Thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trước cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới
Ngoài việc hoàn thiện cơ chế chính sách về định giá carbon, thì doanh nghiệp cũng chịu áp lực rất lớn để hoàn thiện quy trình sản xuất công nghệ xanh và thực hiện báo cáo về kiểm kê phát thải, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất đầu vào của doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, EU sẽ thí điểm CBAM trong giai đoạn 2023 – 2025 với 6 loại mặt hàng bao gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, năng lượng điện và hydrogen. Trong gian đoạn thí điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU chưa cần trả phí mà chỉ phải kê khai/báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa xuất khẩu của họ. Do vậy, trong ngắn hạn thì thuế carbon của EU có thể chưa tác động ngay, chưa tác động trực tiếp đến hàng hóa của Việt Nam vào EU.
Tuy nhiên, từ 2026 trở đi và trong dài hạn, khi các biện pháp tài chính được áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa trong danh mục chịu thuế sẽ phải trả tiền mua thêm tín chỉ, với giá cả dựa vào giá hàng tuần trên thị trường tín chỉ carbon của EU. Điều này sẽ gây bất lợi về năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi mà chi phí sản xuất cao hơn, giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường châu Âu.
Doanh nghiệp cần hoàn thiện quy trình sản xuất công nghệ xanh. Ảnh minh họa
Do đó, tác động của CBAM đến sản lượng xuất khẩu là điều chắc chắn, trước tiên là mặt hàng thép và xi măng do suất phát thải lớn (EU là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam). Theo báo cáo đánh giá tác động của thuế carbon lên 3 quốc gia gồm Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ do World Bank thực hiện vào tháng 5/2021 loại thuế này sẽ làm tăng 36 tỷ USD chi phí mỗi năm của 3 mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường châu Âu (thép, xi măng và nhôm).
Trên bình diện chung, tác động của thuế carbon đối với sản lượng xuất khẩu phụ thuộc vào một số yếu tố như độ co giãn của cầu hàng hóa, sự sẵn có của hàng hóa thay thế và mức độ mà doanh nghiệp sản xuất có thể chuyển chi phí thuế sang người tiêu dùng. Cũng cần lưu ý rằng, trong tương lai, có thể có nhiều quốc gia tiếp cận theo hướng này và mở rộng sang nhiều mặt hàng khác, nên đây cũng là xu hướng mà các doanh nghiệp cần tính đến từ đầu ngay trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược sản xuất.
Giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trước cơ chế điều chỉnh carbon
Để thích ứng với xu thế chung trên toàn cầu trong đó có cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), các lĩnh vực có mặt hàng nằm trong danh mục chịu thuế hay không thì đều phải có được một sự nhận thức rất rõ về các quy định, yêu cầu của thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu. Ví dụ, đối với nhóm hàng hóa phức tạp, để tính thuế suất, EU sẽ tính đến cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào, vì thế doanh nghiệp cần phải nhận thức được việc sẽ phải có trách nhiệm kiểm kê, báo cáo chi tiết về nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ chứ không chỉ dừng lại ở việc báo cáo phát thải trong quá trình sản xuất.
Tiếp đó, quy trình xanh hóa sản xuất là xu hướng bắt buộc thông qua việc chuyển đổi, đầu tư vào các công nghệ/thực hành sản xuất sạch hơn, giảm các chi phí cấu thành nên sản phẩm, đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng và các nguồn năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời và điện gió để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều đó có thể giúp giảm chi phí sản xuất, giảm lượng khí thải carbon trong sản phẩm của doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh về lâu dài.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nói riêng và các bên liên quan nói chung cần hợp tác và đối thoại với EU để đảm bảo CBAM được thực thi theo cách công bằng và bình đẳng; hợp tác với tổ chức chứng nhận thứ ba để xác minh tính chính xác về hàm lượng carbon trong báo cáo của doanh nghiệp Việt Nam.
Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/thach-thuc-doi-voi-cac-doanh-nghiep-viet-nam-truoc-co-che-dieu-chinh-carbon-xuyen-bien-gioi-d213844.html