Posts

Con người tạo ra khí nhà kính như thế nào?

Phát thải khí nhà kính được xem là nguyên nhân không chỉ gây nên các biến đổi về môi trường và khí hậu mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và hoạt động sản xuất.

Khí nhà kính gồm những loại khí nào?

Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ bức xạ sóng dài (hồng ngoại) phản xạ từ bề mặt trái đất sau khi được mặt trời chiếu sáng. Nhiệt sau đó được tỏa trở lại trái đất, gây ra hiệu ứng nhà kính. Loại khí này chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, O3 và CFC, … Phát thải khí nhà kính là hoạt động thải ra môi trường các khí trên gây nên hiệu ứng khí nhà kính.

Khí nhà kính được tạo ra như thế nào?

Ngày nay, than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tiếp tục cung cấp năng lượng cho nhiều nơi trên thế giới. Carbon là nguyên tố chính của các loại nhiên liệu này khi bị đốt cháy để tạo ra điện, vận chuyển năng lượng hoặc cung cấp nhiệt, chúng sẽ tạo ra CO2.

Khí N2O do con người tạo ra chủ yếu đến từ các hoạt động nông nghiệp. Vi khuẩn trong đất và nước chuyển đổi nitơ thành N2O một cách tự nhiên. Cộng thêm việc sử dụng và giải phóng phân bón càng đẩy nhanh quá trình này bằng cách đưa thêm nitơ vào môi trường.

Quá trình khai thác dầu khí, khai thác than và bãi chôn lấp đang tạo ra 55% lượng khí CH4. Khoảng 32% lượng khí thải CH4 đến từ hoạt động chăn nuôi và các động vật nhai lại lên men thức ăn trong dạ dày của chúng. Phân bón và canh tác lúa cũng gây ra phát thải khí thải CH4 trong ngành nông nghiệp.

Như vậy, để giảm phát thải khí nhà kính cần phải có sự kiếm soát, thay thế để giảm các yếu tố gây nên hiệu ứng khí nhà kính.

Khí nhà kính gây nên những tác hại gì?

Cháy rừng tự phát: Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cháy rừng hiện nay là sự biến đổi của khí hậu. Hiệu ứng nhà kính gia tăng, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng khô hạn khiến tình trạng cháy rừng ngày càng phổ biến hơn. Tình trạng này càng gia tăng vào mùa hè, khi mà thời tiết trở lên khắc nghiệt hơn, cháy rừng tự phát xảy ra càng nhiều hơn.

Ô nhiễm và thiếu hụt nguồn nước: Hiệu ứng nhà kính là tác nhân lớn ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước trên trái đất và gây thiếu hụt nước cho các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp và sinh hoạt.

Ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và đời sống của con người: Không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, khí nhà khí còn làm ảnh hướng tới môi trường không khí. Đây đều là những yếu tố chính làm suy giảm hệ miễn dịch, dẫn đến quá trình phát sinh bệnh tật, tàn phá sức khỏe con người.

Bên cạnh đó thời tiết thay đổi, mưa nắng nhiều cũng là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển. Ngày càng có nhiều bệnh lạ xuất hiện mà con người không có sự đề phòng nên dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.

Tàn phá môi trường sống của các loài sinh vật và dẫn đến tuyệt chủng: Hiện tượng trái đất nóng lên, cháy rừng, ô nhiễm nguồn đất, nước làm các loài sinh vật mất dần nơi trú ẩn. Ngày nay, rất nhiều loại sinh vật đã tuyệt chủng do không thể thích nghi được với tình trạng biến đổi khí hậu.

VNCPC (tổng hợp)

Tiêu chuẩn GHG Protocol về đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính

GHG Protocol do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ.

Hiện tượng hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người. (Ảnh minh họa)

Khí nhà kính là một tập hợp các khí tự nhiên và nhân tạo có khả năng gây hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất. Các khí này có khả năng hấp thụ và tỏa nhiệt độ, giữ lại nhiệt năng từ ánh sáng mặt trời và gây ra sự gia tăng của hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng mà các khí nhà kính tạo ra một lớp chắn bức xạ trong khí quyển, giữ lại nhiệt và làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất.

Hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng đối với việc đánh giá và quản lý tác động của con người lên biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển. Vì vậy, không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới luôn có sự quan tâm đối với hoạt động kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp.

Theo đó, tiêu chuẩn GHG Protocol là một trong những tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính hiện nay đối với các tổ chức, doanh nghiệp. GHG Protocol do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ.

Tại COP 26, Việt Nam đặt ra mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh minh họa.

GHG Protocol cung cấp hướng dẫn, phương pháp tính toán và khuôn khổ báo cáo theo ngành cụ thể cho các loại hình tổ chức và hoạt động khác nhau.

GHG Protocol chia phát thải khí nhà kính làm ba phạm vi: Phạm vi 1 – phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát. Phạm vi 2 – phát thải gián tiếp từ việc sản xuất các nguồn năng lượng điện, nhiệt, hơi do tổ chức mua và sử dụng. Phạm vi 3 – tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị.

GHG Protocol tương đối toàn diện và chi tiết, bao trùm nhiều lĩnh vực và hoạt động, đồng thời cung cấp thêm hướng dẫn, công cụ để tính toán, quản lý khí nhà kính.

Mai Phương
https://vietq.vn/tieu-chuan-ghg-protocol-ve-do-luong-va-bao-cao-phat-thai-khi-nha-kinh-d224449.html

Địa phương vào cuộc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero)

Hiện nay nhiều tỉnh thành đang quyết tâm bảo vệ môi trường không khí và giảm phát thải carbon, hướng đến đô thị sinh thái và chung tay cùng cả nước thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, khí thải nhà kính là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính. Các khí thải nhà kính đáng lo ngại nhất phải kể đến carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O). Trong đó, CO2 tồn tại trong khí quyển 1.000 năm, metan tồn tại trong khoảng 10 năm còn oxit nitơ tồn tại trong khoảng 120 năm. Đặc biệt, trong khoảng thời gian 20 năm, metan tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu gấp 80 lần so với CO2 và oxit nitơ mạnh gấp 280 lần.

Hiệu ứng nhà kính gây tác động đáng kể đến môi trường và các hệ sinh thái trên Trái Đất. Tăng nhiệt độ Trái Đất gây ra nhiều vấn đề như tăng mực nước biển, sự biến đổi khí hậu, tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán và lũ lụt.

Để giảm thiểu những tác hại từ khí thải nhà kính hiện nay nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang nỗ lực đặt ra mục tiêu bảo vệ môi trường không khí và giảm phát thải carbon, hướng đến đô thị sinh thái và chung tay cùng cả nước thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14%

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 22/7/2020 triển khai hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, thành phố đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong đó, sẽ thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu đến năm 2025, lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14%; đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% so với mức phát thải năm 2030 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 13,76 triệu tấn CO2).

Đối với các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh, sinh thái hằng năm 15%/năm. Các toà nhà xây mới đáp ứng tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”, mã số QCVN 09:2017/BXD (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, khu thương mại, dịch vụ, chung cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp) năm 2025 là 100%.

Giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường đang được nhiều tỉnh, thành của Việt Nam nỗ lực thực hiện. Ảnh minh họa

Đà Nẵng tập trung xây dựng thành phố carbon thấp

Ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2008 đến nay, những giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí đã đạt được những thành tựu ban đầu. Theo kết quả quan trắc định kỳ độ ồn tại khu vực dân cư luôn thấp hơn 60 dB(A), đường phố thấp hơn 75 dB(A); diện tích bình quân không gian xanh đô thị đối với mỗi người đạt mục tiêu, năm 2022 là 7,51m2/người, tăng 5,51m2/người so với năm 2015; tỷ lệ cơ sở, khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định đã đạt 57,14%… Trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, thành phố đã đề ra các biện pháp quản lý, bảo đảm chất lượng môi trường không khí.

