Đông Nam Á thiết lập “hàng rào bảo vệ” đối với trí thông minh nhân tạo
Các quốc gia Đông Nam Á đang xây dựng bộ quy tắc quản trị và đạo đức mới cho trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm áp đặt “các rào cản” lên dòng công nghệ đang bùng nổ này. Năm quan chức hiểu rõ trực tiếp về vấn đề này đã xác nhận thông tin trên với Reuters.
Những cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang gấp rút soạn thảo ra những quy định để quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Với năng lực tạo ra văn bản và hình ảnh, dòng công nghệ này mang lại nhiều niềm phấn khích, cũng như nỗi lo ngại về khả năng tái định hình nhiều ngành công nghiệp.
Vào tháng 2/2023, các bộ trưởng của 10 nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhìn nhận tính cấp bách của việc phát triển một “hướng dẫn sử dụng AI” tại ASEAN – một khu vực với 668 triệu dân sinh sống. Dù vậy, vẫn chưa có báo cáo chi tiết nào về nội dung thảo luận giữa những nhà hoạch định chính sách trong khu vực.
Các quan chức cấp cao của Đông Nam Á cho biết, “Bộ Quy tắc của ASEAN về Quản trị và Đạo đức AI” đang được hình thành, với mục đích cố gắng cân bằng giữa lợi ích kinh tế và rủi ro trong quá trình ứng dụng công nghệ này.
“Công việc soạn thảo đang diễn ra và có thể sẽ hoàn thành vào cuối năm nay trước khi được các thành viên ASEAN thông qua”, một quan chức nói với Reuters.
Một quan chức khác cho biết, dự thảo có thể sẽ được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN (ADGMIN) vào đầu năm tới.
Phát ngôn viên của Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore cho biết, với tư cách là chủ tọa ADGMIN tổ chức vào năm 2024, quốc gia này sẽ hợp tác với những thành viên ASEAN khác “để xây dựng nên “Bộ Quy tắc của ASEAN về Quản trị và Đạo đức AI”. Đây sẽ là một bước đi thực tế và khả thi để tăng độ tin cậy trong việc triển khai những công nghệ AI mang đầy tính sáng tạo và trách nhiệm trong khu vực ASEAN”.
Những nước thành viên ASEAN khác bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Reuters đã không liên hệ được ngay với chính phủ của những nước trên để yêu cầu bình luận.
Các nguồn tin từ chối bình luận thêm về bản chất của bộ quy tắc sử dụng AI, vì thảo luận chỉ mới ở giai đoạn đầu. Đây cũng là một nội dung có tính bảo mật cao.
Những nguồn tin này từ chối tiết lộ danh tính vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông. Trong số những người trao đổi với Reuters, có quan chức của 3 quốc gia Đông Nam Á.
Trong vòng vài tuần tới, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ dự kiến sẽ công bố bản dự thảo về bộ quy tắc ứng xử tự nguyện cho AI. Bộ quy tắc này sẽ có hiệu lực trước Đạo luật AI tiên phong của EU, vốn vẫn đang nằm trong giai đoạn thảo luận.
Như những đối tác của họ ở châu Âu và Mỹ, giới hoạch định chính sách của ASEAN cũng đã bày tỏ mối quan ngại cụ thể về khả năng AI công nghiệp hóa thông tin sai lệch.
Trong một bài báo nghiên cứu đăng tải vào tháng 6, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm của Singapore đã cảnh báo: AI tổng quát (regenerative AI) có khả năng những nội dung có bản chất “đánh lừa” nhưng mang tính thuyết phục nhất định, gây nguy cơ tạo ra “ảo giác”.
Theo 3 nguồn tin, quốc đảo này, với quyết định đi đầu trong công cuộc vạch ra chiến lược đối phó với AI trong khu vực, đang tổ nhiều cuộc đàm phán để xây dựng quy tắc sử dụng AI.
Ngọc Duyên/AFP
https://petrotimes.vn/dong-nam-a-thiet-lap-hang-rao-bao-ve-doi-voi-tri-thong-minh-nhan-tao-687507.html