Posts

Chế tạo thành công xe điện có khả năng loại bỏ CO2

Nhóm sinh viên từ Đại học Công nghệ Eindhoven của Hà Lan đã thiết kế xe điện The Zem (EM-07) với khả năng loại bỏ và lưu trữ carbon dioxide (CO2) từ không khí khi nó lăn bánh trên đường.

Dự án xe điện Zem thu giữ CO2 trên là dự án thứ 7 của nhóm sinh viên TU/ecomotive thuộc Đại học Eindhoven. Trước đó, họ từng tạo ra các xe điện Noah 2018 và Luca 2020. Nhiệm vụ của nhóm là tạo ra một chiếc xe điện hoàn toàn không thải CO2 từ quy trình chế tạo đến vận hành. Được thiết kế với mục đích thu giữ nhiều CO2 hơn thải ra trong toàn bộ vòng đời của mình, xe điện The Zem sẽ cải thiện đáng kể lượng khí thải carbon thu được trong suốt thời gian nó sản xuất và vận hành.

Thực tế, bất cứ quá trình sản xuất phương tiện di chuyển nào cũng sẽ tạo ra CO2, dù nhiều hay ít nên nhóm sinh viên Hà Lan muốn giảm CO2 này xuống mức thấp nhất có thể. Hơn thế nữa, chiếc xe Zem của họ lại có khả năng thu giữ carbon khi chạy trên đường.

Để giảm thiểu chất thải và lượng CO2 tạo ra, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra các tấm liền khối làm thân xe. Họ cũng sử dụng nhựa thu hồi, có thể được cắt nhỏ và tái sử dụng cho các dự án trong tương lai. Việc sử dụng nhựa tái chế tiếp tục được sử dụng cho nội thất xe cùng với các vật liệu bền vững như vỏ ghế được làm từ cây dứa.


Nhóm sinh viên thuộc Đại học Eindhoven bên chiếc xe điện The Zem do nhóm thiết kế.

Nhóm nghiên cứu đã chọn plycarbonate thay vì cửa kính vì họ cho rằng nó thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra, xe được thiết kế với hệ thống thông tin giải trí, điện tử và đèn dạng mô-đun tháo lắp để có thể tái sử dụng. Giống như tất cả phương tiện chạy điện thuần túy khác, khi Zem hoạt động, không có khí CO2 thải ra.

Thông tin chi tiết về hệ thống truyền động của Zem chưa đầy đủ vì dự án tập trung vào lượng khí thải carbon và các thành phần có thể tái chế của xe. Tuy nhiên, nhóm sinh viên tiết lộ, Zem có động cơ 22kW và 9 gói pin mô-đun 2,3 kWh…

Bên cạnh đó, phanh tái tạo năng lượng cũng được áp dụng cho Zem. Đây là hệ thống có khả năng biến nguồn năng lượng lãng phí mỗi khi chúng ta đạp phanh xe trở thành năng lượng có ích. Ngoài ra, gương kỹ thuật số được dùng để giảm lực cản không khí.

Chiếc xe cũng sử dụng sạc điện hai chiều – một công nghệ tiên tiến giúp chuyển đổi dòng điện từ lưới điện thành năng lượng để vận hành ô tô và ngược lại thông qua bộ chuyển đổi. Chưa hết, chiếc xe còn tích hợp tấm quang năng để có thêm nguồn điện.

Theo đại diện nhóm sinh viên, điều làm nên sự khác biệt của chiếc xe điện này so với tất cả những chiếc khác cùng loại là nó có bộ máy giống như lưới tản nhiệt ở phía trước, có thể loại bỏ tới 2kg CO2 cho 20.600 km di chuyển mỗi năm ở tốc độ trung bình 60km/h.

Để so sánh, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô khu vực châu Âu (ACEA), lượng khí thải trung bình của một chiếc ô tô tiêu chuẩn là 100g CO2 trên mỗi km. Đây rõ ràng là ước tính khá mơ hồ, nhưng trong mọi trường hợp, không phải những con số chính xác mới là quan trọng. Theo nhóm sinh viên Hà Lan, điều cần quan tâm là một thiết bị rất đơn giản như thế sẽ có tác động rất ấn tượng nếu được triển khai trên diện rộng.

