Triển khai sớm nhưng chưa hiệu quả
Theo ông Đào Thanh Tân – Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường Sở Công Thương Ninh Bình, ngay từ khi Bộ Công Thương chưa có các hoạt động liên quan đến SXSH thì đã có một số đơn vị của tỉnh tự tìm hiểu và triển khai SXSH. Vì thế, khi Bộ Công Thương triển khai Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) tại Ninh Bình vào năm 2009, lúc đó tỉnh đã có 7 đơn vị tiếp cận và triển khai SXSH. Mặc dù nguồn hỗ trợ của CPI rất nhỏ (30 triệu đồng năm 2010 và 50 triệu đồng năm 2011), nhưng Ninh Bình cũng đã nỗ lực triển khai khá nhiều hoạt động về SXSH như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản các bản tin chuyên đề về SXSH; tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức và các khóa tập huấn kỹ thuật SXSH cho hàng trăm lượt cán bộ thuộc các cơ sở công nghiệp trên địa bàn. Giai đoạn này, các doanh nghiệp triển khai báo cáo thì một số đạt kết quả tốt, nhưng cũng khoảng một nửa số doanh nghiệp cho kết quả trung bình, chưa như mong đợi.
Bắt đầu từ năm 2012, Ninh Bình phải sử dụng nguồn kinh phí địa phương duy trì việc tuyên truyền về SXSH trên các phương tiện truyền thông. Tỉnh giao Sở Công Thương làm đầu mối về SXSH, triển khai các công việc với 2 cán bộ đã được đào tạo cơ bản về SXSH. Hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở đã thành lập Phòng Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn, nhưng hiện cán bộ còn đang rất thiếu và yếu, nên Sở đang có kế hoạch cử thêm cán bộ tham gia vào các lớp tập huấn về SXSH do Bộ Công Thương, hoặc các đơn vị tư vấn tổ chức để nâng cao trình độ cán bộ về lĩnh vực này.
Không phê duyệt quyết định riêng cho SXSH, Ninh Bình chỉ lồng ghép vào Chương trình Khuyến công (Tháng 5/2015, Ninh Bình ra Quyết định số 499/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020), trong đó có chương trình hỗ trợ SXSH từ nay đến năm 2020 là 3,37 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn khác.
Tích cực triển khai kế hoạch
Dù tiếp cận với SXSH từ rất sớm, nhưng theo ông Đào Thanh Tân, đến thời điểm này, Ninh Bình vẫn mới tập trung nâng cao nhận thức và hỗ trợ đánh giá nhanh cho các doanh nghiệp. Vì việc đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ đều cần số vốn nhất định nên các doanh nghiệp khó có khả năng đáp ứng. Dù vậy, Sở Công Thương cũng cố gắng thu xếp dành nhiều hơn các hoạt động nhằm thúc đẩy SXSH trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Năm 2015 này, ngoài lớp tập huấn vừa tổ chức xong cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, cuối năm Sở sẽ tổ chức tập huấn chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể tại làng đá Ninh Vân.
Mặt khác, Sở Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ triển khai áp dụng các giải pháp SXSH vì doanh nghiệp cần thực sự đáp ứng được yêu cầu về nguồn vốn đối ứng.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ tích cực tham gia các khóa tập huấn mà Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn của đội ngũ cán bộ phụ trách SXSH; đồng thời sẽ nhờ thêm các chuyên gia của các công ty tư vấn chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm hỗ trợ thêm. Song song đó, Sở cũng lên kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, tiến tới chủ động công tác đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn về kiến thức, kỹ năng đánh giá nhanh SXSH nhằm tìm các giải pháp phù hợp với đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Nhà máy Xi măng Duyên Hà:
Mong hỗ trợ thông tin SXSH
Nhà máy hiện đang tự triển khai các giải pháp SXSH. Tuy nhiên, việc này chưa được đầu tư một cách có hệ thống mà mới chỉ là nhìn thấy cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm và cảm nhận hiệu quả thông qua con số thống kê.
Chúng tôi mong sự hỗ trợ thông tin để biết, những gì chúng tôi đã và đang làm có phải là SXSH không? còn phải áp dụng những gì để tiếp tục duy trì và thu được kết quả tốt hơn khi áp dụng các giải pháp SXSH, nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Hay làm thế nào để tiếp cận được các nguồn vốn, hay phải đáp ứng các tiêu chí nào mới được hỗ trợ vốn triển khai SXSH… Có được những thông tin như vậy tôi nghĩ sẽ thiết thực hơn với doanh nghiệp.
Ông Lê Hải Nam – Kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật Công ty CP Phân lân Ninh Bình:
Không ngừng cải tiến thiết bị để SXSH
Trước khi tiếp cận với các dự án SXSH mà Bộ Công Thương đưa ra, Công ty CP Phân lân Ninh Bình đã xây dựng chiến lược SXSH cho từng giai đoạn, áp dụng nhiều giải pháp và không ngừng cải tiến thiết bị để SXSH và thân thiện môi trường. Vì vậy, Công ty rất tạo điều kiện để cán bộ kỹ thuật tham gia các khóa học, trang bị kiến thức, kỹ năng về SXSH và mời các chuyên gia về giảng dạy trực tiếp tại nơi sản xuất. Nhờ đó, tuy đầu tư nhiều, Công ty vẫn đảm bảo vận hành hiệu quả, sản xuất đạt năng suất cao và ổn định.
Chúng tôi mong tiếp cận được thêm những thông tin mới, học thêm nhiều kỹ năng về đánh giá và áp dụng các giải pháp SXSH để từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất tại Công ty.