Posts

Mỗi lít xăng thải bao nhiêu kg CO2 vào bầu khí quyển?

Thống kê cho thấy 1 lít xăng thải ra hơn 2kg CO2 vào bầu khí quyển từ động cơ ô tô. Trung bình với mỗi xe ô tô, một bình xăng thải ra hơn 100kg CO2 vào bầu khí quyển.

Thông tin từ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019 cho biết, đi phương tiện công cộng sẽ tốt hơn là đi ô tô cá nhân. Giữa máy bay và tàu hỏa, máy bay thải ra nhiều CO2 hơn, vì vậy, nếu di chuyển dưới vài trăm km, hãy cân nhắc dùng tàu hỏa thay vì máy bay.

Khói xe bao gồm hỗn hợp những loại khí nào

1. Carbon dioxide: Đây là thành phần “quen mặt” nhất trong khí thải động cơ xe. Đây là sản phẩm phụ của những phản ứng đốt cháy nguyên liệu. Khí carbon dioxide là chất gây nên “hiệu ứng nhà kính”. Khí carbon dioxide sẽ gây độc tùy theo hàm lượng của chúng. Mức độ ảnh hưởng có thể biến đổi từ nhức đầu, xây xẩm, run rẩy, cảm giác bị kim chích, khó thở, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, bất tỉnh hoặc… không bao giờ tỉnh. Mức độ của khí carbon dioxide được tính như sau:

– 250-350 ppm (parts per million-phần triệu): ở không khí ngoài trời bình thường.

– 350-1.000 ppm: trong những phòng có sự trao đổi khí tốt giữa bên trong và bên ngoài.

– 1.000-2.000 ppm sẽ gây ra sự uể oải, buồn ngủ, đờ đẫn, kém tập trung, tăng nhịp tim và có thể bị nôn ói.

– Trên 5.000 ppm sẽ gây mất oxy và hậu quả là gây tổn hại não vĩnh viễn, bất tỉnh, tử vong.

2. Carbon monoxide (CO): Khi hít phải khí CO ở mức 667 ppm thì CO sẽ làm chuyển đổi 50% haemoglobin vận chuyển oxy thành carboxyhemoglobin. Phân tử carboxyhemoglobin không có chức năng mang oxy đến tế bào. Ngay sau khi tiếp xúc với CO, bạn sẽ bị nhức đầu, nôn mửa, mệt mỏi và dẫn đến tử vong.

3. Nitric oxides (NO và NO2): Ở liều lượng nhỏ, các nitric oxides đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự liên lạc giữa các tế bào. Tuy nhiên, ở liều cao, các nitric oxides sẽ gây hại hệ mạch máu. Thai phụ hít các nitric oxides thường xuyên sẽ gây nên dị dạng thai nhi, biến đổi DNA và các chứng bệnh đa xơ cứng.

4. Sulfur dioxide: Gây rối loạn hô hấp

5. Các phần tử cực nhỏ: Các thành phần “lạ” này sẽ gây hại mô phổi và phát triển một số dạng ung thư.

6. Các hợp chất hydrocarbons đa vòng: gây tổn hại lên da và hệ tự miễn của cơ thể.

Khói, bụi xe gây nhiều bệnh tật

Nhìn nhận về vấn đề này, BS Huỳnh Tấn Tiến – Chủ tịch Hội Y học Dự phòng TP.HCM, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM – nói khí thải từ xăng dầu và bụi bặm do xe cộ gây ra ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp của người dân.

Trong khí thải xăng dầu còn có những chất rất độc, có thể gây ung thư hoặc gây kích thích như benzen, acid H2S, CO, cacbon… Một số chất độc khác còn có thể ngấm vào máu gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể.

Người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh hen suyễn… khi hít phải nhiều khí thải độc hại từ xe cộ dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do chít hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc đi cấp cứu kịp thời.

Vì vậy, để tránh những trường hợp tử vong do hít phải khói xe, quan trọng là nên phổ biến rộng rãi về tác hại của khói xe cho công chúng. Không nên nổ máy xe trong phòng kín. Không nên dùng động cơ xe để lấy ánh sáng hoặc mở máy lạnh.

Theo Khánh Ly/moitruong.com.vn (1/11/2019)

Mọi hoạt động trực tuyến đều làm tăng lượng khí thải nhà kính

Nhà cung cấp phần mềm diệt virus nổi tiếng thế giới MacAffee cảnh báo rằng mọi hoạt động trực tuyến hằng ngày – trong đó có việc gửi email –  của bạn cũng đều là tác nhân giúp tăng lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Vậy làm cách nào để giảm thiểu tác động tiêu cực từ những hoạt động này đến môi trường?

Ô nhiễm môi trường từ hoạt động trực tuyến

Nhà cung cấp phần mềm diệt virus nổi tiếng thế giới MacAffee trong một báo cáo của mình đã chỉ ra rằng: lượng điện năng cần thiết để truyền đi hàng nghìn tỷ thư rác được gửi hàng năm tương đương với năng lượng dành cho hai triệu gia đình ở Hoa Kỳ và tạo ra cùng một lượng khí thải nhà kính bằng với ba triệu chiếc xe hơi.