Mặc dù không có nhiều tác dụng nhưng công nghệ trên có tiềm năng hỗ trợ đáng kể các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải carbon nếu nó được cung cấp cho hàng triệu xe ô tô đang lưu thông trên đường.


Chiếc xe được tạo nên từ những vật liệu thân thiện môi trường.

Có một lưu ý là bộ lọc của xe chỉ hoạt động tốt trong phạm vi 320km, có nghĩa là CO2 thu giữ sẽ cần được chuyển vào bình chứa khi chiếc xe được sạc, để nó có thể tiếp tục lọc không khí. Nhóm sinh viên cho biết, bộ lọc sẽ được làm sạch bằng năng lượng xanh để sử dụng tiếp.

Không rõ điều gì sẽ xảy ra với khí CO2 thu được, nhưng gần đây có một số dự án thú vị gợi ý về các giải pháp khả thi. Các dự án này bao gồm sử dụng CO2 làm bê tông thân thiện môi trường hơn, biến nó thành nhiên liệu tổng hợp, chất dẻo và thậm chí giúp tạo thêm bọt khí vào nước có ga. Hiện, nhóm sinh viên trên đang cố gắng lấy bằng sáng chế cho công nghệ thu không khí trực tiếp.

Theo trưởng nhóm Nikki Okkels, các sinh viên muốn tạo ra dấu ấn bằng cách thể hiện những gì có thể thực hiện được trong ngành công nghiệp ô tô. Nếu 35 sinh viên có thể thiết kế, phát triển và chế tạo một chiếc ô tô gần như không có carbon trong một năm thì ngành công nghiệp ô tô cũng có cơ hội và khả năng làm được việc này. Trưởng nhóm trên kêu gọi ngành công nghiệp đón nhận thách thức và bày tỏ sự sẵn sàng nếu được sáng tạo cùng với họ.

“Chúng tôi chưa hoàn thành việc phát triển và chúng tôi muốn thực hiện một số bước tiến lớn trong những năm tới. Chúng tôi nhiệt liệt mời các nhà sản xuất ô tô đến và xem xét”, Okkels nói.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/che-tao-thanh-cong-xe-dien-co-kha-nang-loai-bo-co2-d203075.html

Bản tin Năng lượng xanh: Toàn thế giới sẽ dùng ô tô điện vào năm 2040

Giám đốc điều hành của ExxonMobil, Darren Woods nói với CNBC vào thứ Hai rằng vào năm 2040 toàn thế giới sẽ dùng ô tô điện.

Giám đốc điều hành của ExxonMobil, Darren Woods nói với CNBC vào thứ Hai rằng vào năm 2040 toàn thế giới sẽ dùng ô tô điện. Ông Woods nói: “Sự thay đổi đó sẽ không tạo ra hoặc phá vỡ doanh nghiệp này hoặc ngành công nghiệp này.”

Exxon dự báo rằng vào năm 2040, nhu cầu dầu sẽ như năm 2013 hoặc 2014. Exxon Mobil không chỉ là một nhà sản xuất dầu lớn mà còn sở hữu ba trong số mười nhà máy lọc dầu hàng đầu của Hoa Kỳ – hai trong số đó có công suất hơn một triệu thùng mỗi ngày. Theo Ông Woods, Exxon sẽ cần tập trung vào hóa chất để giữ cho công ty có lãi trong quá trình chuyển đổi.

Năm ngoái, chỉ 9% doanh số bán xe du lịch trên thế giới là xe điện, bao gồm cả xe hybrid.

Nhà sản xuất hợp chất lithium lớn nhất Trung Quốc Ganfeng Lithium Co Ltd cho biết họ sẽ mua công ty Argentina Lithea Inc với giá lên tới 962 triệu đô la để có đảm bảo nhiều nguồn lực sản xuất pin quan trọng.

