Posts

WB tài trợ thêm 22,5 triệu USD phát triển hệ thống năng lượng mặt trời ở 19 quốc gia châu Phi

Trước đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê chuẩn khoản tài trợ ban đầu 224,7 triệu USD cho Rogeap, một dự án nhắm mục tiêu đến các nước Tây và Trung Phi.

Vào ngày 15 tháng 3, Hội đồng quản trị WB phê duyệt kinh phí bổ sung 22,5 triệu USD cho dự án Rogeap (Regional Off-Grid Electricity Access Project).

Khoản tài trợ ban đầu là 224,7 triệu USD được phê duyệt vào tháng 4 năm 2019.

Nguồn vốn được phê duyệt vào ngày 15 tháng 3 sẽ được cung cấp dưới hình thức tài trợ từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) và Quỹ Công nghệ sạch (CTF).

Dự án nhằm hỗ trợ cho thị trường các hệ thống năng lượng mặt trời không nối lưới ở các nước Sahel để cung cấp điện cho các trạm y tế, trường học, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở công cộng; cung cấp điện máy bơm nước, máy xay và tủ lạnh năng lượng mặt trời cho nông dân.

Thông qua dự án, Ngân hàng Thế giới muốn thu hút đầu tư vào các giải pháp cung cấp điện không nối lưới, được sử dụng bởi dưới 3% cư dân ở các quốc gia nằm trong đối tượng được WB tài trợ.

Dự án nhắm đến 19 quốc gia ở Tây và Trung Phi: Benin, Burkina Faso, Cape Verde, Côte d’Ivoire, Gambia, Ghana, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Niger, Nigeria, Senegal, Sierra Leone, Togo, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Mauritania và Chad.

Ngân hàng Thế giới đã giao vai trò cơ quan thực hiện dự án cho Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), sẽ làm việc cùng với Ngân hàng Phát triển Tây Phi (BOAD), chịu trách nhiệm mở một hạn mức tín dụng có lợi cho các ngân hàng thương mại hoạt động trong tiểu vùng.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/wb-tai-tro-them-225-trieu-usd-phat-trien-he-thong-nang-luong-mat-troi-o-19-quoc-gia-chau-phi-604246.html

Điện gió nổi ngoài khơi có thể là mặt trận lớn nhất của năng lượng gió ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Hãng phân tích Wood Mackenzie cho biết, điện gió nổi ngoài khơi có thể là mặt trận tiếp theo trong phát triển lĩnh vực điện gió ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chi phí vốn (CAPEX) sẽ giảm xuống trung bình 3 triệu USD/MW trong giai đoạn 2025-2030.

Theo Wood Mackenzie, một thị trường quan trọng cho công nghệ nổi ngoài khơi đang hình thành ở châu Á. Các nhà phát triển tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã công bố kế hoạch phát triển các dự án thử nghiệm trọng điểm, mặc dù quy mô triển khai vẫn còn hạn chế so với công nghệ xây dựng nền đáy cố định cho trụ gió. Điện gió nổi ngoài khơi được dự báo chỉ chiếm 6% trong tổng công suất 26 GW công suất gió ngoài khơi mới dự kiến được xây dựng trong thập kỷ này tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc.


Dự án giàn turbin đôi nổi 200MW ngoài khơi Hàn Quốc của Tập đoàn Shell.

Chuyên gia phân tích Robert Liew của Wood Mackenzie cho biết, việc lắp đặt thêm 1,56 GW công suất điện gió nổi ngoài khơi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ cần các khoản đầu tư trị giá ít nhất 8 tỷ USD. Nếu xem xét thêm dự án truyền dẫn trị giá 9 tỷ USD trong giai đoạn lập kế hoạch ban đầu, nhu cầu đầu tư có thể lên tới 58 tỷ USD. Duy trì nguồn cung cấp điện là một thách thức quan trọng đối với các thị trường này khi các nhà máy nhiệt điện lạc hậu sắp hết vòng đời dự án và cơ hội phát triển điện than, điện hạt nhân mới bị hạn chế đáng kể. Ba thị trường Đông Bắc Á phải đối mặt với việc ngừng hoạt động công suất nhiệt điện than và điện hạt nhân lên tới 89 GW trong giai đoạn 2020 – 2030.

Chuyên gia Liew cho biết, chính phủ các nước này đang tích cực tìm kiếm nguồn cung điện từ NLTT để lấp đầy khoảng trống cung cấp, nhưng do hạn chế về đất đai nên các lựa chọn mở rộng NLTT bị hạn chế. Điện gió nổi ngoài khơi đang được chú ý nhiều hơn nhưng chi phí cao vẫn là rào cản lớn đối với việc áp dụng rộng rãi công nghệ này. Để đảm bảo tính bền vững lâu dài của nguồn điện này, chi phí lắp đặt phải giảm đáng kể để ít nhất có thể cạnh tranh được với nguồn cung điện khí.


