Posts

Nỗ lực biến rác thành năng lượng của Thụy Điển

Thụy Điển được biết đến là nước đi đầu trong sản xuất năng lượng xanh từ rác thải. Để có được thành quả này, quốc gia đáng sống nhất thế giới đã trải qua một quá trình nỗ lực trong nhiều thập niên để hoàn thiện quy trình, hệ thống thu gom và biến rác thải thành năng lượng.


Từ những năm 1970, Thụy Điển bắt đầu thực hiện những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải.

Trên thế giới, trung bình, gần 60% chất thải được đưa vào các bãi chôn lấp, trong khi ở Thụy Điển con số này chỉ là 1%. Những bãi rác trống rỗng, năng lượng từ đốt rác được tận dụng triệt để. Vậy điều gì đã làm cho hệ thống tái chế của đất nước này thành công như vậy? Câu trả lời nằm ở nỗ lực của chính phủ trong xử lý chất thải của đất nước.

Ngay từ những năm 1970, Thụy Điển bắt đầu thực hiện những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải trong các hộ gia đình, nhà máy và địa phương và cùng với đó, chính sách tái chế rác thải được thực thi. Vào thời điểm năm 1975, tỷ lệ tái chế chất thải của các hộ gia đình ở mức 38%.

Kể từ những năm 1990, chính phủ Thụy Điển đã thực hiện một loạt các chính sách hiệu quả nhằm giảm phát sinh chất thải, nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và người dân cũng như cắt giảm mạnh lượng khí thải. Sau khi thông qua chính sách yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm xử lý tất cả các chi phí liên quan đến việc thu gom và tiêu hủy sản phẩm, còn được gọi là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Thụy Điển đã nhắm mục tiêu đến các hộ gia đình bằng cách áp dụng phí rác thải dựa trên trọng lượng để khuyến khích hoạt động tái chế.

Hơn nữa, luật pháp quốc gia cấm chôn lấp chất thải hữu cơ và dễ cháy, cùng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về chất thải nguy hại, chôn lấp và đốt rác do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với tất cả các quốc gia thành viên đã cho phép Thụy Điển giảm đáng kể lượng khí thải và tổng lượng chất thải chôn lấp.

Đến năm 2001, lượng rác thải được xử lý lên tới 78%. Kể từ năm 2011 tới nay, chỉ có gần 1% lượng rác thải gia đình ở Thụy Điển bị đưa ra ngoài các bãi rác. Còn lại tất cả rác thải trong nước đã được xử lý hiệu quả với 47% lượng rác thải được tái chế và 52% còn lại được sử dụng để sản xuất nhiệt.

Mặc dù mỗi năm có gần 4,4 triệu tấn rác thải sinh hoạt với khoảng 467 kg rác thải/người, nhưng nhận thức cao của cộng đồng về lợi ích của việc tái chế cũng như hệ thống thu gom hiệu quả là chìa khóa thành công của Thụy Điển. Và bằng cách chuyển rác thải thành năng lượng, đất nước Bắc Âu đáng sống nhất thế giới đã có thể giữ cho các bãi rác của mình trống rỗng.

Trong khi cả thế giới lo xử lý rác thải Thụy Điển lại sẵn sàng nhập khẩu rác.

Bởi vậy, trong khi phần lớn thế giới còn chật vật với lượng rác thải ngày một cao tại quốc gia của mình thì chính sách “không rác thải” đã khiến Thụy Điển cạn kiệt rác và bắt đầu nhập khẩu rác. Từ năm 2005 đến năm 2014, mức nhập khẩu mặt hàng đặc biệt này đã tăng gấp 4 lần.

Theo Avfall Sverige, hiệp hội quản lý rác thải của Thụy Điển, trong năm 2014, đất nước thuộc bán đảo Scandinavia này đã nhập khẩu khoảng 800.000 tấn rác, chủ yếu từ Anh và Na Uy. Đến năm 2016, gần 2,3 triệu tấn rác thải được nhập khẩu từ Anh, Na Uy, Ireland và các nước khác.

Theo thời gian, cùng với quan điểm “không rác thải”, Thụy Điển đã triển khai được một chính sách tái chế rác thải có quy mô toàn quốc. Các khu đô thị ở Thụy Điển đều đầu tư vào các kỹ thuật thu gom rác thải để giảm tải cho quá trình thu gom, giải phóng bớt không gian cho đường sá với các hệ thống chứa rác ngầm và giảm thiểu mùi từ rác thải. Trong khi đó, ngay cả các doanh nghiệp tư nhân cũng chủ động đảm nhiệm hầu hết các hoạt động nhập khẩu và đốt rác.


