Ứng phó BĐKH gắn với tăng trưởng xanh và bền vững
Sáng ngày 28/7 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Bộ Công Thương giai đoạn 2010-2015.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của BĐKH. Công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp… là những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. Nhận thức rõ vấn đề nên Bộ Công Thương là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH.
Ông Trần Văn Lượng, Chánh Văn phòng BĐKH của Bộ Công Thương cho biết: Bằng nguồn ngân sách thực hiện Chương trình, Bộ Công Thương đã triển khai các hành động trong 6 nhóm nhiệm vụ, dự án và đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Đối với nhóm nhiệm vụ tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức: Thông qua 11 nhiệm vụ, các đơn vị đào tạo, truyền thông của Bộ đã xây dựng và tuyên truyền trên 350 tin, bài viết trên các Báo, Tạp chí, trang thông tin điện tử của đơn vị truyền thông thuộc Bộ; Tổ chức trên 10 cuộc hội thảo chuyên ngành về BĐKH; Tổ chức 8 lớp huấn luyện, đào tạo cho hơn 200 lượt cán bộ ở cấp Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp ngành công thương về ứng phó BĐKH… Từ các kết quả thực hiện nhiệm vụ này có thể đánh giá nhận thức của một bộ phận các cán bộ, công chức viên chức người lao động của ngành đã được nâng cao.
Nhiệm vụ đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đến các lĩnh vực ngành Công Thương: Bộ Công Thương đã lựa chọn thực hiện 14 nhiệm vụ, đến nay đã xây dựng được 12 báo cáo kỹ thuật đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đến các lĩnh vực công nghiệp, thương mại nhạy cảm. Các lĩnh vực được triển khai gồm: Lĩnh vực công nghiệp, như khai thác than, sản xuất hóa chất, sản xuất thép, khai thác khoáng sản (titan, sắt và apatit), hạ tầng sản xuất và truyền tải ngành điện, lĩnh vực thủy điện, ngành sản xuất giấy và bột giấy, lĩnh vực thương mại; Các Quy hoạch phát triển công nghiệp và Quy hoạch phát triển thương mại bao gồm quy hoạch phát triển hạ tầng và định hướng phát triển…; Đảm bảo an ninh năng lượng cũng được đặt trong bối cảnh BĐKH.
Nhiệm vụ xây dựng và đề xuất các giải pháp cơ chế, chính sách, rà soát, lồng ghép ứng phó BĐKH vào kế hoạch phát triển ngành. Với nguồn kinh phí hơn 5 tỷ đồng, Chương trình đã triển khai 9 nhiệm vụ có tính chất nghiên cứu về các vấn đề: Lồng ghép BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành công thương; Các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo; Các cơ chế hỗ trợ phát triển công nghiệp theo hướng các bon thấp và một số nội dung liên quan đến hàng hóa các bon thấp, thiết bị, công nghệ phát thải thấp.
Nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng phó BĐKH, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho ngành Công Thương. Chương trình đã hoàn thành quy trình kiểm kê phát thải khí nhà kính cho ngành thép và ngành hóa chất cơ bản; đồng thời xây dựng các biện pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính cho lĩnh vực nhiệt điện đốt than, ngành khai thác và chế biến than, ngành sản xuất phân bón, ngành dệt may và ngành giấy đang được triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Bên cạnh đó là nhóm nhiệm vụ thí điểm áp dụng mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp; Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng, Bộ Công Thương – Hoàng Quốc Vượng, Trưởng ban chỉ đạo đã đánh giá cao các hoạt động mà ngành Công Thương đạt được trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH của Bộ Công Thương giai đoạn 2010 – 2015. Thứ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành công thương là rất nặng nề trong bối cảnh BĐKH đã trở thành vấn đề mang tính cấp bách, các cơ hội đan xen nhau nhưng các thách thức cũng đòi hỏi sự hợp tác lâu dài không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh tác động mạnh của BĐKH, ngành Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các tổ chức hợp quốc tế, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển các bon thấp…
Theo Báo Công Thương