Posts

Trung Quốc: Phát minh mới giúp xác định nguồn gây ô nhiễm không khí

Nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc đã phát triển một thiết bị theo dõi có thể gắn lên các phương tiện giao thông nhằm truy tìm các nguồn phát thải nhóm chất gây ô nhiễm không khí theo thời gian thực.

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) vừa phát triển một thiết bị khối phổ kế di động nhằm theo dõi các nguồn gây ô nhiễm.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmetal Pollution, nhóm các chất gây ô nhiễm không khí (VOC) là một thành phần cơ bản trong tầng ozone cũng như bụi mịn PM2.5.

Do đó, việc tìm ra những nguồn phát thải nhóm chất này đóng vai trò quan trọng đối với các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Tại các thành phố, sự phân bố và thời gian phát thải VOC là tương đối phức tạp, nên việc truy tìm những nguồn gây ô nhiễm bằng các công cụ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm truyền thống hoặc các cảm biến di động thường gặp nhiều khó khăn.

Nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học vật lý Hợp Phì trực thuộc CAS đã phát triển một thiết bị theo dõi kết hợp giữa công nghệ khối phổ phản ứng dịch chuyển proton và hệ thống thông tin địa lý (GIS).

Thiết bị này có thể gắn lên các phương tiện giao thông nhằm truy tìm các nguồn phát thải VOC theo thời gian thực.

Thiết bị sẽ gửi dữ liệu liên quan đến nhóm chất VOC và thông tin vị trí của phương tiện về phần mềm GIS.

Khi phương tiện di chuyển, dữ liệu này sẽ phản ánh sự phân bố của VOC trong không khí theo thời gian thực và giúp tìm ra các nguồn phát thải nhóm chất này một cách chính xác.

Cho đến nay, nhiều địa phương như thành phố Thượng Hải, tỉnh Tứ Xuyên và tỉnh Phúc Kiến đã đưa vào sử dụng thiết bị này nhằm ngăn chặn và kiểm soát các chất gây ô nhiễm không khí./.

Minh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-phat-minh-moi-giup-xac-dinh-nguon-gay-o-nhiem-khong-khi/654043.vnp

Ô nhiễm môi trường gây tác hại thế nào đối với sức khỏe?

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM, chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân. Vậy ô nhiễm môi trường tác động thế nào đối với sức khỏe?

Từ tháng 9 – 12/2019, chỉ số AQI nhiều nơi đã vượt giá trị 200, đặc biệt có ngày chỉ số AQI có nơi vượt ngưỡng 300, mức nguy hại cho sức khỏe. Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí như: PAM Air, Air Visual, ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc như: Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím, một số nơi đến ngưỡng nâu – ngưỡng cao nhất trong thang bậc cảnh báo.

Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm

Theo thống kê, ở Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô. Năm 2019, số lượng phương tiện giao thông tăng 15% so với những năm trước. Con số phương tiện giao thông ở Tp. HCM rất lớn với 7,5 triệu xe máy… chưa kể số lượng phương tiện giao thông di chuyển qua hai thành phố này cũng không ít.

Số lượng các nhà máy ven thành phố đang tăng nhanh, gây áp lực lớn lên môi trường xung quanh, trong đó ở Tp. HCM còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công. Các hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1.000 công trình đang xây dựng, Tp. HCM cũng đang có mật độ xây dựng rất lớn, biến hai thành phố trở thành đại công trường gây ô nhiễm lớn.

Ngoài ra, nguyên nhân đặc thù ở Hà Nội là do đốt rơm rạ, gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là không nhỏ. Cùng với hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, đốt rác thải không đúng quy định ở ngoại thành Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.

Tổng cục Môi trường đánh giá, lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng, trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt này còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.

Ngoài vấn đề trên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm lượng chất thải rắn phát sinh từ 10 – 16%. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị 38 nghìn tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 32 nghìn tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp khoảng 25 triệu tấn/năm. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông.