Năng lượng này sẽ được quay vòng, trở thành nguồn nhiệt sưởi ấm cho các tòa nhà trong mùa đông khắc nghiệt.

Khi nhiều quốc gia ở châu Âu không thể tận dụng được nhiệt lượng từ việc đốt rác và nhiệt lượng này thường sẽ bị bỏ phí qua các ống khói nhưng Thụy Điển lại có thể sử dụng nó như một nguồn năng lượng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng thu được từ quá trình đốt rác được chuyển vào hệ thống sưởi ấm toàn quốc, giúp các gia đình vượt qua mùa đông giá lạnh ở nước này.

Chuyên gia năng lượng tại Viện Môi trường Stockholm, Adis Dzebo nhận định, Thụy Điển có hệ thống cung cấp nhiệt sưởi ấm tốt nhất trên thế giới với những lò đốt khổng lồ và nhiệt được chuyển đến từng ngôi nhà qua mạng lưới ống ngầm.

Hiện nay, theo thống kê, năng lượng từ rác chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn cung cấp điện của Thụy Điển; thủy điện và năng lượng hạt nhân tạo ra khoảng 83% điện năng của Thụy Điển và gió tạo ra 7% khác. Nhưng rác thải cung cấp phần lớn nhiệt lượng trong những tháng lạnh giá cho gần 10 triệu cư dân của đất nước. Năng lượng từ rác tương đương với nhu cầu sưởi ấm của 1,25 triệu căn hộ và điện cho 680.000 ngôi nhà.

Những nỗ lực tái chế của Thụy Điển cũng như các giải pháp của nước này để đưa rác thải ra khỏi các bãi chôn lấp và chuyển thành năng lượng sạch không chỉ là một giải pháp thay thế thông minh, ít tác động đến môi trường hơn mà còn cho phép khai thác các nguồn tài nguyên mà nếu không sẽ bị lãng phí.

EU đã khuyến khích các nước thành viên xây dựng hệ thống nhiệt để sưởi ấm tương tự như Thụy Điển. Ngoài ra, đại diện từ nhiều quốc gia như Ba Lan, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã đến Thụy Điển để học hỏi kinh nghiệm biến đổi rác thành năng lượng.

Thanh Sơn
https://petrotimes.vn/no-luc-bien-rac-thanh-nang-luong-cua-thuy-dien-664658.html

Thị trấn không rác thải ở Nhật Bản

Kamikatsu – một thị trấn nằm ở quận Katsuura, tỉnh Tokushima – là nơi đầu tiên ở Nhật Bản ban hành chính sách Không rác thải.

Vào những năm 2000, thị trấn Kamikatsu vẫn còn thói quen đốt rác thải sinh hoạt hoặc vứt rác bừa bãi. Chính những hành động này đã làm phá hoại thiên nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sống. Chính vì thế, năm 2003, Kamikatsu đã đưa ra bản tuyên ngôn “Không rác thải”, nhằm xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường.


Trạm xử lý rác Hibigaya.

Theo đó, người dân nơi đây thường rửa và phân loại rác trước khi đem đến trung tâm rác của vùng. Và ở trung tâm này, để đảm bảo công nhân sẽ kiểm tra phân loại thêm 1 lần nữa. Tổng cộng có đến 45 loại rác thải riêng biệt, riêng giấy cũng có đến 9 loại.


Rác thải được phân loại.

Thị trấn còn có 1 nơi để họ đem những đồ dùng hoặc nội thất không dùng nữa đến đó, trao đổi hoặc lấy miễn phí những thứ người khác không dùng nữa.

80% rác thải của thị trấn được tái chế, tái sử dụng hoặc ủ, 20% còn lại hiện không thể được xử lý – những thứ như tã lót và một số loại nhựa nhất định – sẽ được gửi đi đốt. Quá trình này tiết kiệm cho ngôi làng một phần ba chi phí so với trước đây từ việc đốt rác thải.


Toàn cảnh thị trấn Kamikatsu.

