Kiểm kê khí nhà kính: Lộ trình thực hiện
Kiểm kê khí thải nhà kính được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào năm 2050. Theo đó, từ năm 2025, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Kiểm kê khí nhà kính là gì?
Kiểm kê khí nhà kính là quá trình rà soát, tính toán các nguồn phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong phạm vi ranh giới xác định theo hướng dẫn đã được ban hành của Uỷ ban liên Chính phủ năm 2006 và các hướng dẫn hiện hành mới nhất được công bố. Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và tạo nền tảng để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý.
Doanh nghiệp nào phải kiểm kê khí nhà kính và lộ trình thực hiện?
Theo Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022, quy định cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
- Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;
- Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31/12 của kỳ báo cáo.
Còn theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, các đơn vị có mức phát thải khi nhà kính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, thuộc 6 lĩnh vực sau phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính: (i) năng lượng; (ii) giao thông vận tải; (iii) xây dựng; (iv) các quá trình công nghiệp; (v) nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; và (vi) chất thải.
Cụ thể, 1.912 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định phải:
- Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3 kể từ năm 2023;
- Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025 để thẩm định;
- Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.
Quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương
Theo Thông tư số 38/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 11/2/2024, quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương được thực hiện theo 8 bước sau:
- Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
- Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
- Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở
- Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
- Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
- Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
- Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
- Xây dựng Báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
VNCPC