Posts

Ủy ban châu Âu đạt được thỏa thuận về kiểm soát xuất khẩu chất thải

Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được thỏa thuận chính trị về kiểm soát các chuyến hàng hóa có chứa chất thải. Các quy định trong thỏa thuận trên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái sử dụng chất thải làm nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm và thúc đảy sự phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Việc xuất khẩu chất thải nhựa từ Liên minh châu Âu (EU) sang các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD ) sẽ bị cấm. Từng quốc gia cần đảm bảo các điều kiện môi trường nghiêm ngặt trong vòng 5 năm kể từ khi các quy định mới trong thỏa thuận có hiệu lực sẽ được nhập khẩu rác thải từ EU để xử lý. Đồng thời, việc vận chuyển chất thải tái chế trong EU sẽ dễ dàng hơn nhờ các quy trình số hóa hiện đại và Liên minh châu Âu sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống tội phạm buôn bán chất thải.

Thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu chất thải có thể giải quyết lượng rác thải nhựa không ngừng tăng cao vànhững thách thức trong việc quản lý. Với biện pháp này, các nhà lập pháp tại Liên minh châu Âu hi vọng có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường ở các nước thứ ba do rác thải nhựa tạo ra ở EU.

Khai thác tiềm năng của thị trường rác thải tại EU để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

Việc lưu thông chất thải để tái chế và tái sử dụng giữa các quốc gia thành viên là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi của EU sang nền kinh tế tuần hoàn và đảm bảo an ninh cung cấp nguyên liệu thô.

EU sẽ sớm hiện đại hóa các thủ tục hiện hành để nhanh chóng ứng dụng vào việc vận chuyển chất thải. Thủ tục theo dõi nhanh đối với một số điều kiện do các quốc gia thành viên chỉ định cũng sẽ được thực thi dễ dàng và hiệu quả hơn. Từ đó, các chất thải tái nhập khẩu vào nền kinh tế tuần hoàn trên toàn EU sẽ thuận lợi hơn mà không làm giảm mức độ kiểm soát cần thiết đối với các lô hàng đó.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được thỏa thuận chính trị về kiểm soát các chuyến hàng hóa có chứa chất thải. Ảnh minh họa

Xử lý nạn buôn bán rác thải

Buôn bán chất thải là một trong những tội phạm môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay, gây hại nghiêm trọng đối với môi trường. Hơn nữa, nhiều chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa buôn bán chất thải và tội phạm có tổ chức. Có tới 1/3 số lượng vận chuyển chất thải được cho là bất hợp pháp, tạo ra lợi nhuận bất hợp pháp đáng kể hàng năm.

Để tăng cường phản ứng của EU đối với nạn buôn bán rác thải, sẽ có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia thành viên EU. Từ đó, đề ra nhiều biện pháp trừng phạt răn đe phù hợp đối với tội phạm liên quan đến buôn bán rác thải bất hợp pháp. Ủy ban châu Âu có thể hành động thực tế để hỗ trợ điều tra của các quốc gia thành viên về tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến buôn bán chất thải, với sự tham gia trực tiếp của Văn phòng Chống Lừa đảo Liên minh Châu Âu (OLAF).

Những bước tiếp theo

Nghị viện và Hội đồng Châu Âu giờ đây sẽ phải chính thức áp dụng quy định phù hợp với thỏa thuận chính trị đã đạt được. Sau khi được thông qua chính thức, quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ khi được công bố chính thức.

Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị cho việc triển khai nhanh chóng các quy trình kỹ thuật số đúng thời hạn. Sau đó, EU sẽ tiếp cận thông qua các diễn đàn đa phương cũng như song phương để cung cấp và hỗ trợ cho các quốc gia đối tác đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu mới. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động quản lý chất thải tốt hơn và áp dụng các mô hình tuần hoàn hiệu quả trong nền kinh tế các nước đối tác của EU.

Những quy định mới có trong thỏa thuận kiểm soát chất thải trở thành cam kết chính của Thỏa thuận Xanh Châu Âu. Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới và Kế hoạch hành động không gây ô nhiễm cũng như Chiến lược mới của EU nhằm giải quyết tội phạm có tổ chức giai đoạn 2021-2025.

Chất thải có thể là một nguồn tài nguyên có giá trị nhưng nó phải được sử dụng cẩn thận. Khi chất thải được vận chuyển xuyên biên giới không được kiểm soát đúng cách và quản lý bền vững ở các quốc gia nhập khẩu, nó có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Mặt khác, các chất thải này nếu được xử lý đúng cách có thể mang lại nhiều giá trị kinh tế tích cực và nhiều lợi ích đối với môi trường. Đây là trường hợp chất thải được tái chế và sử dụng làm vật liệu thứ cấp thay thế vật liệu thô và góp phần tạo ra nền kinh tế tuần hoàn hơn.

Thương mại quốc tế về chất thải đang không ngừng gia tăng và EU đóng một vai trò quan trọng trong đó. Quy định về vận chuyển chất thải hiện có hiệu lực từ năm 2006. Kể từ khi được thông qua, việc xuất khẩu chất thải từ EU sang các nước thứ ba đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là sang các nước không phải là thành viên của OECD. Việc thiếu các điều khoản chi tiết để đảm bảo chất thải được quản lý bền vững ở các quốc gia tiếp nhận rác thải đã dẫn đến những thách thức về thực thi yếu kém cũng như môi trường và sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia đó.

Khánh Mai (Theo: European Commission)
https://vietq.vn/uy-ban-chau-au-dat-duoc-thoa-thuan-ve-kiem-soat-xuat-khau-chat-thai-d217941.html