Việt Nam ứng dụng công nghệ cao sản xuất kính tiết kiệm năng lượng

Ngày 9/10, TCT Viglacera – CTCP đã tổ chức đón nhận Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng Công nghệ cao cho Dự án dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng.

 

55aKHPT_ky-ketĐại diện Viglacera và nhà thấu Von Ardenner GmbH (Đức) ký hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ

Đây là dự án “Công nghệ cao” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 13/01/2015 và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao theo quyết định số 2456/QĐ-BKHCN ngày 22/9/2015.

Dự án được cho là dấu mốc quan trọng tiếp tục đánh dấu vai trò tiên phong của Viglacera trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước về phát triển sản phẩm mới ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường đồng thời khẳng định bước tiến chủ động tái cơ cấu các chủng loại sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sử dụng sản phẩm xanh và bền vững của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc Công ty Kính nổi Viglacera cho biết, Dự án dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, trong đó phần lõi là dây chuyền sản xuất kính theo công nghệ Đức trị giá 11 triệu euro. Năng lực sản xuất dây chuyền này khoảng 2,3 triệu m2/năm và có thể vận hành đạt công suất lên 3,3 triệu m2/năm.

Để có được sản phẩm này Viglacera đã ký hợp đồng tư vấn, cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ (hợp đồng EP) với Tập đoàn Von Ardenne GmbH (Đức) gói cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ sản xuất kính tiết kiệm năng lượng để mở rộng nhà máy kính của Viglacera tại tỉnh Bình Dương.

“Sản phẩm kính TKNL Viglacera sẽ thay thế hàng nhập khẩu, chủ động đón đầu các ‘sân chơi’ hội nhập mới như TPP (hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác sẽ có hiệu lực trong thời gian tới…”, đại diện Viglacera kỳ vọng.

Theo hợp đồng đã ký kết giữa Viglacera và nhà thầu Von Ardenne GmbH, kính tiết kiệm năng lượng Viglacera sẽ được sản xuất theo công nghệ phủ mềm, bởi kính phủ mềm có những tính năng ưu việt hơn rất nhiều so với kính được phủ cứng, hơn nữa rất phù hợp với khí hậu của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Hai loại kính là Solar Control và Low – E sẽ là sản phẩm của dự án này đảm bảo sử dụng hiệu quả cho khí hậu phân vùng Bắc – Nam.

Hiện Ngân hàng Phát triển Việt Nam hỗ trợ tín dụng đầu tư đối với dự án là 350 tỷ đồng; đồng thời nhà thầu Von Ardenne GmbH của Đức sẽ cung cấp thiết kế, tài liệu kỹ thuật, hàng hóa, lắp đặt dây chuyền sản xuất đúng với thiết kế, chuyển giao công nghệ, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho Viglacera.

Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, việc sử dụng kính tiết kiệm năng lượng sẽ mang đến giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các công trình xây dựng.

Cụ thể kính tiết kiệm năng lượng có tính năng phát xạ thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ, dẫn tới giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài qua hệ thống vách kính, từ đó tiết kiệm chi phí năng lượng của hệ thống điều hòa không khí mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông.

Theo ông Khoa, dự kiến tháng 10/2016 sẽ cho ra lò mẻ kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Theo sxsh.vn