Liên minh châu Âu sắp công bố dự thảo quy định về trí tuệ nhân tạo
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã chuẩn bị đề xuất này suốt hơn một năm qua, và các tập đoàn công nghệ lớn lo ngại rằng EU sẽ có định nghĩa quá rộng về AI.
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ công bố một đề xuất về các quy định đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vào tuần tới.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã chuẩn bị đề xuất này suốt hơn một năm qua, và các tập đoàn công nghệ lớn lo ngại rằng EU sẽ có định nghĩa quá rộng về AI.
Những quy định này nằm trong nỗ lực của EU trong việc quản lý lĩnh vực AI và bắt kịp Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực trải dài từ nhận diện giọng nói đến bảo hiểm và thi hành luật pháp này.
Quy định dự thảo này sẽ cấm việc giám sát chung đối với người dân, cũng như bất cứ công nghệ nào được dùng để thao túng hành vi, quan điểm hay quyết định của công dân.
Ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự không nằm trong phạm vi điều chỉnh của các quy định này.
Các hành vi vi phạm quy định nói trên, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có thể khiến các doanh nghiệp bị phạt lên đến 4% doanh thu toàn cầu.
Để khuyến khích đổi mới, Brussels cũng muốn cung cấp một khung pháp lý rõ ràng cho các công tỷ ở cả 27 nước thành viên của khối.
Để đạt được điều này, quy định dự thảo cho biết các công ty sẽ yêu cầu có một sự thẩm định đặc biệt đối với các ứng dụng được cho là “có nguy cơ cao” trước khi được phép tung ra thị trường.
Các hệ thống có nguy cơ cao là những hệ thống có “chức năng nhận diện người dân ở những nơi công cộng từ khoảng cách xa thông qua các đặc điểm sinh trắc học,” cũng như “những yếu tố về an ninh trong các cơ sở hạ tầng công cộng quan trọng.”
Ngoài ra, các ứng dụng không được xem là “có nguy cơ cao” sẽ không phải chịu thêm các quy nào khác ngoài các quy định hiện hành.
Google và các tập đoàn công nghệ lớn khác đang rất quan tâm đến chiến lược AI của EU, vì châu Âu thường là nơi đặt ra tiêu chuẩn về cách thức quản lý công nghệ trên toàn thế giới.
Năm ngoái, Google cảnh báo định nghĩa của EU về AI là quá rộng và Brussels phải tránh việc kiểm soát quá mức đối với một công nghệ quan trọng nào đó.
Dự thảo quy định nói trên phải được các nước thành viên phê chuẩn và có được sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu mới có thể được áp dụng./.
Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/lien-minh-chau-au-sap-cong-bo-du-thao-quy-dinh-ve-tri-tue-nhan-tao/705987.vnp