Thiết bị lắp đặt nổi Lidar cho dự án điện gió Ulsan 1,4GW ngoài khơi Hàn Quốc.

Với những thành quả hạn chế, quy mô điện gió nổi ngoài khơi mới có 21 MW công suất thử nghiệm, cho thấy tính không chắc chắn cao về khả năng giảm chi phí dự án tại các thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Hiện tại, chính phủ Nhật Bản ước tính rằng, chi phí đầu tư hiện tại đối với điện gió nổi ngoài khơi có thể hạ xuống 4 triệu USD/MW so với chi phí đầu tư điện gió trên bờ là 2-3 triệu USD/MW. Trong khi chi phí đầu tư điện gió trên bờ được dự báo sẽ giảm còn 1,5 triệu USD/MW đến năm 2030.

Wood Mackenzie dự báo, chi phí đầu tư trung bình của các nhà máy điện gió nổi ngoài khơi tại ba thị trường tiên phong nêu trên sẽ giảm khoảng 40% xuống còn 2,6-4 triệu USD/MW vào giai đoạn 2025-2030.

Bất chấp thách thức về chi phí, Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã ban hành các chính sách hỗ trợ lĩnh vực này. Tại Nhật Bản, biểu thuế nhập khẩu áp dụng cho các dự án nổi so với các dự án ngoài khơi có chân đế đang chuyển sang mức giá thông qua đấu giá. Một cuộc đấu giá điện gió nổi quy mô 22 MW ở quần đảo Goto cũng đang thử nghiệm xem liệu giá trúng thầu có thể thấp hơn biểu giá được cấp vào hiện tại hay không. Tại Hàn Quốc, các dự án nổi ngoài khơi có thể được cấp chứng chỉ NLTT với nhiều ưu đãi hơn tùy thuộc vào khoảng cách giữa các cơ sở kết nối.

Chuyên gia Liew cho rằng, với đủ sự hỗ trợ của chính phủ, các nhà phát triển sẽ sẵn sàng đánh cược lớn hơn vào năng lượng gió nổi. Việc xây dựng một hệ thống các dự án nổi chắc chắn sẽ giúp lĩnh vực này có tầm nhìn xa hơn, do đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa. Những sự hỗ trợ của chính phủ là tầm nhìn dài hạn nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng gió nổi ngoài khơi trong nước sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương. Điện gió nổi ngoài khơi đòi hỏi nhiều tàu lắp đặt tuabin hơn so với các dự án gió ngoài khơi có chân đế. Điều này sẽ thu hút sự quan tâm của các quốc gia có thế mạnh về ngành hàng hải hay giao thông thủy nội địa. Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn thiết lập một trung tâm chuỗi cung cứng nổi ở nước ngoài cho khu vực và xuất khẩu tiềm năng trong tương lai sang các thị trường khác. Điều này cũng có thể góp phần đáng kể vào việc giảm chi phí.

Điện gió nổi ngoài khơi có lẽ sẽ là mặt trận lớn nhất cho năng lượng gió ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong dài hạn. Lĩnh vực này có tương lai triển vọng vì hầu hết các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương đều có bờ biển dài và nguồn năng lượng gió ngoài khơi gần các thành phố ven biển có thể được khai thác, thậm chí ở cả những khu vực có tốc độ gió thấp. Mặc dù quy mô vẫn còn hạn chế, năng lượng gió nổi ngoài khơi có tiềm năng cung cấp điện gần như vô tận.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dien-gio-noi-ngoai-khoi-co-the-la-mat-tran-lon-nhat-cua-nang-luong-gio-o-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-601503.html

Việt Nam nằm trong top 3 chuyển đổi năng lượng tái tạo tại châu Á-TBD

Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực và đứng đầu trong số các thị trường mới nổi khi Việt Nam đưa ra biểu giá điện tốt để thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời.

Trang energyvoice.com dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất của IHS Markit (Anh) cho thấy Australia, Nhật Bản và Việt Nam đang dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Chỉ số bổ sung năng lượng tái tạo của IHS, mạng lưới phát triển năng lượng tái tạo đã tăng vọt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khoảng 1/3 số dự án năng lượng đang được xây dựng (khoảng 80 gigawatt) để sản xuất điện gió và điện mặt trời, thủy điện và các loại năng lượng tái tạo khác ở 16 thị trường trọng điểm trong khu vực.