Thỏa thuận này sẽ giúp Ganfeng, nhà cung cấp pin lithium cho các công ty sản xuất xe điện như Tesla. Năm ngoái, sản lượng lithium toàn cầu đã tăng 21%, do nhu cầu lithium-ion tiêu chuẩn công nghiệp tăng vọt, theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS).

Lithea sở hữu quyền đối với hai hồ muối lithium ở tỉnh Salta giàu khoáng sản của Argentina. Argentina, nằm trong “tam giác lithium”, đã và đang cố gắng thu hút nhiều nhà đầu tư hơn với cơ sở hạ tầng khai thác mới và cắt giảm thuế.

Chính phủ Úc cho rằng khí đốt tự nhiên sẽ có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng đang tăng tốc của Úc khi quốc gia này tìm cách thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo và giảm dần than đá.

Australia hiện dựa vào rất nhiều nguồn năng lượng thông thường. Dữ liệu từ chính phủ cho thấy than và khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 79% sản lượng điện của cả nước. Năng lượng tái tạo từ gió, năng lượng mặt trời và thủy điện cung cấp 21% nguồn cung điện còn lại của Úc. Điều này bao gồm cả máy phát điện lớn và hệ thống nhỏ do các gia đình và doanh nghiệp Úc sở hữu.

Nhưng trong 10, 15, 20 năm tới, việc sử dụng khí đốt tự nhiên sẽ phát triển và triển khai năng lượng mặt trời và gió ở quy mô lớn nhanh hơn.

Elena
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-toan-the-gioi-se-dung-o-to-dien-vao-nam-2040-659781.html

Ô tô điện có thể gây ô nhiễm môi trường tồi tệ hơn ô tô chạy xăng và dầu diesel

Nhiều người cho rằng xe ô tô điện, không có ống xả, hẳn sẽ ít gây ô nhiễm không khí hơn so với xe chạy xăng tuy nhiên theo nghiên cứu mới đây cho thấy, những hạt tạo ra trong quá trình lăn bánh của xe điện ô nhiễm hơn.

Theo tin tức trên báo VnExpress, xe điện được các Chính phủ và hãng xe coi là giải pháp hữu hiệu để giảm ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông. Tuy vậy, việc sản xuất, vận hành xe điện vẫn gặp luồng ý kiến trái chiều, vì những nguồn ô nhiễm khác mà loại xe này gây ra.

Pin ô tô điện nặng hơn đồng nghĩa với việc ô nhiễm hạt nhiều hơn

Tuy nhiên, một nghiên cứu gây tranh cãi năm 2016 cho biết ô nhiễm dạng hạt từ ô tô điện có thể còn tồi tệ hơn. Do trọng lượng của pin, ô tô điện nặng hơn khoảng 200 – 300 kg so với các ô tô có kích thước tương tự sử dụng nhiên liệu làm từ dầu. Nặng hơn đồng nghĩa với ô nhiễm hạt nhiều hơn từ sự hao mòn phanh, lốp và mặt đường.

Những nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng, ô tô điện có thể gây ra ô nhiễm với hàng ngàn tấn chất thải pin chưa được xử lý, có khả năng làm rò rỉ các hóa chất nguy hiểm vào môi trường.

Số lượng pin xe điện bị loại bỏ đang tạo ra một núi rác thải khổng lồ. Việc này có thể gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường trong tương lai.

Chính vì vậy, trong một báo cáo mới đây, các nhà khoa học của Đại học Birmingham đã kêu gọi chính phủ các nước phải “hành động ngay để phát triển một kế hoạch tái chế mạnh mẽ, có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai”.

Các nhà nghiên cứu nhận định nếu không đẩy mạnh phát triển công nghệ tái chế thì hàng triệu chiếc xe điện được bán trong năm 2017 sẽ tạo ra 250.000 tấn chất thải pin chưa được xử lý trong suốt tuổi đời của chúng.