“Chúng ta càng gây tổn hại đến môi trường nhiều hơn thì chúng ta và các thế hệ tương lai càng chịu nhiều nguy hiểm hơn. Sức khỏe của hành tinh là sức khỏe của chúng ta”

Hậu quả của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người

Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người và hệ sinh thái. Cụ thể, ô nhiễm môi trường dẫn đến những hậu quả sau:

Tác động tiêu cực đến phổi

Khói bụi gây ô nhiễm không khí, việc hít vào những nguồn không khí ô nhiễm sẽ tạo gánh nặng cho phổi, khiến chức năng phổi bị suy yếu. Đồng thời, đối với những người bị bệnh hen suyễn, bệnh hô hấp khí phế thũng và viêm phế quản khi hít vào không khí ô nhiễm này khiến bệnh tình nặng hơn. Theo một số nghiên cứu, trẻ em chiếm tỷ lệ cao bị mắc bệnh hen suyễn khi sống gần những khu vực bị ô nhiễm cao.

Làm tăng nguy cơ ung thư

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, ung thư phát sinh có đến 75 – 80% nguyên nhân là có liên quan đến môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi ô nhiễm môi trường đất, khi thực phẩm rau củ được trồng trên vùng đất bị ô nhiễm sẽ chứa trong đó 1 phần độc tố hóa học và khi con người ăn phải những thực phẩm đó, lượng độc tố sẽ tích tụ trong cơ thể và tạo thành những khối ung thư.

Gây ảnh hưởng đến tim mạch

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn nhịp tim, thậm chí dẫn đến đau tim, đột tử,… Theo một nguyên cứu tại Anh cho biết: “Khi các hạt carbon nhỏ xâm nhập vào phổi, chúng gây ra phản ứng viêm và phóng hóa chất vào máu, thu hẹp động mạch, gây ra các cục máu đông, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim”.

Ô nhiễm môi trường gây hậu quả lớn đối với hệ sinh thái

Tình trạng ô nhiễm môi trường không những chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người mà còn gây tác động rất lớn đến hệ sinh thái.

Môi trường đất

Ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, môi trường mà tất cả chúng ta cũng như các hệ sinh vật đang sinh sống. Khi tài nguyên đất bị ô nhiễm sẽ làm đất đai cằn cỗi, cây cối không thể phát triển được gây ảnh hưởng đến rất nhiều các loài sinh vật. Những vấn đề này dẫn đến các hệ lụy khác rất nguy hiểm.

Thứ nhất, nguồn đất bị ô nhiễm trở nên cằn cỗi, không thích hợp cho cây trồng. Thực vật trồng khi trên đất này cũng sẽ bị nhiễm bệnh, Khi chúng ta ăn vào cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các cơ thể sống khác trong chuỗi thức ăn.

Thứ hai, môi trường đất bị ô nhiễm cũng sẽ ngấm vào nước gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và dẫn đến tình trạng thiếu nước dùng cho sinh hoạt hoặc phải dùng các nguồn nước bẩn.

Thứ ba, môi trường đất bị ô nhiễm sẽ làm thu hẹp môi trường sống của nhiều loài sinh, động, thực vật.

Môi trường không khí

Bên cạnh đó, môi trường không khí bị ô nhiễm cũng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy như:
Thứ nhất, gây ra mưa axit làm giảm độ pH của đất do những chất lưu huỳnh dioxit và các oxit của nitơ.
Thứ hai, ô nhiễm không khí tạo nên hiện tượng khói bụi che chắn làm giảm ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng đến sự quang hợp và phát triển của thực vật… Cụ thể, tại Hà Nội từng bị che phủ trong khói bụi dày đặc.
Thứ ba, ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân làm thủng tầng ôzôn, tăng hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, phá hủy các khu sinh thái.

Môi trường nước

Có thể nói, ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nghiêm trọng nhất tại nước ta hiện nay đang hủy diệt các sinh vật sống trong nước. Cụ thể: Ô nhiễm nguồn nước do Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh) xả trực tiếp ra biển khiến hiện tượng cá chết hàng loạt từ vùng biển Vũng Áng kéo dài tới vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế vào khoảng đầu tháng 4/2016.

Nói chung, ô nhiễm nguồn nước gây hậu quả nghiêm trọng đến sự sống và sức khỏe con người. Ví dụ như: ô nhiễm và cạn kiệt mạch nước ngầm sẽ gây lên tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt trong tương lai.

