KCN sinh thái hướng đến sự phát triển bền vững
Đó là nhận định của ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tại Hội thảo tập huấn trực tuyến “Nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp” cho các doanh nghiệp thuộc KCN Amata (Đồng Nai).
Hội thảo do Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái tại Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức vào ngày 13-14/1/2022.
VNCPC đơn vị đồng tổ chức Hội thảo tập huấn trực tuyến “Nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp”
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện, với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).
Dự án nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các KCN chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường, kinh tế cho doanh nghiệp thông qua hàng loạt các hoạt động đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực thực hành về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp.
Hướng tới mức phát thải ròng bằng “0”
Ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế – Giám đốc dự án.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế – Giám đốc dự án cho biết: “Quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Do đó, nước ta đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn nhằm phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính vì vậy, hội thảo là sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm phổ biến thông tin về mô hình KCN sinh thái không chỉ trong phạm vi các KCN tham gia thí điểm, mà còn lan tỏa trên khắp cả nước”.
Tại hội thảo, các chuyên gia UNIDO và Việt Nam đã chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá KCN sinh thái theo khuôn khổ quốc tế, quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái; khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp RECP; khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp.
RECP không chỉ mang lại lợi ích về môi trường
Ông Đinh Mạnh Thắng – Chuyên gia cao cấp của VNCPC
Theo ông Đinh Mạnh Thắng – Chuyên gia cao cấp về RECP của VNCPC: Mọi nền công nghiệp, ở bất cứ quy mô và lĩnh vực nào đều có thể tăng cường hiệu quả sản xuất bằng những phương pháp có hệ thống. Tăng cường hiệu quả tài nguyên tại các doanh nghiệp mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là những lợi ích về môi trường. Việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về sản xuất, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng, nước và các dạng chất thải tại doanh nghiệp một cách hệ thống, liên tục sẽ là căn cứ quan trọng, quyết định cho sự thành công khi thực hiện RECP. Đây là một chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và tiến tới phát triển bền vững.
Về cộng sinh công, ông Dick van Beers – Chuyên gia về KCN sinh thái đến từ UNIDO đã mô tả cộng sinh công nghiệp là sự hợp tác giữa một số cơ sở khác nhau, thường là gần nhau về mặt địa lý, tức là các công ty và nhà máy nằm gần nhau trong các cụm hoặc các KCN trao đổi tài nguyên (ví dụ: vật liệu, năng lượng, nước và các phụ phẩm) có thể được sử dụng để thay thế cho các sản phẩm hoặc nguyên liệu thô, nếu không sẽ được nhập khẩu từ nơi khác hoặc được xử lý như chất thải.
Ông Ankit Kapasi – Chuyên gian về KCN sinh thái của Sofies
Chuyên gia về KCN sinh thái của Sofies – Ankit Kapasi cũng đã dẫn chứng những điển hình về cộng sinh công nghiệp trong một số KCN sinh thái trên thế giới. Cụ thể như, KCN Kalundborg (Đan Mạch) sau khi ứng dụng cộng sinh công nghiệp, đã giảm được sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí CO2 lên đến khoảng 250.000 tấn/năm, giảm 30% lượng nước sử dụng và giảm thiểu cả các chất phát thải phải xử lý khác. Đặc biệt, KCN NISP (Anh), trong 7 năm, họ đã tiết kiệm được chi phí 1,3 tỷ bảng Anh, doanh số bán hàng bổ sung tăng 1,3 tỷ bảng Anh, đồng thời giảm tới 39 triệu tấn CO2.
Hội thảo cũng giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về khái niệm, phương pháp tiếp cận, triển khai cộng sinh công nghiệp thông qua những ví dụ điển hình rất cụ thể. Các chuyên gia cho rằng, đây là phương pháp tiếp cận tập hợp các công ty từ tất cả các lĩnh vực kinh doanh với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên giữa các ngành thông qua hoạt động kinh doanh thương mại. Đó là những liên kết về: nguyên vật liệu; năng lượng, nước và các tài nguyên khác; chia sẻ nguồn lực vật tư; logistics, dịch vụ; và chuyên môn nhằm mục đích tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty. Nhờ vậy, sự cộng sinh này giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.
VNCPC