Ngoài Kamikatsu, các thành phố khác trên khắp thế giới cũng đang cố gắng giảm sự lãng phí. Chẳng hạn, năm 2015, San Diego tuyên bố kế hoạch giảm 75% rác thải vào năm 2030 và hoàn toàn không có chất thải vào năm 2040. Thành phố New York có kế hoạch đầy tham vọng tương tự, hy vọng sẽ không có chất thải trong khoảng 15 năm.

Trên toàn cầu, lượng rác được sản xuất đang tăng nhanh hơn tốc độ đô thị hóa (báo cáo của World Bank năm 2015). Đến năm 2025, tổ chức này ước tính sẽ có thêm 1,4 tỷ người sinh sống ở các thành phố trên toàn thế giới, với mỗi người sản xuất khoảng 1,3 kg chất thải mỗi ngày – nhiều hơn gấp đôi mức trung bình hiện tại.

G.Minh

https://petrotimes.vn/thi-tran-khong-rac-thai-o-nhat-ban-569696.html

Thụy Điển giới thiệu mô hình thu gom và tái chế rác đáng để Việt Nam học hỏi

Vừa qua, Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại Việt Nam – từ kinh nghiệm của Thụy Điển”.

Tham dự hội thảo có Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phi chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn như Tetra Pak, Food Industry Asia, PRO Việt Nam, Circulate Capital, Hiệp hội Quản lý Rác thải Thụy Điển…

Ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc Điều hành Tetra Pak Việt Nam, doanh nghiệp Thụy Điển điển hình đã và đang tiên phong nhiều sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về chính sách và tầm nhìn của Việt Nam trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, các điển hình thành công tại Thụy Điển và trong khu vực… Một trong những trở ngại lớn nhất của Việt Nam đối với việc áp dụng mô hình này đó là vấn đề quản lý thu gom và tái chế rác, được coi là nguyên liệu đầu vào trong mô hình kinh tế tuần hoàn.

Hội thảo cũng đã dành thời gian để xem xét thực tiễn việc quản lý rác tại Hà Nội, mô hình thu gom và tái chế rác tại Thụy Điển, đặc biệt chia sẻ về những thách thức và cơ hội đối với các công ty tái chế rác ở Việt Nam. Hội thảo cũng nhấn mạnh việc hình thành quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư, là điều kiện then chốt để mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon có thể phát triển sâu rộng tại Việt Nam.

Theo tapchicongthuong.vn
http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuy-dien-gioi-thieu-mo-hinh-thu-gom-va-tai-che-rac-dang-de-viet-nam-hoc-hoi-66670.htm

97 quốc gia phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu rác thải nguy hiểm

97 quốc gia thông qua Công ước Basel đã phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu rác thải nguy hiểm, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12 tới.

Trong một thông cáo báo chí ngày 9/9, mạng lưới Basel Action Network (BAN), một mạng lưới phi chính phủ đấu tranh chống các hoạt động xuất khẩu rác thải nguy hiểm, cho biết lệnh cấm trên đã được đa số các nước tham gia Công ước Basel sửa đổi năm 1995 thông qua, theo đó cấm các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Liechtenstein xuất khẩu rác thải sang các quốc gia khác.


Rác thải nhựa tràn ngập tại sông Citarum ở Bandung, Tây Java, Indonesia, ngày 26/6/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

97 quốc gia thông qua Công ước Basel đã phê chuẩn lệnh cấm này. Theo dự kiến, lệnh cấm trên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12 tới.

Những quốc gia không phê chuẩn lệnh cấm này gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Mexico.

Trước đó vài tháng, Liên hợp quốc cho biết gần như tất cả các nước trên thế giới đã nhất trí sửa đổi Công ước Basel, một khuôn khổ pháp lý mang tính ràng buộc nhằm ngăn chặn rác thải nhựa, vốn đã trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường biển.

Theo Công ước Basel sửa đổi, được 180 chính phủ thông qua, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý và cần phải có sự đồng ý của các nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này.

Trong một thông cáo báo chí, Ban thư ký Công ước cho biết công ước sửa đổi trên sẽ “khiến cho hoạt động buôn bán rác thải nhựa trên toàn cầu trở nên minh bạch hơn và được quản lý tốt hơn, trong khi đảm bảo rằng việc xử lý chúng sẽ an toàn với sức khỏe con người và môi trường”.

BAN đã đánh giá cao việc đưa quy định quan trọng này vào luật để thúc đẩy tính pháp lý của vấn đề môi trường ở quy mô thế giới.

Theo TTXVN (10/9/2019)