VNCPC (Tổng hợp)

http://kttvqg.gov.vn/tin-tuc-tai-nguyen-nuoc-va-moi-truong-114/khac-phuc-nan-o-nhiem-khong-khi–bo-tai-nguyen-va-moi-truong-de-xuat-ban-hanh-mot-loat-bien-phap-cap-bach-6592.html

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/hon-52-000-nguoi-viet-chet-vi-o-nhiem-khong-khi-605021.html

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Siết quản lý các nguồn thải khí bụi

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, đề nghị các các Bộ, ngành, địa phương góp ý, trong đó đề xuất quy định về bảo vệ môi trường không khí.

Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn đang ngày càng “xấu”. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát. Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường, có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng

Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi.

Đặc biệt, nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng, tính chất và đặc điểm của khí thải. Việc xem xét, quyết định đầu tư dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường.

“Trường hợp bụi, khí thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại,” dự thảo nêu rõ.

Theo nội dung dự thảo, kế hoạch quản lý chất lượng không khí là cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá công tác quản lý, chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin trên địa bàn; trường hợp môi trường không khí bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.

Nội dung của kế hoạch quản lý chất lượng không khí tập trung đánh giá chất lượng không khí; xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; đánh giá hiện trạng quản lý chất lượng không khí bao gồm quan trắc chất lượng không khí, xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính, kiểm kê phát thải, mô hình hóa chất lượng không khí, tổ chức nhân sự, nguồn lực, thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, kế hoạch quản lý chất lượng không khí cũng sẽ góp phần đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng; phân tích, nhận định các vấn đề còn tồn tại; xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.


Chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội có những thời điểm lên đến ngưỡng “màu nâu” – cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Gây ô nhiễm phải có trách nhiệm phục hồi

Để đảm bảo việc quản lý chất lượng môi trường không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) để đánh giá chất lượng môi trường không khí; hướng dẫn việc lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí của các địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí; chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí và thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về chất lượng môi trường không khí.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý…

Về phía địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí trên địa bàn; thường xuyên đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.

Trường hợp “tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái chất lượng môi trường không khí phải có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường,” dự thảo nêu rõ./.

Hùng Võ (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-siet-quan-ly-cac-nguon-thai-khi-bui/613971.vnp

Chất lượng không khí xấu đi, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà

Trước thực trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Ảnh minh họa

Người dân vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Với người hút thuốc lá, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý: Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời. Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Trước đó, theo thông tin từ Tổng cục Môi trường, trong tuần này (từ ngày 7-13/12), mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng tăng hơn so với tuần trước (từ ngày 30/11-6/12). Đặc biệt là trong các ngày từ 10 – 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu (giá trị từ 201-300). Giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay nhìn chung có xu hướng tăng.

Trong các ngày từ 7/12 đến 12/12, tại Hà Nội, Việt Trì, Phú Thọ, Tp Hồ Chí Minh đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép. Riêng tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần. Số liệu quan trắc tại các trạm ở Khánh Hòa và Đà Nẵng cũng có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả tính toán AQI ngày cho thấy, tại Hà Nội, chất lượng không khí ở mức xấu trong các ngày từ 9-12/12, tại Việt Trì và Huế, chất lượng không khí đã chạm ngưỡng xấu trong ngày 12/12, còn tại Hạ Long, TP.Hồ Chí Minh, chất lượng không khí cũng ở mức kém.

Theo Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, từ ngày 7/12 đến 12/12, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép tại tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt tại Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày từ 11/12 đến 12/12. Kết quả tính toán AQI ngày tại các trạm cho thấy, từ ngày 8/12 đến 12/12, chất lượng không khí liên tục ở mức xấu. Trong ngày 11/12 và 12/12, kết quả quan trắc tại một số trạm cho thấy AQI đã chạm ngưỡng rất xấu (AQI >200).