Cùng với hoạt động bảo vệ môi trường không khí và làm giảm thiểu ô nhiễm không khí, việc giảm phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O…) có ý nghĩa quan trọng để kiềm chế, làm giảm sự gia tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất, những tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone. Đà Nẵng đang quyết tâm giữ vững danh hiệu “Thành phố carbon thấp” và triển khai các giải pháp giảm phát thải carbon.

Trước mắt, việc kiểm kê khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế, xã hội là rất quan trọng, nhất là các hoạt động sản xuất công nghiệp để xác định mức phát thải, mức hấp thụ khí nhà kính, từ đó có kế hoạch và giải pháp kiềm chế hoặc giảm phát thải, tăng hấp thụ…Các ngành có đối tượng phải giảm phát thải khí nhà kính như công thương, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp… đã và đang xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; đánh giá, kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện việc giảm phát thải.

Sở Khoa học và Công nghệ đã, đang hướng dẫn, tập huấn cho các doanh nghiệp về nhận thức chung, kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Từ đó, doanh nghiệp có giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ tăng trưởng, bảo đảm năng suất và việc làm bền vững.

Lào Cai giảm thải khí nhà kính ở tất cả các lĩnh vực

Giảm thải khí nhà kính trên tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông… Tăng cường công tác trồng rừng, nhân rộng các mô hình sinh học trong nông nghiệp, hay các hệ thống năng lượng tái tạo. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ và giữ rừng là hướng đi mà tỉnh Lào Cai đang thực hiện nhằm giảm thiểu khí nhà kinh bảo vệ môi trường sống.

Những năm qua, Lào Cai đã thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng. Cùng với đó, các ngành chuyên môn đã thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh đã có chính sách khuyến khích người dân áp dụng công nghệ thích hợp để giảm phát thải khí nhà kính như xử lý chất thải bằng hầm biogas để tận dụng làm khí đốt.

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đô thị thành phố Lào Cai (công suất hơn 100 tấn/ngày) thành phân hữu cơ. Bên cạnh đó, tham gia nghiên cứu các mô hình xử lý rác thải thành điện; lắp đặt các hệ thống điện mặt trời, bình nước nóng năng lượng mặt trời tại các hộ và khu công sở, khách sạn, nhà hàng, góp phần giảm thiểu lượng điện tiêu thụ.

Trong lĩnh vực giao thông, Lào Cai khuyến khích đổi mới công nghệ để sử dụng năng lượng tiết kiệm trong giao thông vận tải, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh việc giảm phát thải, Lào Cai cũng quan tâm bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng để tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính cân bằng giữa lượng phát thải và lượng hấp thu.

Nam Định chủ động thực hiện giải pháp giảm tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí

Theo UBND tỉnh Nam Định, hiện nay việc đầu tư của tỉnh cho công tác giảm phát thải khí kính để bảo vệ môi trường ngày càng tăng lên. Việc xã hội hóa công tác này bước đầu được áp dụng đối với việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn đang dần đi vào nề nếp, tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn thu gom đạt từ 89,8% trở lên. Việc triển khai, phân loại rác thải tại nguồn đã được thực hiện ở hầu hết các xã, phường, thị trấn.

Các doanh nghiệp đã có ý thức trong việc đầu tư các công trình xử lý chất thải, hầu hết các cơ sở phát sinh khí thải đều có hệ thống xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Chất thải chăn nuôi đã được quản lý, hạn chế ô nhiễm môi trường và góp phần tích cực giảm phát thải khí nhà kính.

Việc tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cá nhân đã được người dân quan tâm; đến nay trên địa bàn tỉnh có 10 tuyến xe buýt đang hoạt động với tổng số 85 xe; hầu hết các phương tiện đều đạt tiêu chuẩn khí thải EURO III.

