Liên hợp quốc kêu gọi ngăn tình trạng Trái Đất nóng lên
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 13/4 đã ra tuyên bố hoan nghênh những kết luận được đưa ra trong Bản báo cáo mới nhất của nhóm các chuyên gia liên chính phủ, liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất.
Tuyên bố của ông Ban Ki-moon nêu rõ tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (tên gọi chung của một số loại khí trong thành phần khí quyển gồm hơi nước (H20), điôxít cácbon (CO2), oxítnitơ (N20), mêtan (CH4) và chlorofluorocacbon (CFC)… trong tầng thấp của khí quyển, khoảng 25km từ mặt đất đến tầng đối lưu) tiếp tục tăng rất nhanh trong những năm vừa qua, làm cho nhiệt độ Trái Đất không ngừng tăng lên, gây hiện tượng biến đổi khí hậu ngày một trầm trọng hơn.
Theo tính toán của các nhà khoa học, trong thập niên vừa qua, mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng tới mức chóng mặt, nhanh hơn mức trung bình của ba thập kỷ trước đó. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc sử dụng quá mức nguồn năng lượng hóa thạch để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế và cuộc sống của con người do sự gia tăng dân số trên thế giới.
Ông Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới và tất cả mọi người đang sinh sống trên Trái Đất cùng lắng nghe những lời cảnh báo của giới chuyên gia và các nhà khoa học, sớm có ngay những biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng Trái Đất đang tiếp tục nóng lên, mà theo tính toán, đã tăng thêm 2 độ C trong thời gian vừa qua.
Ông hoan nghênh khuyến cáo của các nhà khoa học, được nêu trong bản báo cáo trên, cho rằng mỗi một hành động được thông qua kịp thời vào lúc này nhằm giảm bớt sự gia tăng của khí thải nhà kính, sẽ tránh cho loài người phải trả giá đắt hơn về môi trường sống trong tương lai.
Nhóm các chuyên gia liên chính phủ xác nhận để giữ được nhiệt độ trung bình trên Trái Đất như hiện nay vào giữa thập kỷ này, con người phải giảm được từ 40% đến 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2010.
Theo các nhà khoa học, hiện có nhiều khả năng và biện pháp để thực hiện được mục tiêu này, trước hết, phải áp dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến và những tiến bộ khoa học vào các ngành sản xuất trên cơ sở giảm bớt tối thiểu việc sử dụng năng lượng hóa thạch, nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế phục vụ lợi ích con người.
Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nhắc lại lời mời các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo các chính phủ là thành viên của Liên hợp quốc dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu Trái Đất, dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 10 năm nay tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, My.
Ông hy vọng những người tham dự diễn đàn này sẽ thể hiện quyết tâm cao nhất, có những đóng góp tích cực nhất để đến năm 2015 sẽ cùng nhau ký một Hiệp định mang tính pháp lý toàn cầu về khí hậu Trái Đất.
Theo VietNamPlus