Posts

Hà Nội: Nồng độ ô nhiễm gia tăng, người dân cần lưu ý bảo vệ sức khỏe

Trong tuần qua, từ ngày 23-31/8, chất lượng không khí tại các quận nội thành Hà Nội đa phần đều ở mức tốt và trung bình. Tuy nhiên, chất lượng không khí có giảm hơn so với tuần trước đó.

Theo kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), từ ngày 23-31/8, chất lượng không khí tại các quận nội thành đa phần đều ở mức tốt và trung bình. Tuy nhiên, chất lượng không khí có giảm (xấu) hơn so với tuần trước, trong đó có một ngày chất lượng không khí ở mức kém.

Cụ thể, trong tuần qua, Hà Nội chỉ có khu vực Tây Mỗ 100% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) được xác định ở mức tốt.

Chất lượng không khí ở Hà Nội giảm mạnh trong hai ngày 26 và 27/8. (Nguồn: Chi cục BVMT Hà Nội)

Các khu vực khác như Chi cục Bảo vệ môi trường, Minh Khai, Phạm Văn Đồng và Hàng Đậu, 100% số ngày trong tuần có chỉ số AQI ở mức trung bình (từ 51-100).

Riêng khu vực Hàng Đậu có 2 ngày (26 và 27/8) chỉ số AQI lên mức kém, 108.

Trong đêm 26 và sáng 27/8, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố cũng có chỉ số AQI ở mức kém, trong đó cao nhất là khu vực Hàng Đậu với chỉ số 132; Chi cục Bảo vệ môi trường 125, Minh Khai 121, Phạm Văn Đồng 120, Thành Công 117…

Với chỉ số AQI ở mức kém, những người nhạy cảm có thể sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.

Lý giải nguyên nhân khiến chất lượng không khí những ngày cuối tháng Tám có xu hướng giảm, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường cho rằng tuần vừa qua có mưa trên toàn thành phố, ngày có sương mù nhẹ, trời âm u, nhiều mây, nhiệt độ thấp, lặng gió nên đã gây bất lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm, khiến nồng độ ô nhiễm tích tụ trong lớp khí quyển sát mặt đất gia tăng…


Ô nhiễm không khí. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Trước thực trạng nêu trên, Chi cục Bảo vệ Môi trường khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong; rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.

Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe bản thân, mọi người hạn chế ra ngoài trời và thường xuyên đeo khẩu trang đạt chuẩn an toàn khi ra đường; thường xuyên cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe./.

Hùng Võ (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-nong-do-o-nhiem-gia-tang-nguoi-dan-can-luu-y-bao-ve-suc-khoe/660335.vnp

Chất lượng không khí xấu đi, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà

Trước thực trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Ảnh minh họa

Người dân vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Với người hút thuốc lá, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý: Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời. Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Trước đó, theo thông tin từ Tổng cục Môi trường, trong tuần này (từ ngày 7-13/12), mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng tăng hơn so với tuần trước (từ ngày 30/11-6/12). Đặc biệt là trong các ngày từ 10 – 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu (giá trị từ 201-300). Giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay nhìn chung có xu hướng tăng.

Trong các ngày từ 7/12 đến 12/12, tại Hà Nội, Việt Trì, Phú Thọ, Tp Hồ Chí Minh đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép. Riêng tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần. Số liệu quan trắc tại các trạm ở Khánh Hòa và Đà Nẵng cũng có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả tính toán AQI ngày cho thấy, tại Hà Nội, chất lượng không khí ở mức xấu trong các ngày từ 9-12/12, tại Việt Trì và Huế, chất lượng không khí đã chạm ngưỡng xấu trong ngày 12/12, còn tại Hạ Long, TP.Hồ Chí Minh, chất lượng không khí cũng ở mức kém.

Theo Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, từ ngày 7/12 đến 12/12, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép tại tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt tại Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày từ 11/12 đến 12/12. Kết quả tính toán AQI ngày tại các trạm cho thấy, từ ngày 8/12 đến 12/12, chất lượng không khí liên tục ở mức xấu. Trong ngày 11/12 và 12/12, kết quả quan trắc tại một số trạm cho thấy AQI đã chạm ngưỡng rất xấu (AQI >200).