Ô tô điện vẫn có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Autoexpress

Thời gian phanh trên ô tô điện lâu hơn nên việc thải ra nhiều ô nhiễm dạng hạt hơn

Một phân tích mới của Đại học Birmingham (Anh), gợi ý rằng phanh tái sinh, dùng động cơ điện làm giảm tốc độ của ô tô, sẽ khiến xe điện ít gây ô nhiễm hơn ở các khu vực thành thị.

Nghiên cứu ở Los Angeles cho thấy thời gian phanh trên ô tô điện được sử dụng chỉ bằng 1/8 lần so với phanh trên xe chạy nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, trọng lượng trội hơn của xe điện đồng nghĩa với việc chúng có xu hướng thải ra nhiều ô nhiễm dạng hạt hơn trên đường cao tốc.

Đâu là giải pháp?

Theo thông tin từ VietNamnet, các nhà nghiên cứu cho biết, việc tái chế pin xe điện không hề đơn giản vì có sự đa dạng về hóa học, hình dạng và thiết kế của pin lithium-ion. Để tái chế một cách hiệu quả, số pin này phải được tháo rời và phải phân tách được các dòng chất thải trong các bộ phận cấu thành của chúng. Giống như lithium, pin cũng chứa một số kim loại có giá trị khác như coban, niken và mangan. Những kim loại này có thể được tái sử dụng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, đến năm 2040, nước Anh có thể có 8 nhà máy Gigafactory, tương tự như nhà máy Tesla được thấy ở đây, để sản xuất và tái chế pin xe điện.

Trong khi đó, Viện Faraday – viện nghiên cứu lưu trữ năng lượng điện hóa của Anh – cho biết, nhu cầu về pin xe điện có thể là cơ hội cho nước Anh. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vào năm 2040, nước Anh có thể cần phải xây dựng 8 nhà máy Gigafactory (nơi sản xuất pin và động cơ xe điện) để phục vụ nhu cầu về pin xe điện.

Tiến sĩ Harper cũng cho hay nước Anh sẽ cần phát triển các nguồn cung cấp cho những vật liệu cần thiết cho các loại pin này và vật liệu tái chế có thể đóng vai trò quan trọng.

Còn Giáo sư Andrew Abbott, Đại học Leicester, thông tin nếu điện khí hóa chỉ 2% của đội xe ô tô toàn cầu hiện nay thì số lượng xe điện trên thế giới sẽ đạt 140 triệu chiếc.

Theo Giáo sư Abbott, việc tái chế pin sẽ làm giảm đáng kể gánh nặng cho các bãi rác và giúp đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu quan trọng cần thiết cho sản xuất pin trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị phát triển các phương pháp sửa chữa và tái chế nhanh chóng, đặc biệt là việc lưu trữ pin điện quy mô lớn có khả năng không an toàn.

Giáo sư Paul Christensen, Đại học Newcastle, đang hợp tác với ngành dịch vụ cứu hỏa và cứu hộ của Anh để phát triển các biện pháp đối phó với các vụ cháy pin lithium-ion. Giáo sư Christensen nói: “Những pin này chứa lượng điện năng lớn và hiện chúng tôi vẫn chưa có phương án xử lý khi chúng được sử dụng hết”.

“Một trong những lĩnh vực nghiên cứu ở dự án này là xem xét tự động hóa và làm thế nào để có thể tháo dỡ pin một cách an toàn, hiệu quả và thu hồi các vật liệu có giá trị như lithium và coban. Song cũng cần tính đến vấn đề an toàn công cộng khi pin EV đời thứ 2 trở nên phổ biến hơn. Chúng ta cần nhanh chóng có cái nhìn thấu đáo về toàn bộ vòng đời của pin – từ việc đào các vật liệu lên khỏi mặt đất cho đến việc xử lý chúng một lần nữa ở khâu cuối cùng”, Giáo sư Christensen cho biết.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/o-to-dien-co-the-tao-ra-cac-hat-lam-o-nhiem-moi-truong-hon-o-to-chay-xang-va-dau-diesel-d183385.html