Để hạn chế nguồn thải phát sinh chất gây ô nhiễm không khí, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của người dân và môi trường sinh sống, tỉnh đã ưu tiên kiểm soát tại khu vực thành phố Nam Định, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề phát sinh nhiều khí thải. Kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ từng bước chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh học, điện cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Đồng Nai hướng tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050

Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm carbon, góp phần hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đây là một bước đi cần thiết và quan trọng để tỉnh Đồng Nai thực hiện cam kết với các mục tiêu khí hậu quốc gia và quốc tế, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, Đề án sẽ giúp tỉnh Đồng Nai nâng cao năng lực quản lý, đánh giá và theo dõi phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải theo sự thống nhất của tỉnh; phát triển và triển khai các chiến lược và dự án giảm thiểu carbon theo chuyên ngành và đa ngành; xác định và kết nối với các đối tác tài chính xanh để đảm bảo đầu tư vào tỉnh và thực hiện các giải pháp tài chính xanh sáng tạo. Và tạo ra các cơ hội mới cho tỉnh Đồng Nai trong việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế số và kinh tế trung tính carbon, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Theo Đề án này, có 7 lĩnh vực trọng điểm và 4 giai đoạn để thực hiện. Bảy lĩnh vực trọng điểm là công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng và bất động sản.

Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai khuyến khích sử dụng điện và năng lượng xanh trong giao thông vận tải; sử dụng xăng E5; giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp đồng thời tăng tỷ lệ hấp thụ carbon, nâng tỷ lệ xử lý chất thải. Phát triển mạnh các dự án năng lượng mới không phát thải như: sản xuất nhiên liệu hydrogen, amoniac xanh; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng. Cùng với đó, hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo năm 2030 thị trường tín chỉ carbon của tỉnh được vận hành, kết nối với các thị trường trong nước, các nước khu vực và trên thế giới.

An Dương (t/h)
https://vietq.vn/bao-ve-moi-truong-khong-khi-giam-phat-thai-carbon-huong-toi-phat-trien-ben-vung-d224078.html

Than sinh học vẫn thiếu cơ chế chính sách để “xanh hóa” ngành nông nghiệp

Với nguồn nguyên liệu sản xuất đa dạng và dồi dào, than sinh học có ứng dụng rất lớn trong ngành nông nghiệp, cũng như giúp hấp thụ CO2 trong khí quyển góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, song vẫn còn thiếu cơ chế chính sách để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm này.

Ngày 18/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PT NT) đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức “Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 30 đại biểu đến từ các đại diện của các Bộ ngành, đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các hiệp hội và các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước.

 Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, đã thu hút sự tham gia của gần 30 đại biểu.

Than sinh học: Nguyên liệu rẻ – lợi ích to

Tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Than sinh học là sản phẩm thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao khi sử dụng và được ví như “vàng đen” trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt, than sinh học còn có khả năng hấp thụ khoảng 50% CO2 trong khí quyển góp phần giảm đáng kể khí phát thải khí nhà kính nói chung và trong nông nghiệp nói riêng.

Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT)

Về nguyên liệu sản xuất than sinh học tại Việt Nam hiện rất phong phú và đa dạng, hầu hết các phụ phẩm từ nông nghiệp như vỏ lạc, bã mía, vỏ trấu, vỏ dừa, vỏ ca cao, vỏ sầu riêng… cho đến các phế phẩm khai thác rừng đều có thể sử dụng. Trong khi, trước đây các nguyên liệu này thường bị đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng với giá trị rất thấp.

Việc đưa các nguyên liệu này vào sản xuất than sinh học không chỉ quyết được vấn đề về môi trường, mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn. Quan trọng hơn, than sinh học còn là nguồn phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng bền vững có thể thay thế cho phân bón hóa học.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam cũng cho biết: Trong năm 2022, UNIDO đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, VNCPC tổ chức 02 hội thảo giới thiệu về than sinh học và những lợi ích của than sinh học trong việc bảo vệ tài nguyên đất đai, môi trường sống và sức khỏe của con người, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Vẫn còn những rào cản

Theo đánh giá chung của các đại biểu: Lợi ích của than sinh học ngày càng được nhiều người biết đến và nhận được sự quan tâm của các bên liên quan, từ nghiên cứu, sản xuất, thương mại và ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên hiện vẫn thiếu  những quy định về tiêu chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng sản phẩm than sinh học, thiếu sự hợp tác cũng như tương tác giữa các bên liên quan và công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chưa được công nhận như một công nghệ xanh… để sản phẩm được ứng dụng rộng rãi hơn trong đời sống.