Nhà máy điện mặt trời Sao Mai-An Giang với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng hoàn thành sau 2 năm xây dựng. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Australia đứng đầu chỉ số với 89% công suất đang được xây dựng là điện gió, điện mặt trời hoặc điện sinh khối. Xếp thứ hai là Nhật Bản. Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực và đứng đầu trong số các thị trường mới nổi khi Việt Nam đưa ra biểu giá điện tốt để thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời. Tiếp theo là Hàn Quốc xếp thứ tư.

Phó Chủ tịch phụ trách năng lượng tái tạo và điện toàn cầu tại IHS Markit, Xizhou Zhou nhận xét: “Bảng xếp hạng của IHS cho thấy mức thu nhập không phải là yếu tố duy nhất quyết định mức độ sẵn sàng theo đuổi năng lượng sạch của một nước. Năng lượng tái tạo không còn là điều xa xỉ của nước giàu vì chi phí sẽ tiếp tục giảm.”

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất, chiếm 58% năng lượng điện gió và 33% số dự án năng lượng điện mặt trời vẫn đang được xây dựng. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ đứng thứ tám vì mạng lưới phát triển điện đốt than và đốt khí rộng lớn.

Chính phủ nhiều nước trong khu vực đã công bố tham vọng năng lượng sạch, trong khi một số chính phủ khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thậm chí cam kết mục tiêu trung hòa khí phát thải./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-nam-trong-top-3-chuyen-doi-nang-luong-tai-tao-tai-chau-atbd/695527.vnp

Hàn Quốc xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới

Các nhà chức trách Hàn Quốc đã ký hợp đồng trị giá 36 tỷ euro nhằm xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. 

Nghèo nàn về các nguồn năng lượng truyền thống, Hàn Quốc tích cực hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Hiện nay, Hàn Quốc đang sử dụng nhiệt điện từ than nhập khẩu, chiếm tỷ trọng 40%.

Ngoài mục tiêu trung hòa carbon, Tổng thống Moon Jae-in có dự định loại bỏ dần điện hạt nhân, khai thác chủ yếu năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện.

Ông Moon Jae-in đã giám sát việc ký kết hợp đồng trị giá 48 nghìn tỷ won (36 tỷ euro) để xây dựng một trang trại điện gió khổng lồ ngoài khơi bờ biển Sinan phía Tây Nam Hàn Quốc. Theo ông Moon, trang trại điện gió sẽ có công suất tối đa là 8,2GW, với kích thước rộng gấp 7 lần trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất hiện nay.

Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh vị trí địa lý độc đáo của bán đảo Triều Tiên. Ông khẳng định: “Hàn Quốc có tiềm năng vô tận về năng lượng gió ngoài khơi và công nghệ tốt nhất thế giới trong lĩnh vực này”.

Có 33 tổ chức khác nhau tham gia vào thỏa thuận này, bao gồm chính quyền địa phương, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc Kepco, các công ty tư nhân lớn như Công ty xây dựng và công nghiệp nặng Doosan hay công ty SK E&S. Theo Ông Moon Jae-in, dự án cần hơn 5 năm chuẩn bị trước khi bắt đầu xây dựng, tuy nhiên chính phủ cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ.

Năm ngoái, Seoul đặt mục tiêu lọt vào top 5 quốc gia sản xuất năng lượng gió hàng đầu thế giới vào năm 2030. Hàn Quốc có 24 nhà máy điện hạt nhân với mật độ cao nhất thế giới. Quốc gia này đặt mục tiêu giảm còn 17 nhà máy vào năm 2034, cũng như một nửa sản lượng điện hạt nhân.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/han-quoc-xay-dung-trang-trai-dien-gio-ngoai-khoi-lon-nhat-the-gioi-600050.html

Đức tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải

Chính phủ Đức đã nhất trí về lộ trình đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải trong 10 năm tới, hướng tới mục tiêu chiếm 28% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Chính phủ Đức ngày 3/2 đã thông qua dự luận tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải lên 28% vào năm 2030.

Dự luật do Bộ Môi trường, Bảo vệ tự nhiên và An toàn hạt nhân liên bang soạn thảo nhằm mục tiêu gia tăng sử dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải cũng như đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sạc cho ô tô điện.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức đã nhất trí về lộ trình đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải trong 10 năm tới, hướng tới mục tiêu chiếm 28% năng lượng tái tạo trong lĩnh vực này vào năm 2030.

Bộ trưởng Môi trường liên bang Đức Svenja Schulze khẳng định mục tiêu mà Đức đặt ra cao gần gấp đôi mục tiêu của EU (14%), và đây là mục tiêu “rất tham vọng.”

