Thách thức giảm phát thải khí CO2

Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để giảm phát thải khí CO2 trong khu vực công nghiệp từ nay đến năm 2020, đây là một thách thức không nhỏ trên con đường phát triển kinh tế bền vững.

Thách thức giảm phát thải CO2

Chính doanh nghiệp là người có lợi nhiều nhất khi tham gia vào tăng trưởng xanh. Nguồn: Internet

Chiến lược phù hợp

Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững và ứng phó với suy thoái môi trường. Hiện nhiều quốc gia ở châu Á đang bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế theo hướng bền vững hơn và Việt Nam cũng đang hướng tới.

Trong “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ năm 2011 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: Mục tiêu từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8%-10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1%-1,5%/năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10-20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 10%, 10% còn lại mức phấn đấu khi có thêm hỗ trợ quốc tế.

Định hướng đến năm 2030 giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5-2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20-30% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó, mức tự nguyện khoảng 20%, 10% còn lại là mức khi có thêm hỗ trợ quốc tế. Định hướng đến năm 2050 giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5-2%.

Cũng theo chiến lược này, Việt Nam sẽ xanh hóa sản xuất, thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường. Đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm…

Giải pháp tài chính

Hơn thập kỷ qua, biến đổi khí hậu hàng năm đã gây thiệt hại khoảng 2-6% GDP của Việt Nam. Mỗi năm Chính phủ Việt Nam đã dành khoảng 1 tỷ USD cho các chương trình và dự án biến đổi khí hậu, trong đó có tăng trưởng xanh thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chương trình liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Từ năm 1993 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã dành khoảng 2 tỷ USD vốn ODA cho các dự án, chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh. Ngoài ra, các tổ chức, các quỹ quốc tế cũng tham gia cung cấp tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật, như Chương trình giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (REDD+), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Cơ chế phát triển sạch (CDM)…

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam được đánh giá cao, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguồn tài chính phân bổ cho các dự án, chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh còn rải rác, chưa tập trung, trong khi để giảm phát thải khí nhà kính 8% đến 10% so với mức 2010 như mục tiêu đề ra, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần 30 tỷ USD. Đây là khoản kinh phí không nhỏ đối với Việt Nam và để huy động được nguồn lực này cần tích hợp nhu cầu tăng trưởng xanh và bền vững vào khung phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, 10 năm, và sử dụng cơ chế thích hợp để huy động vốn, nhất là từ khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế.

Tại hội thảo “Tiếp cận tài chính cho tăng trưởng xanh và chiến lược phát triển ít phát thải” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện những hình thức tiếp cận tài chính cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng và đa dạng nhưng chủ yếu là từ đầu tư công của Chính phủ, nguồn vốn ODA và các tổ chức, các quỹ quốc tế mà chưa có sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân. Do đó, trong tương lai, cần triển khai một số dự án thí điểm cho các nhà đầu tư sinh lợi, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn vào tăng trưởng xanh.

Đại diện Bộ Công Thương tại hội thảo “Tăng cường năng lực xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh ở Việt Nam”, đã đề xuất: Cần thiết lập và tăng cường cơ chế điều phối, phối hợp thường xuyên giữa cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu và các đầu mối Ủy ban quốc gia tại các Bộ; Ban hành, thể chế hóa yêu cầu lồng ghép biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược. Nhà nước đảm bảo kinh phí và mức độ kinh phí cho thực hiện tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính… để các Bộ, ngành chủ động trong ưu tiên hóa và lập kế hoạch thực hiện, đặc biệt là phân bổ kinh phí cho các hạng mục đầu tư thí điểm các mô hình và công nghệ giảm phát thải./.

Theo ven.vn