Posts

Hướng tới xây dựng tiêu chuẩn cho thị trường tín chỉ carbon

Hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước.

Tín chỉ carbon là loại “hàng hóa” cốt lõi, đòi hỏi phải có hệ thống tiêu chuẩn, cơ chế vận hành và hành lang pháp lý chặt chẽ. Theo lộ trình, từ tháng 6/2025, Việt Nam sẽ bắt đầu giai đoạn thí điểm thị trường carbon kéo dài đến năm 2028. Trong giai đoạn này, tín chỉ carbon sẽ đóng vai trò là loại hàng hóa chủ đạo, được giao dịch trên nền tảng sàn giao dịch do nhà nước quản lý.

Hiện Việt Nam chấp thuận ba loại tín chỉ carbon được lưu hành gồm: tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo tiêu chuẩn của Việt Nam; tín chỉ theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris do Liên Hợp quốc điều phối; và tín chỉ từ các cơ chế hợp tác quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Cơ chế Phát triển sạch (CDM) và Cơ chế Tín chỉ chung Việt Nam – Nhật Bản (JCM). Trong đó, các cơ chế CDM và JCM từng được triển khai nhiều năm tại Việt Nam sẽ là nền tảng quan trọng để phát triển nguồn cung trong giai đoạn đầu của thị trường.

Trên thị trường quốc tế, CDM đang chững lại, còn JCM chưa có giá trị thương mại mà chỉ phân chia quyền sở hữu giữa chính phủ và doanh nghiệp hai bên. Tuy nhiên, Việt Nam có kinh nghiệm nhiều năm trong triển khai các cơ chế này, đây sẽ là lợi thế khi thị trường nội địa đi vào vận hành.

Với cơ chế Điều 6 của Thỏa thuận Paris, Việt Nam đang xúc tiến hợp tác với các quốc gia như Singapore để triển khai các dự án thí điểm trong lúc chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ Liên Hợp quốc.

Tín chỉ carbon là loại “hàng hóa” cốt lõi, đòi hỏi phải có hệ thống tiêu chuẩn chặt chẽ

Song song với việc hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng bộ tiêu chuẩn tín chỉ carbon riêng của Việt Nam.

Đây là cơ sở để các chương trình, dự án giảm phát thải có thể đăng ký, được thẩm định và cấp tín chỉ theo chuẩn quốc gia. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã đưa ra toàn bộ quy trình tạo tín chỉ, từ việc đề xuất phương pháp luận, xây dựng dự án, đăng ký, đến đề xuất cấp tín chỉ. Theo cơ chế này, các bộ chuyên ngành sẽ là đơn vị phê duyệt và cấp tín chỉ cho các dự án trong lĩnh vực quản lý của mình, đảm bảo tính chuyên môn và sát thực tế.

Thực tế, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc triển khai các dự án tạo tín chỉ carbon theo chuẩn quốc tế. Tính đến tháng 3/2025, cả nước đã có 274 dự án được đăng ký theo cơ chế CDM, 45 dự án theo tiêu chuẩn VCS và 58 dự án theo tiêu chuẩn GS, bên cạnh một số dự án khác.

Một số chương trình tiêu biểu như ERPA tại vùng Bắc Trung Bộ hay LEAF tại Tây Nguyên – Nam Trung Bộ đang trong quá trình triển khai hoặc đàm phán với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, phần lớn tín chỉ từ các chương trình này vẫn được tính vào mục tiêu quốc gia, chưa thực sự tham gia thị trường tự do, do đó tính thương mại hóa còn hạn chế.

Một trong những thách thức lớn hiện nay là tính phức tạp và yêu cầu kỹ thuật cao của quá trình phát triển dự án tín chỉ carbon. Theo chia sẻ từ đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngành Lâm nghiệp mất hơn 10 năm chuẩn bị cho dự án ERPA, từ việc triển khai các biện pháp giảm phát thải cho đến hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật.

Doanh nghiệp tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn, như trường hợp của Công ty CP Thành Thành Công, Biên Hòa khi phát triển dự án theo Tiêu chuẩn Verra, mất gần ba năm để có thể phát hành tín chỉ đầu tiên.

