Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH
Tại Lễ ký thỏa ước tín dụng giữa Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam và Bộ Tài chính cho kỳ thứ 4 của “Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu” (SP-RCC) diễn ra mới đây. Pháp cam kết sẽ cho Việt Nam vay ưu đãi 20 triệu euro nhằm hỗ trợ ngân sách cho SP-RCC.
Đây là khoản hỗ trợ ngân sách lần thứ 4 của chương trình SP-RCC, qua đó đưa tổng cam kết hỗ trợ ngân sách của AFD cho Việt Nam với chương trình này lên mức 80 triệu euro.
Đồng bằng sông Cửu Long là địa phương hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án hỗ trợ của Pháp (Ảnh: Báo Công Thương)
Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất bởi những hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH). Với những tác động của BĐKH, mực nước biển cứ dâng lên 1m sẽ ảnh hưởng tới gần 5% đất đai của Việt Nam, 11% dân số, 7% đất nông nghiệp và làm giảm 10% tổng sản phẩm quốc nội. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung là những địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong bối cảnh này, từ năm 2009, AFD và JICA (Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản) là những đối tác phát triển đầu tiên đề xuất chương trình cấp hỗ trợ ngân sách Chính phủ Việt Nam, nhằm hỗ trợ các hành động ứng phó với BĐKH. Sau đó, nhiều đối tác phát triển khác đã tham gia chương trình: Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển quốc tế Canada, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Cơ quan phát triển quốc tế Australia…
Chương trình SP-RCC được thông qua vào tháng 12/2008 đã cho phép tạo dựng một khung đối thoại giữa các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam xoay quanh chủ đề ứng phó với BĐKH, về các mặt thích ứng cũng như giảm nhẹ. Điều kiện của hỗ trợ ngân sách SP-RCC là triển khai các chính sách công và cải cách để ứng phó hiệu quả với BĐKH và thúc đẩy phát triển các bon thấp. |
Cho đến nay, ứng phó với BĐKH vẫn là một trong những định hướng chiến lược hoạt động của AFD tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2006 – 2013, AFD đã dành cho Việt Nam các khoản tài trợ với tổng số tiền 382 triệu euro cho 14 dự án phát triển, góp phần ứng phó với BĐKH, bao gồm các dự án về giao thông công cộng, năng lượng và thích ứng với những tác động của BĐKH như: chống lũ lụt, thủy lợi, nông nghiệp bảo tồn. Trong đó, các lĩnh vực phát triển đô thị, năng lượng, nông nghiệp và quản lý nguồn nước được AFD chú trọng nhiều nhất.
Song song với khoản hỗ trợ ngân sách, AFD còn dành cho Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật góp phần xác định các mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành thép và lập kế hoạch hành động về hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà của thành phố Đà Nẵng, hay các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm Pháp – Việt về theo dõi chi tiêu công dành cho khí hậu và năng lượng tái tạo. Nhiều hoạt động trong phạm vi chương trình SP-RCC có thể được Việt Nam giới thiệu trong quá trình chuẩn bị hội nghị các bên về khí hậu lần thứ 21 (COP 21 sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 12 năm 2015).
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung – Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng trái đất nóng lên và BĐKH, khoản tài trợ thứ tư cho chương trình SP-RCC thể hiện nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Pháp và AFD nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện những mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược tăng trưởng xanh.
Tại buổi lễ, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier nêu rõ, BĐKH là mối quan tâm của các nước trên thế giới nói chung và giữa Pháp và Việt Nam nói riêng. Lĩnh vực này đã được thực hiện hiệu quả kể từ khi dự án được khởi động cho đến nay. Bởi vậy, Đại sứ cam kết, Chính phủ Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực chống BĐKH.
Viêt Anh
Theo Việt Anh/Báo Công Thương