Tuabin điện gió tại một ngôi làng ở Đức. (Nguồn: dw.com)

Theo bà Schulze, điều này là cần thiết do Đức chưa đạt được mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát trong lĩnh vực giao thông kể từ năm 1990.

Với kết hoạch tham vọng mới, các công ty dầu khoáng có nghĩa vụ giảm mức phát thải bằng cách sử dụng các sản phẩm năng lượng thân thiện với môi trường như nhiên liệu sinh học tiên tiến, hydro xanh hoặc điện, với hạn ngạch tăng từ 6% hiện nay lên 22% vào năm 2030.

Dự luật cũng quy định cụ thể loại nhiên liệu tái tạo được sử dụng để đáp ứng hạn ngạch. Trong khi tỷ trọng của nhiên liệu sinh học tiên tiến (nhiên liệu từ các phế phẩm như rơm rạ và phân bón) sẽ tăng từ 0 lên ít nhất 1,75% vào năm 2030, thì tỷ trọng nhiên liệu sinh học từ thực phẩm và cây lương thực sẽ được giữ ở mức trần 4,4%.

Việc sử dụng dầu cọ trong bể chứa (hiện chiếm 20% nhiên liệu sinh học) sẽ bị loại bỏ dần vào năm 2026.

Ngoài ra, để có thể sử dụng nhiên liệu tái tạo trong lĩnh vực hàng không, dự luật lần đầu tiên đề cập hạn ngạch nhiên liệu điện trong hàng không, theo đó nhiên liệu cho máy bay phản lực phải đạt ít nhất 2% nhiên liệu lỏng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo thông qua điện phân vào năm 2030.

Theo Bộ trưởng Schulze, Đức cần có nhiều công nghệ sạch, hiện đại hơn để đạt được các mục tiêu về khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Với luật khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với khí hậu, Chính phủ liên bang Đức đang tạo ra một công cụ hiệu quả để thực sự giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Việc điều chỉnh luật nêu trên nhằm thực hiện chỉ thị của EU về năng lượng tái tạo trong giao thông (RED II), theo đó đến năm 2030 phải chiếm 14% tổng năng lượng tiêu thụ trong lĩnh vực giao thông.

Ngành giao thông vận tải bị tụt hậu so với lĩnh vực điện và sưởi ấm, những lĩnh vực đã đạt mức độ khử cácbon cao hơn do các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Sau khi được nội các thông qua, dự luật trên phải được Quốc hội (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện) phê chuẩn để có hiệu lực. Việc xem xét điều chỉnh luật có thể được tiến hành muộn nhất vào năm 2024./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/duc-tang-ty-trong-nang-luong-tai-tao-trong-linh-vuc-giao-thong-van-tai/693467.vnp

Cú hích cho ngành công nghiệp khí hydro của Pháp

Ngày 11/1, chính phủ Pháp thông báo thành lập Hội đồng khí Hydro Quốc gia, bao gồm khoảng 15 nhà sản xuất, chịu trách nhiệm “đóng góp” vào việc phát triển hydro không phát thải carbon ở Pháp.

“Cơ quan này là cầu nối trao đổi giữa nhà nước và các bên liên quan, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, và đo lường các hành động đã được lên kế hoạch để xác định những trở ngại trong việc phát triển hydro”, Bộ Kinh tế, Chuyển đổi và Nghiên cứu sinh thái Pháp, giải thích.

Hội đồng này sẽ họp trong khuôn khổ của Hội đồng Công nghiệp Quốc gia và sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên trong tháng 1/2021.

Pháp có kế hoạch đầu tư 7 tỷ euro vào năm 2030 nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của ngành hydro không phát thải carbon, đồng thời giúp ngành công nghiệp và xe tải hạng nặng trở nên ít phát thải hơn.

Theo chính phủ Pháp, mục tiêu của việc thành lập này là đẩy nhanh tốc độ làm chủ công nghệ của chuỗi giá trị và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang quy mô công nghiệp, cho phép giảm chi phí sản xuất.

Khoảng 880.000 tấn hydro công nghiệp đã được sản xuất ở Pháp vào năm 2020 (được sử dụng để lọc dầu hoặc sản xuất phân bón hóa học), nhưng 95% là từ nhiên liệu hóa thạch, theo France Hydrogen. Đến năm 2030, ngành này đặt mục tiêu là 1,35 triệu tấn, cho các mục đích sử dụng mở rộng và 52% trong số đó được sản xuất từ năng lượng tái tạo, thậm chí là năng lượng hạt nhân hoặc hóa thạch có thu giữ carbon.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cu-hich-cho-nganh-cong-nghiep-khi-hydro-cua-phap-594994.html