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành sản xuất trọng điểm như lúa gạo, thực phẩm, chăn nuôi và quản lý chất thải bày tỏ mong muốn tham gia thị trường, nhưng đều gặp trở ngại lớn về nhân lực có chuyên môn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc tham gia thị trường carbon không chỉ là yêu cầu về trách nhiệm môi trường mà còn là điều kiện để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là khi Liên minh châu Âu đang triển khai Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) áp dụng cho các mặt hàng phát thải cao như thép, xi măng và điện.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi Nghị định 06 đề xuất tăng tỷ lệ tín chỉ carbon được phép bù trừ cho hạn ngạch phát thải, khuyến khích các dự án giảm phát thải từ bảo vệ và phát triển rừng, tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo.

Cũng theo dự thảo Nghị định, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon, là cơ sở pháp lý và kỹ thuật để giám sát, cấp phép và giao dịch hai loại tài sản này trên thị trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tính kỹ thuật cao và nhiều biến động của chính sách thị trường carbon, đồng thời đề nghị phải tạo cơ chế linh hoạt để doanh nghiệp có thể thí điểm, từ đó cơ quan quản lý hoàn thiện dần quy định pháp lý.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu bổ sung quy định về phân cấp trong xây dựng, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời đảm bảo tính công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về dữ liệu phát thải và tín chỉ carbon.

Về bản chất, tín chỉ carbon là một loại tài sản được giao dịch trên thị trường, đại diện cho quyền phát thải một tấn CO₂ hoặc khí nhà kính tương đương. Trên thị trường quốc tế, tín chỉ theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris có giá trị cao nhất, trong khi các tín chỉ tự nguyện có mức giá dao động từ 0,25 đến 30 USD/tín chỉ, tùy theo tiêu chuẩn và lợi ích môi trường đi kèm.

Một số loại tín chỉ quý hiếm như tín chỉ về bảo tồn biển, đa dạng sinh học có thể đạt mức giá cao hơn. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ, việc lạm dụng tín chỉ để bù trừ hạn ngạch có thể làm chậm quá trình giảm phát thải thực tế của doanh nghiệp và quốc gia.

Trong dài hạn, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Không chỉ giúp đạt được các mục tiêu giảm phát thải trong nước, thị trường này còn tạo động lực chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch và thu hút nguồn vốn quốc tế.

Thị trường tín chỉ carbon cũng sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26, góp phần nâng cao uy tín quốc tế và năng lực cạnh tranh thương mại của nền kinh tế.

Bảo Linh (t/h)
https://vietq.vn/tien-toi-xay-dung-tieu-chuan-cho-thi-truong-tin-chi-carbon-d233652.html

Tiêu chuẩn tín chỉ carbon: Giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng không chỉ đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích và thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Diện tích rừng trên thế giới đang ngày càng thu hẹp do nhiều nguyên nhân như khai thác gỗ, cháy rừng, và canh tác. Điều này dẫn đến lượng khí CO2 trong khí quyển tăng cao, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu với những hậu quả nghiêm trọng như: hạn hán, lũ lụt, mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến đời sống con người và hệ sinh thái. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, tiêu chuẩn tín chỉ carbon hiện đang được coi là giải pháp quan trọng.

Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển.

Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.


Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính. Ảnh minh họa

Theo đó, thị trường tín chỉ carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng hướng đến thực hiện mục tiêu trung hòa carbon trong cam kết của các nền kinh tế tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc. Nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới trong những năm gần đây đang tăng lên, thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của thị trường này.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thị trường carbon tạo ra nguồn thu nhập mới cho các dự án và hoạt động giảm phát thải, chẳng hạn như trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển năng lượng tái tạo. Khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thể mua bán tín chỉ carbon với nhau, giúp các quốc gia đang phát triển có thêm nguồn lực để thực hiện các cam kết khí hậu của mình.

