Posts

Bản tin Năng lượng Xanh: EU nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo

Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo; Công ty phát triển hệ thống năng lượng Sesame Solar của Mỹ mới đây đã ra mắt loại lưới điện siêu nhỏ sử dụng 100% năng lượng tái tạo…

EU thúc đẩy năng lượng tái tạo

Tại cuộc họp hôm 27/6 ở Luxembourg, Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về các mục tiêu ràng buộc nhằm giảm tiêu thụ năng lượng ở liên minh và đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Đòn bẩy hành động đầu tiên liên quan đến tỷ trọng của năng lượng tái tạo với mục tiêu phải chiếm 40% tổng năng lượng của châu Âu vào năm 2030, so với mức hiện tại là 32%. Mục tiêu 45% do EC đề xuất hồi tháng 5 không được chấp thuận vì “quá ngắn”.

Mỗi khu vực kinh tế được giao một mục tiêu phát triển tái tạo. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, mỗi quốc gia phải giảm 13% cường độ phát thải khí nhà kính, hoặc đạt được ít nhất 29% năng lượng tái tạo.

Sesame Solar ra mắt lưới điện siêu nhỏ

Công ty phát triển hệ thống năng lượng Sesame Solar ở bang Michigan, Mỹ mới đây đã công bố sản phẩm lưới điện siêu nhỏ sử dụng 100% năng lượng tái tạo đầu tiên trên thế giới.

Hoạt động nhờ hệ thống pin mặt trời ở hai cánh và hydro, lưới điện siêu nhỏ dạng module có thể được chuyển tới những khu vực mất điện khẩn cấp, cung cấp điện trong nhiều tuần.

Sesame phát triển lưới điện này như một giải pháp sạch hơn thay thế nhiên liệu hóa thạch. Với chiều dài từ 3 – 12 m, lưới điện mini của Sesame được thiết kế với hình dáng giống rơmoóc hai cầu hoặc container tiêu chuẩn ISO, sẵn sàng vận chuyển bằng tàu thủy, máy bay chở hàng, xe tải, trực thăng, tàu hỏa…

Điện tạo ra qua lưới điện siêu nhỏ của Sesame có thể dùng để vận hành thiết bị y tế khẩn cấp, lọc nước, chạy hệ thống liên lạc, hoặc sạc xe điện ở khu vực không thể tiếp cận bằng xe ôtô và xe tải. Mỗi lưới điện có công suất pin 15 – 150 kWh và 3 – 20 kW sạc bằng pin mặt trời.

Trang trại điện gió Trung Quốc sản xuất 2,4 tỷ KWh

Rudong được xem là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của châu Á sử dụng công nghệ truyền tải điện một chiều linh hoạt. Sản lượng điện tích lũy từ Rudong đã vượt mốc 1 tỷ KWh kể từ khi chính thức hoạt động hồi tháng 12/2021.

Dự án Rudong có thể hỗ trợ công suất phản kháng – công nghệ then chốt ngày nay để kết nối lưới điện mới và cân bằng lưới điện.

Để chuyển điện gió thành điện một chiều và truyền vào bờ ở khoảng cách 100 km, trang trại sử dụng một bộ chuyển đổi nặng 22.000 tấn, công suất truyền tải là 1.100 MW.

Khi vận hành với 100% công suất, Rudong có thể sản xuất 2,4 tỷ KWh điện hàng năm, theo Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc.

Bình An
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-eu-no-luc-thuc-day-nang-luong-tai-tao-657836.html

Hàn Quốc xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới

Các nhà chức trách Hàn Quốc đã ký hợp đồng trị giá 36 tỷ euro nhằm xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. 

Nghèo nàn về các nguồn năng lượng truyền thống, Hàn Quốc tích cực hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Hiện nay, Hàn Quốc đang sử dụng nhiệt điện từ than nhập khẩu, chiếm tỷ trọng 40%.

Ngoài mục tiêu trung hòa carbon, Tổng thống Moon Jae-in có dự định loại bỏ dần điện hạt nhân, khai thác chủ yếu năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện.

Ông Moon Jae-in đã giám sát việc ký kết hợp đồng trị giá 48 nghìn tỷ won (36 tỷ euro) để xây dựng một trang trại điện gió khổng lồ ngoài khơi bờ biển Sinan phía Tây Nam Hàn Quốc. Theo ông Moon, trang trại điện gió sẽ có công suất tối đa là 8,2GW, với kích thước rộng gấp 7 lần trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất hiện nay.

Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh vị trí địa lý độc đáo của bán đảo Triều Tiên. Ông khẳng định: “Hàn Quốc có tiềm năng vô tận về năng lượng gió ngoài khơi và công nghệ tốt nhất thế giới trong lĩnh vực này”.

Có 33 tổ chức khác nhau tham gia vào thỏa thuận này, bao gồm chính quyền địa phương, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc Kepco, các công ty tư nhân lớn như Công ty xây dựng và công nghiệp nặng Doosan hay công ty SK E&S. Theo Ông Moon Jae-in, dự án cần hơn 5 năm chuẩn bị trước khi bắt đầu xây dựng, tuy nhiên chính phủ cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ.

Năm ngoái, Seoul đặt mục tiêu lọt vào top 5 quốc gia sản xuất năng lượng gió hàng đầu thế giới vào năm 2030. Hàn Quốc có 24 nhà máy điện hạt nhân với mật độ cao nhất thế giới. Quốc gia này đặt mục tiêu giảm còn 17 nhà máy vào năm 2034, cũng như một nửa sản lượng điện hạt nhân.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/han-quoc-xay-dung-trang-trai-dien-gio-ngoai-khoi-lon-nhat-the-gioi-600050.html

Brazil phát triển dự án điện gió trên bờ bằng công nghệ chuyên biệt

Tập đoàn Statkraft của Na Uy thông báo rằng họ đã “sẵn sàng khởi công” việc xây dựng một trang trại điện gió rất lớn trên bờ ở đông bắc Brazil.

Dự án trang trại điện gió của Statkraft có tên là Ventos de Santa Eugenia, dự kiến đặt tại bang Bahia, 91 tuabin gió được phân bổ trong 10 khu vực gần nhau. Các tuabin gió này với công suất mỗi chiếc là 5,7 MW, do nhà sản xuất Nordex của Đức cung cấp. Statkraft cho biết đường kính cánh quạt là 163 m, diện tích tương đương gần 3 sân bóng đá.

Một dự án điện gió trên bờ của Statkraft.

Theo nhà điều hành, dự án điện gió trong tương lai với tổng công suất 519 MW có thể sản xuất gần 2,3 TWh mỗi năm, với hệ số phụ tải hơn 50%, rất cao đối với một dự án điện gió trên bờ (trên thế giới, hệ số tải trung bình của các trang trại điện gió được GWEC ước tính là 23% đối với các cơ sở trên bờ và 40% đối với các cơ sở trên biển).

Theo Statkraft, dự án Ventos de Santa Eugenia sẽ khác biệt bởi một công nghệ chuyên biệt được thiết kế để tận hưởng “gió mậu dịch” ở đông bắc Brazil rất ổn định và mạnh mẽ. Tập đoàn của Na Uy chỉ rõ rằng dự án có khả năng đáp ứng nhu cầu điện hàng năm cho 1,17 triệu hộ gia đình Brazil.

Các khoản đầu tư vào Ventos de Santa Eugenia lên tới tổng cộng khoảng 380 triệu euro. Việc xây dựng dự án dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào tháng 1/2021 và hoàn thành vào tháng 6/2023. Tuabin gió đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 9/2022.

Một phần điện từ các tuabin gió của Statkraft đã được bán thông qua các hợp đồng 25 năm với giá cố định thông qua các cuộc đấu thầu công khai. Giá bán điện và chi phí sản xuất không được Statkraft thông báo, tuy nhiên công ty cho rằng dự án này “rất có lãi”, dựa trên hệ số phụ tải đã công bố. Tập đoàn của Na Uy cho biết, dự án cũng được hưởng lợi “một phần từ nguồn vốn nhà nước Brazil”.

Lưu ý rằng, gần 63,8% sản lượng điện của Brazil đến từ ngành thủy điện chỉ tính riêng trong năm 2019. Điện gió chiếm 8,9% tổng sản lượng điện quốc gia trong cùng năm, ít hơn một chút so với khí tự nhiên (9,4%).

Nh.Thạch theo AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/brazil-phat-trien-du-an-dien-gio-tren-bo-bang-cong-nghe-chuyen-biet-581192.html