Posts

Phát minh mới cho phép loại bỏ hóa chất vĩnh cửu có trong nước

Các nhà khoa học tại Mỹ đã phát minh ra công nghệ có thể lọc bỏ được hầu hết hóa chất vĩnh cửu có trong nguồn nước.

Khói bụi trong không khí, nước mưa nhanh chóng trở nên không an toàn để ăn uống nữa. Và một số “hóa chất vĩnh cửu” (những hóa chất không phân hủy trong môi trường) cũng tiếp tục tăng đến mức không an toàn trên khắp thế giới.

Trước tình hình đó, các nhà khoa học luôn cố gắng tìm ra giải pháp. Mới đây, một phương pháp xử lý hóa chất vĩnh cửu đã được tìm ra nhằm loại bỏ những chất độc này. Thường được biết đến với tên khoa học là nhóm hóa chất tổng hợp gồm perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl, viết tắt là PFAS, hóa chất vĩnh cửu là một nhóm gồm hàng nghìn hóa chất tổng hợp được sử dụng trong gần như tất cả mọi thứ con người chế tạo ra.


Công nghệ giúp loại bỏ 99% hóa chất độc hại trong nguồn nước.

Vì thế, gần như không thể tránh khỏi việc chúng xâm nhập vào nguồn nước, đất, không khí, thậm chí cả trong máu. Mặc dù chúng không thực sự tồn tại mãi mãi, nhưng tên gọi đó được đặt cho chúng bởi vì chúng gần như không phân hủy và nhiều vô tận.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa các hóa chất này với một số vấn đề sức khỏe, trong đó có huyết áp cao và bất thường trong sinh sản. Do đó, các nhà khoa học nhận thấy cần phải tìm ra cách xử lý, loại bỏ hóa chất vĩnh cửu ra khỏi nguồn nước, và một công nghệ mới ra đời có thể làm được việc này.

Phương pháp xử lý nước mới được phát minh bởi các nhà nghiên cứu ở Trường đại học British Columbia, Mỹ có thể là giải pháp hiệu quả giúp loại bỏ chất độc hại có trong nước tự nhiên.

Cách hoạt động của nó là dùng một vật liệu có nguồn gốc silica có khả năng hút đến 99% hóa chất vĩnh cửu tìm thấy trong nước. Sau đó, các hóa chất vĩnh cửu được tách ra khỏi vật liệu này và như vậy chúng ta có thể sử dụng lại vật liệu này cho các lần sau. Qua nghiên cứu, phương pháp này vô cùng hiệu quả.

Nhóm nghiên cứu dự định trong những tháng tới đây sẽ thí nghiệm để tìm ra khả năng lọc tối ưu của vật liệu này. Họ hy vọng các thí nghiệm sẽ mất 6 tháng để hoàn thành. Nếu thành công, họ sẽ đưa ra phương pháp xử lý vĩnh viễn để giữ cho các chất độc không vượt quá tầm kiểm soát.

Công nghệ xử lý nước mới được kỳ vọng sẽ cùng với các giải pháp lọc nước hiện có giúp loại bỏ hóa chất vĩnh cửu nguy hại cho sức khỏe con người, từ đó giúp chúng ta giải quyết được vấn đề thiếu nước sạch đang diễn biến ngày càng trầm trọng ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay.

Bảo Linh (t/h)
https://vietq.vn/phat-minh-moi-cho-phep-loai-bo-cac-hoa-chat-vinh-cuu-co-trong-nuoc-d211353.html

Công nghệ đột phá giúp làm sạch nguồn nước trên toàn cầu

Loại màng rây siêu mỏng mới được phát triển có thể hoàn toàn tách các ion độc hại khỏi nước như chì, thủy ngân, qua đó mở ra triển vọng làm sạch nguồn nước trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu Australia đã phát triển được loại màng rây siêu mỏng mới có thể hoàn toàn tách các ion độc hại khỏi nước như chì, thủy ngân, qua đó mở ra triển vọng làm sạch nguồn nước trên toàn cầu thông qua biện pháp lọc và các quy trình khử muối.

Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Science Advances.

Nhóm nghiên cứu do Đại học Monash và Tổ chức Khoa học và công nghệ hạt nhân Australia đứng đầu đã phát triển màng rây phân tử sử dụng các tấm nano cấu trúc hai chiều.

Các tấm nano này có thể giúp loại bỏ các chất độc hại gây ung thư trong không khí thông qua việc tạo ra các màng rây, thúc đẩy quá trình tách khí và loại bỏ các chất dung môi hữu cơ như sơn.

Trưởng nhóm nghiên cứu Xiwang Zhang cho biết trong công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới này, các nhà khoa học đã có thể tạo ra tấm màng thấm nước, mà vẫn lọc được gần như 100% các ion. Nghiên cứu mở ra tiềm năng trong việc ứng dụng các tấm màng kiểu này vào các quy trình lọc khác trong tương lai, chẳng hạn như tách khí.

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trung bình trên toàn cầu cứ ba người thì có một người không được tiếp cận nước sạch.

Theo Đại học Monash, sáng kiến về màng lọc mới có thể giúp thúc đẩy quá trình khử muối và chuyển đổi nước bẩn thành nước sạch cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

Nghiên cứu cho thấy màng lọc đã hoạt động ổn định trong hơn 750 giờ đồng hồ với nguồn năng lượng giới hạn. Chúng cũng có thể được sản xuất trên quy mô toàn cầu sau khi được thử nghiệm kỹ hơn./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/cong-nghe-dot-pha-giup-lam-sach-nguon-nuoc-tren-toan-cau/644539.vnp