Đại diện Tổ chức UNIDO mong muốn rằng với những kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia, sẽ cung cấp các thông tin hữu ích, cập nhật về lĩnh vực than sinh học tại Việt Nam không chỉ về kỹ thuật và còn ở khía cạnh chính sách. Trên cơ sở này, đơn vị tổ chức sẽ cùng tiếp thu và đưa ra các ý kiến góp ý, tham vấn cho “Báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”.

Bà Đỗ Thị Dịu – Cán bộ VNCPC chia sẻ thông tin về dự án và công nghệ nhiệt phân.

Tạo hội thảo các đại biểu cũng đã đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu thêm về ứng dụng của than sinh học, đóng góp thêm thông tin về chính sách, đưa ra các ý kiến đóng góp và đề xuất bổ sung thêm các nghiên cứu cung cấp thêm thông tin phục vụ xây dựng quy định về tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cho than sinh học. Các bộ ngành và cơ quan xúc tiến thương mại cũng rất quan tâm và đề xuất phát triển các mô hình thí điểm sử dụng công nghệ nhiệt phân tạo ra than sinh học hướng tới các doanh nghiệp nông nghiệp và các hợp tác xã.

Thông qua cuộc họp này Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành, tổ chức UNIDO và các đối tác sẽ phối hợp xây dựng mạng lưới than sinh học gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất/kinh doanh, các đơn vị xúc tiến thương mại/tổ chức chứng nhận, người sử dụng… với mục tiêu nâng cao sự tương tác giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường than sinh học, hướng tới xây dựng nên một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Cũng trong hội thảo này, website biocharvietnam.org là kho thông thông tin trực tuyến về than sinh học tại Việt Nam chính thức được giới thiệu. Trang web được thành lập dưới sự tài trợ tài chính từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thông qua UNIDO để chia sẻ và phổ biến kiến thức, bài học kinh nghiệm và các sáng kiến trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và thương mại than sinh học trên cả nước.

Ông Lê Viết Hiền – Đại diện đơn vị nhận chuyển giao Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị duy nhất đã nhận chuyển giao công nghệ từ Thuỵ Sỹ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ thí điểm cho mô hình HTX. Với sự tài trợ của SECO và hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO, công nghệ này có tiềm năng chuyển đổi nhiều loại chất thải nông nghiệp thành năng lượng nhiệt và than sinh học, làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho nông dân và nhà chế biến nông sản, cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về khí thải.

VNCPC

Thông tin tổng hợp về tín chỉ carbon và thị trường carbon

Tín chỉ carbon là gì? Thị trường carbon vận hành ra sao và tại Việt Nam khi nào có sàn giao dịch tín chỉ carbon?…. là những câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài biết này.

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

Thị trường carbon có các hình thức nào?

Tín chỉ carbon được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa, do đó, thị trường trao đổi tín chỉ carbon còn được gọi là thị trường carbon. Thông qua thị trường carbon, các bên tham gia có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và tiết kiệm. Nguyên tắc cơ bản của thị trường carbon là bên mua sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải với chi phí thấp hơn so với tự thực hiện.

Hiện thị trường carbon trên thế giới tồn tại dưới ba hình thức: (i) thị trường carbon quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC); (ii) thị trường carbon quốc tế tự nguyện; (iii) thị trường carbon nội địa.

Thị trường carbon quốc tế

Trong giai đoạn từ 2008-2020, các nước phát triển bắt buộc phải đưa ra cam kết và thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính định lượng theo quy định tại Nghị định thư Kyoto và Bản sửa đổi, bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto. Để giúp các nước phát triển tuân thủ cắt giảm phát thải khí nhà kính định lượng, Nghị định thư Kyoto đưa ra 3 cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là: Cơ chế đồng thực hiện (JI); Cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) và Cơ chế phát triển sạch (CDM) được thực hiện đến năm 2020.