Kết quả tính toán AQI giờ (thông báo chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ, giá trị AQI đã lớn hơn 300 (mức nguy hại) vào thời điểm từ 3-6 giờ sáng ngày 10/12 và 13/12. Đối với hầu hết các trạm khác, giá trị AQI đo được ở mức rất xấu (từ 201-300) trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Sau 12 giờ trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém. Trong các ngày từ 10/12 đến 13/12, AQI giờ ở mức rất xấu (từ 201-300), chiếm đến 32,5% số giờ trong ngày.

“Diễn biến hàm lượng PM2.5 trong ngày cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm. Vì vậy nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong các khoảng thời gian này”, Tổng cục cho hay.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/chat-luong-khong-khi-xau-di-nguoi-dan-nen-han-che-ra-khoi-nha-d167084.html

Ô nhiễm không khí nguy hiểm như thế nào?

Những ngày gần đây, nồng độ bụi PM2.5 ở nhiều nơi tại Hà Nội và Tp.HCM đã vượt ngưỡng cho phép so với quy chuẩn quốc gia. Vậy ô nhiễm không khí gây nguy hiểm như thế nào, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Chất lượng không khí ở mức nguy hại tới sức khỏe

Sáng 1/10, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – đã có lý giải chính thức về đợt ô nhiễm không khí kéo dài ở hai thành phố Hà Nội, Tp.HCM.

Dẫn chứng số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Tài cho biết nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng từ ngày 12 – 17/9, sau đó giảm từ ngày 18 – 22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23 – 29/9.

Đặc biệt, trong các ngày liên tiếp từ 25 – 30/9, ghi nhận ở một số trạm quan trắc chất lượng không khí cho thấy chỉ số chất lượng không khí vượt ngưỡng 200, ở mức xấu, nguy hại tới sức khoẻ. Tuy nhiên, chất lượng không khí xuống ngưỡng xấu chỉ có tính thời điểm và chỉ có ở một số vị trí như trạm đo Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ và điểm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ. Riêng từ ngày 27 – 30/9 là “những ngày có nhiều trạm và nhiều giờ quan trắc chỉ số chất lượng không khí xấu nhất” tính trong khoảng từ ngày 12 – 30/9.

Nguyên nhân ô nhiễm do đâu?

Theo ông Tài, do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian từ 21 – 30/9, Hà Nội không có mưa, cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí tăng cao đột biến.

Bụi mịn nguy hiểm như thế nào?

Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, các hạt phân tử được tìm thấy trong tình trạng ô nhiễm có thể xâm nhập vào não người do hít thở không khí.

Magnetite là một dạng khoáng của sắt, chúng có khả năng dễ phản ứng và giải phóng các hạt phân tử khác, tạo ra các gốc tự do, gây ra mất cân bằng ôxy hóa trong các tế bào thần kinh, phá hủy và tiêu diệt tế bào thần kinh.

TS Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM còn cho biết thêm: bụi mịn có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde có thể gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA gây nên bệnh ung thư ở phổi.

Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng liên tục cảnh báo về mối đe dọa từ ô nhiễm không khí với sức khỏe con người cao hơn nhiều so với những con số báo cáo. Đây chính là nguyên nhân làm hơn 3 triệu người tử vong sớm mỗi năm do đột quỵ, mắc bệnh tim mạch, hô hấp, lão hóa não bộ, đe dọa hầu hết cộng đồng dân cư các thành phố lớn ở những nước đang phát triển và các nước chậm phát triển.

Nên làm gì để tránh bụi mịn?

Các chuyên gia y tế cho rằng người dân khó có thể lọc được hoàn toàn bụi mịn trong không khí khi lưu thông trên đường.

Theo đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông. Không hoạt động thể lực tại các khu vực ngoài trời, đặc biệt gần đường. Tập thể dục ở các khu vực ô nhiễm sẽ bị nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vì sẽ hít một lượng lớn không khí khi vận động mạnh.

Người lớn và trẻ em nên đeo khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm. Khẩu trang nên có từ 4-5 lớp lọc gồm lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính,… và các khẩu trang có hình dáng phù hợp đảm bảo độ kín.

VNCPC (Tổng hợp)

Nguồn: https://news.zing.vn/bui-min-nguy-hiem-the-nao-post994324.html

https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/o-nhiem-khong-khi-con-tiep-dien-han-che-ra-duong-20278.htm