi đánh giá RECP tại doanh nghiệp
Bảng tóm tắt kết quả thực hiện RECP tại các DN lựa chọn trong 3 KCN mục tiêu của dự án
TT | KCNKết quảHoạt động |
Khánh Phú, Ninh Bình |
Hòa Khánh,Đà Nẵng | Trà Nóc I & II,Cần Thơ |
1 |
Số DN tham gia |
7 | 6 |
10 |
2 |
Số CB được đào tạo |
33 | 35 |
39 |
3 |
Số giải pháp RECP lựa chọn |
125 | 92 |
185 |
4 |
Số dự án đầu tư công nghệ |
5 | 10 |
8 |
5 |
Số dự án đầu tư đang thực hiện |
2 | 8 |
4 |
6 |
Lợi ích kinh tế(áp dụng tỷ gía 1USD = 22,300 VND) | Tiết kiệm 76.816 USD/năm do giảm suất tiêu thụ than, khí đốt, điện và nước, trong đó 72,45% là do giảm tiêu thụ điện năng | Tiết kiệm 279.597 USD/năm do giảm suất tiêu thụ than, củi, điện & nguyên vật liệu, trong đó 63% là do giảm tiêu thụ điện năng | Tiết kiệm 376.326 USD/năm do giảm suất tiêu thụ điện và nước, trong đó 84% là do giảm tiêu thụ điện năng |
7 |
Lợi ích môi trường | Giảm phát thải CO2: 726 tấn/năm | Giảm phát thải CO2: 1.625 tấn/năm | Giảm phát thải CO2: 2.458 tấn/năm |
Theo đánh giá của VNCPC, hiện nay, tổn thất năng lượng tại các doanh nghiệp là khá lớn. Để sớm khắc phục vấn đề này, các doanh nghiệp cần dành ưu tiên cao cho việc thực hiện các giải pháp quản lý và đầu tư đổi mới công nghệ – thiết bị. Các giải pháp này sẽ góp phần cắt giảm chi phí sản xuất đồng thời giảm tác động tới môi trường và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Mặt khác, một tín hiệu tốt là một số doanh nghiệp đã thể hiện tính cam kết cao, bao gồm cả việc chủ động đầu tư thực hiện các dự án đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn. Đây là một yếu tố quan trọng cho sự thành công của dự án.
Việc thực hiện đánh giá RECP tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, không chỉ giúp các doanh nghiệp nhận ra những cơ hội nâng cao hiệu quả sản xuất và công tác bảo vệ môi trường mà còn cung cấp thông tin cơ sở về chất thải, tiềm năng trao đổi, tuần hoàn, tái chế và tái sử dụng chất thải, định hướng cho việc xây dựng các mô hình KCN sinh thái phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và kỹ thuật của từng địa phương.
Khu công nghiệp được xem là một địa bàn có nhiều lợi thế cho cho việc nhân rộng áp dụng tiếp cận RECP vào công nghiệp làm gia tăng tác dụng của tiếp cận này, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và KCN nói chung, góp phần chuyển đổi các KCN truyền thống theo hướng KCN sinh thái, đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế cũng như môi trường và xã hội của các KCN ở nước ta.
Nhân dịp 50 năm thành lập UNIDO, VNCPC xin chân thành cảm ơn UNIDO về sự hợp tác hiệu quả với viện INEST, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trong suốt quá trình thực hiện các dự án trên và ươm tạo nên VNCPC Co. Ltd. hôm nay.
PGS.TS Trần Văn Nhân – Giám đốc VNCPC Co.Ltd
Theo Admin vncpc.org