Posts

VNCPC phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức khoá đào tạo về sản xuất và tiêu dùng bền vững

Trong 2 ngày (21-22/9/2023), tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV) cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công các tỉnh, thành phố cùng các cá nhân, đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực SXTDBV.

Khoá tập huấn có sự tham gia của hơn 40 đại biểu đại diện cho các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công, các đơn vị tư vấn và đơn vị liên quan, đến từ hơn 20 tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Phát biểu tạo buổi khai mạc, ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng SXTDBV nhấn mạnh: Ngoài tập huấn những kiến thức cơ bản, những kỹ năng, những giải pháp để góp phần thúc đẩy SXTDBV, khoá đào tạo còn góp phần tạo ra mạng lưới chuyên gia về SXTDBV khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, để cùng nhau hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn.

Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững nhấn mạnh vai trò của khoá đào tạo.

Theo đó, nội dung của khóa đào tạo đã tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Chủ đề Sản xuất bền vững với trọng tâm là: Sử dụng Năng lượng, nước, vật liệu tiết kiệm và hiệu quả, Sử dụng hóa chất an toàn và hiệu quả, Hướng dẫn sử dụng các công cụ tính toán trong kiểm toán năng lượng…, Kinh tế tuần hoàn; Chủ đề Quản lý tài nguyên bền vững; Chủ đề Phân phối bền vững và Chủ đề Tiêu dùng bền vững, với sự trình bày của các chuyên gia đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các chuyên gia cao cấp của VNCPC.

Ngoài các nội dung trên, khóa đào tạo còn được thiết kế với các trò chơi, bài tập tương tác, tổng hợp kiến thức để tăng sự thu hút đối với học viên. Khóa học cũng đã nhận được sự đánh giá cao từ phía các học viên.

Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc VNCPC phát biểu tại buổi đào tạo.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC cho biết: Chương trình đào tạo 2 ngày tại miền Bắc là khoá đào tạo đầu tiên được tổ chức đầu tiên trong năm 2023. Tiếp nối chương trình này, các khóa đào tạo sẽ được thực hiện tại khu vực miền Trung và khu vực phía Nam trong tháng 10 và tháng 11.

Sau khi tham gia khoá đào tạo, các đại biểu sẽ được cấp chứng nhận từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để Bộ Công Thương xây dựng và mở rộng mạng lưới về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên khắp cả nước.

Một số hình ảnh về khóa đào tạo:

VNCPC

Sản xuất nước từ không khí

Trong một thời gian dài, các nhà khoa học và công nghệ đã nghiên cứu các vật liệu hấp thụ nước từ không khí. Thông thường, những trang thiết bị sản xuất nước này yêu cầu vật liệu với kích thước hoặc số lượng lớn để tạo ra lượng nước đủ để sử dụng. Thiết bị tương tự thường có hiệu quả trong các khu vực có độ ẩm cao.

Gần đây, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học California, Berkeley phát minh một hệ thống sản xuất nước từ không khí di động, hoạt động theo nguyên tắc tương tự như các thiết bị hấp phụ hơi nước cũ, nhưng với chi phí thấp hơn, không cần nhiều không gian và độ ẩm cao.

Bí mật thiết kế của các nhà nghiên cứu nằm trong quá trình hấp phụ hơi nước và giải hấp. Đây là một chuỗi các quá trình, trong đó một miếng vật chất rắn nhỏ giữ hơi nước hoặc chất lỏng trên bề mặt và sau đó giải phóng chất lỏng thu được.

Sơ đồ thiết bị hấp phụ nước từ không khí. Ảnh UC Berkeley

Thông thường, các vật liệu rắn này xốp, có được diện tích bề mặt lớn để giữ không khí hoặc các hạt hơi nước đọng lại.

Các nhà khoa học báo cáo chi tiết kết quả nghiên cứu trong Trung tâm Khoa học ACS. Theo bản báo cáo, công nghệ này là một thiết bị có kích thước bằng lò vi sóng được trang bị quạt sẽ hút không khí qua một hộp hấp phụ nước chứa MOF. MOF là khung hữu cơ kim loại, có độ xốp cao cũng như các chất hấp phụ khác. MOF sẽ hấp phụ nước từ không khí, sau đó MOF được làm nóng để giải hấp, hơi chất lỏng bay ra được đưa đến thiết bị ngưng tụ.

Hộp hấp thụ MOF nhỏ gọn có kích thước 10 inch vuông (25,4 cm2) và dày 5 inch (12, 7cm). Có hai bộ hệ thống kênh kết nối với hộp hấp phụ MOF, một bộ được sử dụng để đưa không khí có hơi nước vào hộp chất hấp phụ, bộ kia sẽ chuyển hơi nước vào bình ngưng.

Các nhà nghiên cứu tuyên bố, với 1kg chất hấp phụ có thể sản xuất 1,3 lít nước mỗi ngày. Nhưng sau khi thử nghiệm thiết bị liên tiếp trong ba ngày trên sa mạc Mojave ở California, 1kg chất hấp phụ chỉ cho 0,7 lít nước mỗi ngày. Mặc dù mức nước thu được là 50% theo lý thuyết, nhưng cũng đã là một kết quả đáng kể.

Giáo sư hóa học của trường Đại học California (UC) Berkeley, ông Omar Yaghi, trưởng nhóm nghiên cứu phân tích, để ngưng tụ nước từ không khí ở độ ẩm thấp – độ ẩm tương đối dưới 40% – cần làm lạnh không khí xuống dưới mức đóng băng, đến 0 độ C, công nghệ này không thực tế. Với thiết bị mới có thể thu được nước ở độ ẩm rất thấp mà không cần làm lạnh, không có vật liệu nào ngoài MOF có thể làm điều đó. Công nghệ này cũng không giống như máy hút ẩm, hoạt động ở độ ẩm tương đối cao. Đây là công nghệ hấp phụ nước.

Mặc dù thiết bị sản xuất nước khá đơn giản, nhưng tính di động, gọn nhẹ và khả năng sản xuất nước ngay cả ở nơi độ ẩm dưới 40% đã khiến thiết bị có tính ứng dụng rất cao, rất cần thiết cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng khô hạn và những nơi không có sẵn nguồn nước ngầm do có thể cung cấp nước uống thường xuyên trong những tình huống khó khăn phức tạp. Thiết bị dễ sản xuất, nâng cấp cải tiến và nhanh chóng đưa vào ứng dụng trong thực tế đời sống.

Theo Báo Khoa học đời sống