Posts

Cần thêm lực đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững

Theo TS. Lê Xuân Thịnh, hiện doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang thiếu “lực đẩy và lực kéo” để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững một cách hiệu quả.

Doanh nghiệp cần cả “lực đẩy và lực kéo”

Là Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), TS. Lê Xuân Thịnh cho biết sau hơn 20 năm chương trình sản xuất sạch hơn hiện diện tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã được thụ hưởng và có những chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần cả “lực đẩy và lực kéo” để có thể thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn một cách thực chất, hiệu quả và bền vững.


TS. Lê Xuân Thịnh trình bày điển hình sản xuất sạch hơn tại một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp do VNCPC tư vấn (Ảnh: Thu Hường)

Chia sẻ bên lề Hội nghị Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 19/9 vừa qua, TS. Lê Xuân Thịnh khẳng định: Nhận thức của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện nay khá rõ nét và đầy đủ.

Sau hơn 20 năm Việt Nam thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn mà hiện nay chuyển thành Sản xuất và tiêu dùng bền vững, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chương trình hỗ trợ của Quốc gia thông qua Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (2009), Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021-2030 cũng đã phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực rất lớn cho các doanh nghiệp, việc nhận thức của doanh nghiệp hiện nay tương đối tốt.

“Đặc biệt là với sức ép của các nhãn hàng, người tiêu dùng, sự cạnh tranh của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí tối đa mới có thể cạnh tranh, do đó nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn”- TS. Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên cũng theo Giám đốc VNCPC, từ việc nhận thức sang thực hiện của doanh nghiệp còn có một khoảng cách rất lớn.

TS. Thịnh cho rằng, đội ngũ kỹ thuật để thực hiện ở dưới các doanh nghiệp luôn bị dịch chuyển, nghĩa là sau đào tạo họ chỉ làm ở doanh nghiệp một thời gian lại dịch chuyển sang doanh nghiệp khác, và doanh nghiệp phải bắt đầu lại từ đầu.

Bên cạnh đó, việc quyết liệt thực hiện giao nhiệm vụ từ lãnh đạo doanh nghiệp xuống cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng chưa được quyết liệt, khiến cho công tác trình các kế hoạch thực hiện từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật lên lãnh đạo nhà máy còn có độ trễ, dẫn đến nhiều cán bộ kỹ thuật không hào hứng trong thực hiện.

Ngoài ra, nhiều mô hình trình diễn đang thiếu, đặc biệt là ở một số ngành, từ việc phổ biến thông tin đến ngành đó còn chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình thực hiện.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ lộ trình chuyển đổi xanh, sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn là con đường đi tất yếu phải thực hiện. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, nếu Nhà nước tiếp tục có các chương trình hỗ trợ về truyền thông, tư vấn, xây dựng mô hình mẫu… chắc chắn các doanh nghiệp sẽ triển khai nhanh và hiệu quả hơn.

“Để triển khai hiệu quả, phải vừa đẩy và kéo. Cụ thể “đẩy” ở đây phải có các mô hình trình diễn, có các hỗ trợ để doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, cần có các tiêu chí thế nào là phát triển bền vững? thế nào sinh thái? thế nào là doanh nghiệp xanh? hiện chúng ta còn thiếu nhiều các tiêu chí, việc nhận diện các tiêu chí đó còn đang rất khó khăn, người tiêu dùng không biết các sản phẩm này xanh hay không xanh. Nên phải bằng nhãn mà nhãn xanh hiện nay mới chỉ có ở các sản phẩm thuộc Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, còn các nhãn khác đang vướng mắc”- TS. Lê Xuân Thịnh nhấn mạnh.

Cần thêm lực đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững

Cao su Đà Nẵng giới thiệu các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng tại Triển lãm sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ hội nghị SCP Quốc gia vào ngày 19/9 tại Đà Nẵng (Ảnh: Thu Hường)

Còn việc “kéo”, là phải gỡ bỏ các rào cản về khuôn khổ pháp lý, Luật đã có đã quy định nhưng chúng ta phải xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn,… hiện các văn bản này đang thiếu.

Giám đốc VNCPC khẳng định: “Doanh nghiệp khi thực hiện họ phải biết được việc họ đang làm theo hướng dẫn của Nghị định, Thông tư nào hay Chỉ thị nào… đây là vấn đề mà doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc”.