Kết quả tính toán AQI giờ (thông báo chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ, giá trị AQI đã lớn hơn 300 (mức nguy hại) vào thời điểm từ 3-6 giờ sáng ngày 10/12 và 13/12. Đối với hầu hết các trạm khác, giá trị AQI đo được ở mức rất xấu (từ 201-300) trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Sau 12 giờ trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém. Trong các ngày từ 10/12 đến 13/12, AQI giờ ở mức rất xấu (từ 201-300), chiếm đến 32,5% số giờ trong ngày.

“Diễn biến hàm lượng PM2.5 trong ngày cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm. Vì vậy nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong các khoảng thời gian này”, Tổng cục cho hay.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/chat-luong-khong-khi-xau-di-nguoi-dan-nen-han-che-ra-khoi-nha-d167084.html

Ô nhiễm không khí nguy hiểm như thế nào?

Những ngày gần đây, nồng độ bụi PM2.5 ở nhiều nơi tại Hà Nội và Tp.HCM đã vượt ngưỡng cho phép so với quy chuẩn quốc gia. Vậy ô nhiễm không khí gây nguy hiểm như thế nào, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Chất lượng không khí ở mức nguy hại tới sức khỏe

Sáng 1/10, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – đã có lý giải chính thức về đợt ô nhiễm không khí kéo dài ở hai thành phố Hà Nội, Tp.HCM.

Dẫn chứng số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Tài cho biết nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng từ ngày 12 – 17/9, sau đó giảm từ ngày 18 – 22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23 – 29/9.

Đặc biệt, trong các ngày liên tiếp từ 25 – 30/9, ghi nhận ở một số trạm quan trắc chất lượng không khí cho thấy chỉ số chất lượng không khí vượt ngưỡng 200, ở mức xấu, nguy hại tới sức khoẻ. Tuy nhiên, chất lượng không khí xuống ngưỡng xấu chỉ có tính thời điểm và chỉ có ở một số vị trí như trạm đo Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ và điểm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ. Riêng từ ngày 27 – 30/9 là “những ngày có nhiều trạm và nhiều giờ quan trắc chỉ số chất lượng không khí xấu nhất” tính trong khoảng từ ngày 12 – 30/9.

Nguyên nhân ô nhiễm do đâu?

Theo ông Tài, do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian từ 21 – 30/9, Hà Nội không có mưa, cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí tăng cao đột biến.

Bụi mịn nguy hiểm như thế nào?

Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, các hạt phân tử được tìm thấy trong tình trạng ô nhiễm có thể xâm nhập vào não người do hít thở không khí.

Magnetite là một dạng khoáng của sắt, chúng có khả năng dễ phản ứng và giải phóng các hạt phân tử khác, tạo ra các gốc tự do, gây ra mất cân bằng ôxy hóa trong các tế bào thần kinh, phá hủy và tiêu diệt tế bào thần kinh.

TS Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM còn cho biết thêm: bụi mịn có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde có thể gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA gây nên bệnh ung thư ở phổi.

Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng liên tục cảnh báo về mối đe dọa từ ô nhiễm không khí với sức khỏe con người cao hơn nhiều so với những con số báo cáo. Đây chính là nguyên nhân làm hơn 3 triệu người tử vong sớm mỗi năm do đột quỵ, mắc bệnh tim mạch, hô hấp, lão hóa não bộ, đe dọa hầu hết cộng đồng dân cư các thành phố lớn ở những nước đang phát triển và các nước chậm phát triển.

Nên làm gì để tránh bụi mịn?

Các chuyên gia y tế cho rằng người dân khó có thể lọc được hoàn toàn bụi mịn trong không khí khi lưu thông trên đường.

Theo đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông. Không hoạt động thể lực tại các khu vực ngoài trời, đặc biệt gần đường. Tập thể dục ở các khu vực ô nhiễm sẽ bị nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vì sẽ hít một lượng lớn không khí khi vận động mạnh.

Người lớn và trẻ em nên đeo khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm. Khẩu trang nên có từ 4-5 lớp lọc gồm lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính,… và các khẩu trang có hình dáng phù hợp đảm bảo độ kín.

VNCPC (Tổng hợp)

Nguồn: https://news.zing.vn/bui-min-nguy-hiem-the-nao-post994324.html

https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/o-nhiem-khong-khi-con-tiep-dien-han-che-ra-duong-20278.htm