Thị trường carbon còn tạo ra động lực kinh tế cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon từ các nguồn khác nếu họ vượt quá hạn ngạch phát thải được cấp. Điều này khuyến khích họ đầu tư vào các công nghệ sạch và hiệu quả hơn để giảm lượng khí thải.

Thị trường carbon cũng giúp chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Khi giá carbon tăng, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và các phương thức sản xuất ít phát thải hơn.

Liên quan tới thị trường tín chỉ carbon, tại Việt Nam, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp nắm bắt những cơ hội trong lộ trình thực hiện cam kết giảm phát thải carbon. Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, “tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương”.

Bên cạnh đó, Dự thảo của Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” xây dựng dựa trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn (Nghị định số 06/2022/NĐ-CP) đã đưa ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thiện các quy định trong quản lý tín chỉ carbon, các giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quy chế trong vận hành sàn giao dịch; thí điểm cơ chế giao dịch, bù trừ trong các lĩnh vực có tiềm năng; tổ chức hướng dẫn việc thực hiện cơ chế giao dịch trong nước và cả quốc tế, đảm bảo sự phù hợp với các quy định trong các điều ước quốc tế; tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch vào năm 2025.

Từ 2028, Việt Nam chính thức sẽ đưa vào vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đối với các chủ thể tham gia thị trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định: Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.

Theo ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính là cam kết lâu dài của Việt Nam tại COP26. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU. Chuyển đổi sang sản xuất xanh cũng là xu thế mà nhiều nước đang theo đuổi để hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Theo đó Việt Nam lựa chọn vận hành thị trường carbon để giảm phát thải khí nhà kính hướng tới một thị trường carbon tuân thủ, có sàn giao dịch, bắt buộc các đối tượng liên quan phải thực thi. Mặt hàng chính trên sàn giao dịch carbon là hạn ngạch phát thải khí nhà kính áp cho từng doanh nghiệp và tín chỉ carbon chỉ là mặt hàng bù đắp.

Ông Nguyễn Võ Trường An- Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn có tiềm năng phát triển ở các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió và thủy điện. Bên cạnh đó, trồng cây xanh đô thị cũng có thể giúp giảm thiểu hiệu ứng nhiệt đô thị, giảm phát thải khí nhà kính.

ISO 14065 – Tiêu chuẩn quốc tế về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính

ISO 14065 là tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng bởi nhóm làm việc gồm 70 chuyên gia quốc tế đến từ 30 quốc gia và một số tổ chức liên lạc, bao gồm: Diễn đàn Công nhận Quốc tế, tuân thủ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), tổng hợp ý kiến của giới chuyên môn từ Ủy ban đánh giá sự phù hợp của ISO (CASCO) và Ủy ban kỹ thuật ISO/TC 207, quản lý môi trường.

Trong khi ISO 14064 đưa ra các yêu cầu đối với các tổ chức và cá nhân kiểm định và hợp chuẩn số lượng thải khí gây hiệu ứng nhà kính, ISO 14065 quy định các yêu cầu công nhận đối với các tổ chức hợp chuẩn và kiểm định các kết quả yêu cầu hoặc xác nhận thải khí gây hiệu ứng nhà kính(GHG).

Mục tiêu của ISO 14064 và ISO 14065 bao gồm: Xây dựng các biện pháp theo thể chế trung lập, linh hoạt áp dụng tự nguyện hoặc các hệ thống quy phạm GHG; Thúc đẩy và hài hòa việc thực hiện; Hỗ trợ tính toàn vẹn về mặt môi trường của các xác nhận GHG; Trợ giúp các tổ chức nắm bắt được các cơ hội cũng như nguy cơ liên quan đến GHG; Hỗ trợ xây dựng thị trường và các chương trình GHG. “ISO 14064 và ISO 14065 là những ví dụ tiêu biểu về nỗ lực không ngừng nghỉ của ISO trong việc xây dựng và thúc đẩy các biện pháp thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững của hành tinh” là nhận định của Tổng thư ký ISO – Alan Bryden.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/tieu-chuan-tin-chi-carbon-giai-phap-quan-trong-de-bao-ve-rung-d219908.html