OPEC: Ai sẽ chiến thắng trong chuyển đổi năng lượng toàn cầu?

Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal) mới đây đã có bài viết phân tích về dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đối với tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

OPEC dự báo, sẽ rất khó có người chiến thắng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Tổ chức này nhấn mạnh, OPEC sẽ tăng đáng kể ảnh hưởng của mình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong hai thập kỷ tới. Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal) mới đây đã có bài viết phân tích về dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đối với tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Trong báo cáo thường niên về xu hướng năng lượng dài hạn mới đây, OPEC cho biết, tổ chức này kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng ổn định trong hai thập kỷ tới. OPEC dự báo, các thành viên của mình sẽ chiếm 39% tổng sản lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu (tăng từ 33% hiện nay) đến năm 2045. Bên cạnh đó, OPEC nhận định, khu vực Trung Đông (nơi có hai nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC là KSA và UAE) sẽ xuất khẩu 57% lượng dầu thô khai thác của thế giới vào năm 2045 (tăng từ 48% vào năm 2019).

Ảnh: Shutterstock

Theo báo cáo, thị phần của OPEC sẽ tăng lên do sản lượng của một số nhà sản xuất lớn, bao gồm Mỹ sẽ sụt giảm trong bối cảnh đầu tư vào phát triển các dự án dầu khí mới giảm. Nguồn cung dầu thô ngoài OPEC được dự báo sẽ ổn định và đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này. Báo cáo cũng cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2045 so với mức của năm 2019.

Những dự báo nêu trên đều nằm trong những tính toán chặt chẽ của OPEC. Nhiều giám đốc điều hành và các nhà phân tích thị trường cho rằng, việc các nền kinh tế phát triển thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng phát thải carbon thấp không tạo ra động lực lớn. Bất chấp sự chuyển đổi đó, nhu cầu về dầu và khí đốt thiên nhiên dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới. Trong ngắn hạn, điều này mang lại những lợi ích tiềm năng cho các bên không cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô và khí đốt.

Các nhà phân tích của IEA cho rằng, OPEC sẽ đóng vai trò quan trọng hơn đối với các thị trường dầu mỏ. Bằng cách tăng thị phần của mình trên thị trường dầu toàn cầu, tổ chức này cũng sẽ tăng cường sức mạnh của mình trong việc tác động đến giá dầu thô. Không giống như hầu hết các nhà sản xuất, KSA và một số thành viên OPEC luôn có công suất khai thác dự phòng. Điều này có nghĩa là, trữ lượng dầu có thể nhanh chóng được bơm ra khỏi lòng đất, cho phép các quốc gia này điều chỉnh biên độ tăng, giảm sản lượng tùy ý trong thời gian ngắn, phụ thuộc vào nhu cầu dầu toàn cầu. Hoạt động sản xuất sẽ giống như một ngân hàng trung ương trên thị trường dầu mỏ. Ví dụ gần đây, trong tháng 8/2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã kêu gọi OPEC đẩy nhanh các kế hoạch tăng sản lượng dầu thô để giúp đáp ứng nhu cầu gia tăng tại Mỹ sau đại dịch Covid-19. Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh giá xăng tại Mỹ đang tăng mạnh. Tuy nhiên, OPEC từ chối tăng sản lượng hơn nữa. Điều này đã góp phần thúc đẩy giá dầu thô Brent trong ngày 28/09 có thời điểm đã chạm ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Với thị phần hiện có trong cơ cấu tiêu thụ dầu toàn cầu, OPEC đang sử dụng một nhóm các nhà kinh tế chuyên nghiệp – những chuyên gia chuyên phân tích dữ liệu từ các nước thành viên và các nguồn bên ngoài OPEC. Thường kỳ hàng tháng, nhóm này sẽ công bố nhiều báo cáo đánh giá, phục vụ các quan chức của OPEC tham khảo để đưa ra những quyết định về sản lượng.

Cũng trong báo cáo của mình, OPEC dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 28%, lên mức 108,2 triệu thùng/ngày trong vòng hai thập kỷ tới (từ mức 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019). OPEC nhận định, sản lượng chung của tổ chức trong khoảng thời gian này sẽ tăng hơn 23% để đảm bảo mức giá “dễ chịu” cho ngân sách của các nước thành viên. Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng, hầu hết nhu cầu dầu thô mới sẽ gia tăng chủ yếu tại các nước đang phát triển. Nhu cầu tại đây dự kiến sẽ tăng 52% đến năm 2040.

Ngoài ra, OPEC cũng dự báo, hai loại hình năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng thị phần lên 4 lần trên thị trường toàn cầu và sẽ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu năng lượng của thế giới vào năm 2045 (tăng so với mức 2,5% hiện nay). Điều này sẽ ảnh hưởng chung đến hoạt động của OPEC trên thị trường năng lượng, song sự thay đổi được dự báo là không lớn. Đến năm 2045, vai trò tổng thể của dầu mỏ như một nguồn năng lượng sẽ sẽ chiếm thị phần tới 28%, chỉ giảm 2% so với mức 30% hiện nay. Khí đốt thiên nhiên sẽ tăng thị phần từ 23% lên 24,4%.

Đáng chú ý là báo cáo của OPEC được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về khí hậu (COP26) sắp tới. Nhiều quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải để làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra.

Chính phủ các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ, trong đó có Mỹ, đã cam kết cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách gia tăng sử dụng các nguồn NLTT như năng lượng gió và mặt trời. IEA cho biết, việc đạt mục tiêu trung hòa carbon sẽ là “chìa khóa” để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C. Đầu năm nay, Liên hợp quốc đã kêu gọi chính phủ các nước cần phải ngừng ngay lập tức đầu tư vào hydrocarbon để không phát thải ròng đến năm 2050.

Ngược lại, OPEC lại cho rằng, thế giới cần đầu tư gần 12 nghìn tỷ USD đến năm 2045 để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch dự kiến và bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ dầu khí hiện nay. Nếu không có sự đầu tư này, thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ giá dầu tăng cao. OPEC cho biết thêm, việc cắt giảm đầu tư đối với ngành công nghiệp dầu mỏ là một trong những thách thức lớn. Nếu không có các khoản đầu tư cần thiết, thị trường sẽ chứng kiến sự biến động lớn.

Tiến Thắng
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/opec-ai-se-chien-thang-trong-chuyen-doi-nang-luong-toan-cau-627902.html