Cơ chế đồng thực hiện (JI) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC được thực hiện các dự án giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính tại các Bên nước khác thuộc Phụ lục I. Đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận trong cơ chế JI là ERU.

Cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC thu được các đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (AAU) từ các Bên nước khác thuộc Phụ lục I có khả năng giảm phát thải dễ dàng hơn.

Cơ chế phát triển sạch (CDM) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC thực hiện các dự án nhằm giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính và phục vụ phát triển bền vững tại các nước đang phát triển (các Bên nước không thuộc Phụ lục I). Đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận trong cơ chế CDM là CER.

Thị trường carbon quốc tế tự nguyện

Thị trường carbon quốc tế được thành lập để các quốc gia mua bán tín chỉ carbon với nhau. Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ carbon để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh trước công chúng. Bên mua thường là các tập đoàn đa quốc gia, nổi tiếng… và nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa.

Thị trường carbon quốc tế tự nguyện được điều chỉnh bởi nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau phụ thuộc vào yêu cầu của bên mua. Hiện nay, bộ Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (Verified Carbon Standard – VCS) và Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard – GS) được áp dụng phổ biến.

Thị trường carbon nội địa

Ngoài việc mua các tín chỉ carbon từ nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt về cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia đã thiết lập một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong nước. Đây là công cụ hướng tới việc đặt mức trần phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trong nước để đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nội địa nghiên cứu, áp dụng các biện pháp và công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.

Để thiết lập một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong nước, cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ phân bổ, hoặc giao bán một số lượng hữu hạn các tín chỉ carbon trong một khoảng thời gian. Các doanh nghiệp phát thải nhiều hơn sẽ phải mua tín chỉ từ những bên có nguyện vọng bán lại. Theo đó, bên mua sẽ phải trả các chi phí phát sinh do tăng mức phát thải, ngược lại bên bán sẽ được hưởng lợi từ cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường carbon quốc gia nào có quy mô lớn nhất?

Thị trường carbon nội địa bắt đầu được một số quốc gia phát triển có lượng phát thải lớn áp dụng từ những năm đầu thế kỷ 21 khi UNFCCC và Nghị định thư Kyoto ra đời.

New Zealand là quốc gia chính thức triển khai thị trường carbon nội địa từ năm 2008 bao gồm hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế. Hoa Kỳ và Canada cũng sớm áp dụng thị trường carbon nội địa nhưng chỉ trên phạm vi bang chứ không trên phạm vi toàn quốc. Hiện thị trường carbon của Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường carbon với quy mô lớn nhất trên thế giới.

Tại các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc và Hàn Quốc là những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và áp dụng thị trường carbon nội địa. Trung Quốc đã áp dụng thử nghiệm thị trường carbon nội địa bắt đầu từ năm 2014 tại 5 thành phố và 2 tỉnh, đến năm 2021 đã chính thức áp dụng thị trường carbon nội địa trên toàn quốc. Thị trường carbon nội địa Hàn Quốc ra mắt vào ngày 01/01/2015 đã trở thành thị trường bắt buộc đầu tiên trên toàn quốc của châu Á và là thị trường carbon nội địa lớn thứ hai chỉ sau thị trường carbon của EU.

Khi nào Việt Nam có sàn giao dịch tín chỉ carbon?

Ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozôn. Điều 17 của Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn từ năm 2028 sẽ: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

VNCPC

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Doanh nghiệp có trách nhiệm gì?

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022 đã quy định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Cụ thể, Điều 91 nêu rõ:

Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, cập nhật 02 năm một lần trên cơ sở tỷ trọng phát thải khí nhà kính trên tổng phát thải khí nhà kính quốc gia; điều kiện và tình hình phát triển kinh tế-xã hội; tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm, dịch vụ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Hình minh họa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

  • Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; ban hành hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
  • Định kỳ xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia 02 năm một lần;
  • Hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Bộ quản lý lĩnh vực thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp;
  • Hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực;
  • Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong phạm vi quản lý đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô và ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; kiểm tra việc thực hiện hoạt động có liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý.

Cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau:

  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;
  • Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31/12 của kỳ báo cáo.

VNCPC