Bộ lọc than hoạt tính giúp loại bỏ hóa chất vĩnh cửu trong nước uống hàng ngày
Các nhà nghiên cứu tại một trường đại học của Mỹ đã tìm ra phương pháp giúp loại bỏ một lượng hóa chất vĩnh cửu có trong nguồn nước uống hàng ngày.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã liên tục tìm kiếm các phương pháp nhằm loại bỏ các hóa chất này trong nước uống. Mới đây, Trường đại học British Columbia, Mỹ, đã tìm ra chất xúc tác có thể loại bỏ hóa chất vĩnh cửu có trong nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của con người. Các hóa chất vĩnh cửu, viết tắt là PFAS, được sử dụng rất nhiều vì chúng giúp cho đồ vật chịu nhiệt cao, chống bẩn và kháng nước. Tuy nhiên, khi không còn được sử dụng và vứt bỏ ra bãi rác, những sản phẩm có chứa PFAS sẽ gây ô nhiễm nguồn nước vì các hóa chất này rất khó phân hủy. Chúng là những nhân tố nguy hiểm đe dọa sức khỏe, có liên quan đến các bệnh gan, ung thư, tuyến giáp và nhiều bệnh khác.
Theo phương pháp này, chỉ cần vài giờ để làm sạch nước, ngay cả khi không có nguồn tia cực tím ổn định để khử. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một bộ lọc than hoạt tính có chứa chất xúc tác đã được cấp bằng sáng chế. Chất xúc tác quang lai oxit sắt (Fe/g-C) có thể thu giữ PFAS trong nước và phân hủy các hóa chất này thành các thành phần vô hại. Toàn bộ quá trình này khá nhanh, tùy vào lượng nước cần được xử lý.
Bộ lọc than hoạt tính cho phép loại bỏ một lượng lớn hóa chất vĩnh cửu tồn tại trong nước uống
Các nhà nghiên cứu cho biết một số giải pháp trước đây chỉ có thể thực hiện hoặc thu giữ hoặc phân hủy các hóa chất này, nhưng với công nghệ được sử dụng trong nghiên cứu mới này, cả hai vấn đề nêu trên đều có thể được xử lý trong thời gian ngắn.
Theo các nhà khoa học, giải pháp mới này nhanh hơn rất nhiều so với các cách thức khác. Chất xúc tác được nghiên cứu chỉ cần 3 giờ đồng hồ là có thể loại bỏ 90% các hóa chất vĩnh cửu trong nước. Bên cạnh đó, phương pháp này còn có ưu điểm tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện hơn các phương pháp khác đang được áp dụng.
Chẳng hạn như một số phương pháp cần có tia cực tím để tạo các phản ứng hóa học, nhưng phương pháp mới của nhóm nghiên cứu lần này hoàn toàn áp dụng được ở những nơi không có đủ ánh sáng. Trong điều kiện thiếu sáng, công nghệ mới này vẫn loại bỏ được 85% PFOA. PFOA cũng là một hóa chất vĩnh cửu.
Hơn nữa, công nghệ mới này có thể dùng để loại bỏ các thành phần “cứng đầu” khác gây ô nhiễm nước chứ không chỉ các hóa chất vĩnh cửu. Chất xúc tác đặc biệt này có thể dùng để xử lý các hệ thống cấp nước đô thị và các cơ sở công nghiệp.
Đây quả là một thành tựu nghiên cứu có giá trị quan trọng. Hiện, các nhà khoa học đã liên kết với một công ty thương mại để đưa công nghệ mới này đi vào đời sống.
Bảo Linh (t/h)
https://vietq.vn/bo-loc-than-hoat-tinh-giup-loai-bo-hoa-chat-vinh-cuu-trong-nuoc-uong-hang-ngay-d224975.html