Câu chuyện này cũng xảy ra với hầu hết mọi hoạt động trực tuyến mà bạn thực hiện hàng ngày. Khí nhà kính được tạo ra để chạy máy tính, máy chủ và bộ định tuyến, cũng như lượng khí thải phát ra khi thiết bị được sản xuất.

Thực trạng đáng lo ngại đến mức nào và tại sao?

Năm 2018, toàn ngành công nghệ thông tin và truyền thông chiếm 6 đến 10% lượng điện tiêu thụ, hoặc 4% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Và con số này vẫn tiếp tục tăng 5-7% mỗi năm! Một trong số những nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng trưởng này là do sự chuyển dịch thói quen lưu trữ dữ liệu, từ các thiết bị vật lý sang điện toán đám mây (cloud).

Người ta cho rằng, việc giảm thiểu chất thải rắn trong ngành công nghiệp số bằng cách chuyển dữ liệu lên môi trường trực tuyến là một cách tốt để bảo vệ môi trường, nhưng thực tế thì họ đã nhầm.

Càng ngày, mỗi người trong số chúng ta đẩy lên cloud ngày một nhiều dữ liệu, đồng nghĩa với việc đòi hỏi một không gian lớn hơn và năng lượng nhiều hơn đối với máy chủ lưu trữ. Tuy nhiên, một phần trong số những dữ liệu mà bạn tạo ra này, có thể sẽ mãi mãi không bao giờ được ngó ngàng tới hoặc được sử dụng rất hạn chế.

Trong khi đó để duy trình hoạt động ổn định của chỉ một bộ định tuyến cũng đã tiêu tốn 10.000 watt (10 kW). Một trung tâm dữ liệu rất lớn sẽ đạt mức tiêu thụ gần 100 triệu watt (100 MW), tương đương với một phần mười sản lượng trung bình của một nhà máy nhiệt điện.

Trên thực tế, lượng điện năng này được sử dụng để chạy các máy chủ, các mạch điện tử phải được làm mát bằng điều hòa không khí.

Chính bạn cũng là một tác nhân

Một email 1MB trong toàn bộ vòng đời của mình, từ lúc soạn thảo cho đến khi bị xóa sẽ phát ra 20g CO2, tức là tương đương với một bóng đèn sợi đốt 60W được thắp trong 25 phút.

Với trung bình khoảng 20 email mỗi ngày, 365 ngày/năm, mỗi người dùng tạo ra lượng khí thải CO2 tương đương với một chiếc xe hơi di chuyển trong 1000km.

Mỗi lượt tra cứu trên các công cụ tìm sẽ tiêu thụ 3,4 Wh tương đương 0,8g CO2. Nhưng con số tổng số tăng lên 10g nếu công cụ đưa ra được 5 kết quả. Như vậy, có thể tạm tính là, nếu một người dùng web thực hiện trung bình 2,6 tìm kiếm trên web mỗi ngày, người này thải ra 9,9 kg CO2 tương đương mỗi năm.

Đối với hoạt động duyệt web (lướt web), một người dùng internet trung bình hàng năm sẽ cần khoảng 365 kWh điện và 2.900 lít nước, tương ứng với lượng CO2 thải ra khí quyển khi bạn di chuyển 1.400 km bằng ô tô.

Mỗi 2 giờ bạn dành để xem video trên Youtube bằng màn hình plasma 24’ sẽ phác thải 440 g CO2 tương đương với lượng phác thải của một xe ô tô trong 1,6 km. Con số tương ứng lần lượt là 68g CO2 và 176g CO2 đối với màn hình LCD 15’ hoặc 32’.

Làm thế nào để tôi giảm thiểu tác động đến môi trường?

Vì việc ngừng sử dụng internet cho các hoạt động thường ngày là bất khả thi, nên hãy cùng tham khảo những cách đơn giản dưới đây để tự mình giảm thiểu tác động tiêu cực từ những hoạt động này đến môi trường nhé:

1. Giảm kích thước của tài liệu bạn gửi qua email để giảm trọng lượng của tin nhắn.

2. Sử dụng các đường dẫn (Hyperlink) thay vì nén và đính kèm các tài liệu có dung lượng lớn.

3. Hạn chế lan truyền các nội dung không có giá trị (meme hài hước, thư spam, thông tin chưa kiểm chứng, etc).

4. Thường xuyên xóa các email đã được xử lý và dọn sạch thùng rác.

5. Hủy đăng ký nhận bản tin nếu bạn không có/còn nhu cầu đọc chúng.

6. Trực tiếp nhập địa chỉ của một trang web nếu bạn biết nó thay vì thông qua một công cụ tìm kiếm.

7. Giảm số lượng trang bạn xem bằng cách sử dụng các từ khóa cụ thể.

8. Bookmark những website bạn thường xuyên lui tới để không phải mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm truy cập.

9. Thường xuyên sử dụng các ứng dụng giúp tối ưu hóa trên điện thoại thông minh của bạn. Chúng có thể giúp bạn thứ nhất, tắt tính năng chạy ngầm của rất nhiều ứng dụng và thứ hai, giúp dọn dẹp không gian bộ nhớ bị chiếm dụng một cách không cần thiết trong khi không xóa bất kỳ dữ liệu quan trọng nào của bạn.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn/Spiderum (28/10/2019)