TS. Thịnh lấy ví dụ thực tế mà doanh nghiệp đã gặp phải khi thực hiện tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng ngay trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị vướng về Báo cáo môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường…, Từ đó, ông cho rằng, khi thực hiện tuần hoàn như vậy sẽ thay đổi thành phần chất thải, chất thải sẽ giảm đi, việc đó phải có hướng dẫn cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp cấp lại giấy phép môi trường dễ dàng nhanh chóng chứ không phải cấp mới như hiện nay.

Doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là lợi ích “sát sườn”

Hiện còn nhiều doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch và báo cáo phát triển bền vững (ESG) mang tính chất đối phó, chỉ để làm “thương hiệu, tuyên truyền”.

Để hoạt động này được doanh nghiệp tuân thủ và đi vào thực chất, theo TS. Lê Xuân Thịnh, chỉ khi doanh nghiệp nhận rõ lợi ích thiết thực từ các hoạt động trên thì họ mới làm thực chất. Do đó, phải cho doanh nghiệp thấy họ đang đứng ở đâu trong quá trình phát triển bền vững và việc phát triển bền vững giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, được thị trường thừa nhận, khách hàng nhiều hơn thì lúc đó doanh nghiệp sẽ thay đổi cách làm.

Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, trong những năm qua, VNCPC đã tham gia tư vẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho hàng trăm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam về các giải pháp thực hiện sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.

Trong đó có thể kể đến các giải pháp trong lĩnh vực sản xuất da giày, VNCPC đã tư vấn một doanh nghiệp sử dụng nước cấp 4.000m3/tháng, sau khi được xử lý nước đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp không xả ra môi trường mà tái sử dụng cho hoạt động vệ sinh của doanh nghiệp, nhờ đó doanh nghiệp đã tiết kiệm được 44,2 triệu đồng/tháng.

Hay đối với công ty dệt nhuộm, thông qua giải pháp đầu tư hệ thống RO để tái sử dụng nước, chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải loại A. Theo đó với công suất 5.000m3/ngày đêm, chi phí đầu tư 20,5 tỷ đồng, chi phí vận hành 9,5 tỷ đồng. Với việc tuần hoàn sử dụng nước thải sau khi được xử lý đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí mua nước và chi phí xả thải lên đến 14,4 tỷ đồng/năm.


Mô hình sản xuất bia, rượu có thể áp dụng giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát nhằm thực hiện sản xuất sạch hơn (Ảnh minh họa: Thu Hường)

Đối với mô hình sản xuất bia, với công suất nhà máy 24 triệu lít bia/năm, khí biogas sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải 4.800m3/ngày, chi phí đầu tư 2,6 tỷ đồng, chi phí vận hành 616 triệu đồng, nhờ tái sử dụng nước thải và thu hồi khí biogas phục vụ cho lò hơi (lò hơi trước đó sử dụng sinh khối) đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí nước và năng lượng là 5,39 tỷ đồng, như vậy thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp chỉ có 3 tháng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã giảm tiêu thụ sinh khối với tỷ lệ 33% ( củi và trấu), qua đó giảm phát thải khí nhà kính là 17.044 tấn CO2.

Ông Lê Xuân Thịnh chia sẻ, với mô hình sản xuất bia, rượu thì giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát và ép vắt bã làm thức ăn gia súc sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về môi trường, kinh tế và xã hội.

Tương tự như vậy trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn, doanh nghiệp có thể sử dụng bã sắn, vỏ sắn để sản xuất phân vi sinh, thu hồi khí đốt để thay thế than, ép vắt bã làm thức ăn gia súc; hoặc đối với ngành mía đường doanh nghiệp có thể đầu tư hệ thống phát điện đồng phát từ bã mía, xây dựng hệ thống làm mát để tuần hoàn tái sử dụng, hơi dùng sấy đường, điện chạy nhà máy và hoàn toàn có thể đăng ký cơ chế phát triển sạch (CDM), bùn thải từ sản xuất mía đường có thể sản xuất phân vi sinh, bán CO2 để giảm thời gian hoàn vốn đầu tư.

“Như vậy, chỉ khi có những mô hình cụ thể, lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường cụ thể thì doanh nghiệp mới thực hiện và triển khai một cách thực chất, mang lại hiệu quả cao thay vì chỉ làm đối phó như hiện nay nhiều doanh nghiệp đang làm. Tất nhiên, để làm được điều đó đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự trợ lực từ Nhà nước”- TS. Thịnh khẳng định.

Thu Hường
https://congthuong.vn/can-them-luc-day-cho-san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-347594.html