Ngành thuộc da: Áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) để giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Năm 1912, công nghiệp thuộc da ở Việt Nam được hình thành. Khi đó có 35 doanh nghiệp, 62% là doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa. Nguyên liệu chính là da trâu bò (chiếm 70%), da heo và 1 lượng ít da dê, da trăn, rắn, cá sấu, đà điểu, được nhập khẩu tới 70-80% từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức. Sản phẩm là da thuộc. Năm 2013, năng lực sản xuất trong nước là 350 triệu sqtf/năm, 60% phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Ảnh: nguồn internet
Ngành thuộc da thải ra môi trường rất nhiều chất thải rắn, chất thải khí và nước thải. Đối với chất thải rắn, hiện trạng là bạc nhạc, lông, da vụn, mùn bào, diềm da, vụn da chứa Crom (Cr) độc hại gây mùi khó chịu. Đối với loại chất thải này hầu hết các doanh nghiệp thu gom rồi chuyển qua cho công ty môi trường đô thị địa phương xử lý để làm phân bón, thức ăn gia súc… nhưng chưa được áp dụng rộng rãi. Các chất thải khí thì cụ thể là phân huỷ các chất hữu cơ như khí thải H2S, NH3, VOC gây mùi hôi khó chịu vô cùng. Giải quyết vấn đề này, phần lớn các doanh nghiệp áp dụng biện pháp thông thoáng nhà xưởng, một số ít cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý khí. Còn đối với nước thải với đặc trưng là mùi hôi rất khó chịu, BOD, COD, Cr, chất rắn lơ lửng (SS) gấp nhiều lần các quy chuẩn cho phép, các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải cao, chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải (máy móc thiết bị, hoá chất, nhân công…) rất tốn kém. Bên cạnh đó vẫn có những doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống này không vận hành thường xuyên nên xử lý không hiệu quả.
Da là động vật hữu cơ tự nhiên, không đồng nhất, cấu tạo cơ bản các axit amin. Cấu tạo của da gồm: lớp lông, lớp da giấy, lớp da cật, lớp bạc nhạc. Trong quá trình sản xuất, phải sử dụng dung môi phân cực mạnh, có khả năng hoà tan nhiều chất. Nước là nguyên liệu thiết yếu cho quá trình thuộc da, tham gia trực tiếp vào hầu hết các công đoạn sản xuất. Người ta đã có đánh giá về mức tiêu hao nước trong ngành thuộc da giữa các nước như sau: Pakistan: 60m3/tấn, Đông Nam Á: 30m3/tấn, Việt Nam: 35-40 m3/tấn, các nước tiên tiến là 15-20 m3/tấn. Ngành thuộc da còn gây ô nhiễm cho không khí bao gồm khí VOC, CO, NOx, SO2, và bụi từ lò hơi, NH3, H2S, SO2 và các hợp chất chứa N, S phát sinh từ công đoạn hồi tươi, tẩy lông, ngâm vôi, thuộc da… dẫn đến mùi hôi rất khó chịu. Hơi axit dễ bay hơi, hơi dung môi VOC từ công đoạn hoàn thiện, sơn. Rồi tiếng ồn từ hoạt động của máy nạo thịt, máy cán ép nước, thùng quay, máy tia…
Nắm được đặc điểm sản xuất của ngành thuộc da, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể có cơ hội áp dụng SXSH vào quy trình tuần hoàn và tái sử dụng. Đối với khâu thu hồi muối trước khi hồi tươi, cần phải giũ muối bằng tay hoặc thiết bị lắc, khả năng thu hồi được 30% lượng muối là rất cao, đồng thời giảm lượng nước sử dụng, hoá chất, giảm lượng ô nhiễm. Trong khâu tuần hoàn dung dịch tẩy lông, ngâm vôi, nước được sử dụng là 9-15 m3, lọc tách các chất cặn, vôi, mỡ và bổ sung thêm hoá chất mới để sử dụng lại. Đồng thời có cơ hội giảm 50% lượng nước sử dụng, tiết kiệm 2-30% hoá chất, giảm được chi phí xử lý nước thải. Trong quá trình thuộc da sẽ thừa ra một số vụn da chứa Cr, những mẩu vụn da này có thể hoà tan với kiềm trở thành dung dịch hoà tan của Protein, dung dịch này có thể sản xuất keo, gelatin, thức ăn chăn nuôi gom thu hồi tái sử dụng trong quá trình thuộc da. Tỷ lệ protein thu hồi là 60-70%.
Cơ hội SXSH cũng có thể đến với doanh nghiệp qua phương pháp thay đổi công nghệ, cụ thể là thay đổi phương pháp tẩy lông, xẻ da trước khi ngâm vôi lại và thay đổi phương pháp thuộc da. Đối với việc thay đổi phương pháp tẩy lông có thể áp dụng tẩy lông không huỷ nhằm thu hồi lông để sản xuất thảm, vật liệu cách điện, vật trang trí, phân bón, đồng thời loại bỏ chất ô nhiễm vào nước. Hoặc cũng có thể sử dụng chế phẩm enzym nhằm giảm đi 50-70% lượng Na2S, ô nhiễm trong nước thải giảm khoảng 30-50%, da thành phẩm đàn hồi tốt hơn. Đối với khâu xẻ da trước khi ngâm vôi lại, cần bào, nạo thịt, xẻ theo một mức độ thích hợp, rồi ngâm vôi, có thể tiết kiệm hoá chất, năng lượng và thời gian thuộc.
Về quản lý nội vi trong ngành thuộc da, cần xác định chính xác trọng lượng da ở từng công đoạn bằng cách: cân chính xác lượng da trong mỗi công đoạn; tính toán lượng nước và hoá chất; nâng cao chất lượng da thuộc; hạn chế sự lãng phí nguyên liệu, hoá chất, giảm lượng nước thải…
Theo Đào Thu – Bản tin Công nghiệp xanh