“Khu c\u00f4ng nghi\u1ec7p sinh th\u00e1i \u1edf Vi\u1ec7t Nam: C\u01a1 h\u1ed9i, th\u00e1ch th\u1ee9c v\u00e0 r\u00e0o c\u1ea3n ph\u00e1t tri\u1ec3n”
Đó là chủ đề của Hội thảo chuyên gia quốc tế lần thứ hai vừa diễn ra trong 2 ngày 08-09/2018, tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức, với sự tham gia của 120 chuyên gia quốc tế về lĩnh vực môi trường, sinh thái.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” (EGM) cho biết về tình hình phát triển của các KCN, KCX, KKT cả nước. Theo đó, từ năm 1991 đến nay, cả nước đã xây dựng 326 KCN, KCX với tổng diện tích đất tự nhiên gần 94 nghìn ha, thu hút trên 16.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 180 tỷ USD.
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án
Vụ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, các KCN đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thông qua việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam đã và đang tạo ra các thách thức đặt ra yêu cầu giải quyết cấp bách, như: Ô nhiễm KCN hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân xung quanh, tài nguyên thiên nhiên chưa được sử dụng hiệu quả; nhiều giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên chưa được ứng dụng; cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế; các dịch vụ trong KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao….
Ông Trần Duy Đông khẳng định, tiếp nối thành công của Hội thảo lần thứ 1 vào năm 2016 tại Quảng Nam, Hội thảo EGM lần thứ 2 lần này là diễn đàn để đại diện các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận, trao đổi để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam đã được quy định tại Nghị định 82.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, thay mặt cho Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), bà Lê Thanh Thảo – đại diện Quốc Gia – Văn phòng UNIDO Việt Nam chia sẻ rằng, hơn 2 năm về trước, khi Hội nghị Chuyên gia Quốc tế về KCNST lần thứ nhất được tổ chức, khái niệm về KCN sinh thái còn vô cùng mới mẻ với Việt Nam. Song, đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong nhiều khía cạnh liên quan đến phát triển KCN sinh thái.
Đáng kể nhất là việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 82 quy định về quản lý KCN và KKT vào tháng 5 năm 2018, trong đó thể chế hóa các khái niệm KCNST, cộng sinh công nghiệp, đưa ra các tiêu chí xác định KCNST, khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp áp dụng và phát triển theo mô hình KCNST.
“Một kết quả đáng khích lệ khác là sự tham gia tích cực và chủ động của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới và ứng dụng công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, giảm các nguồn gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên”, bà Lê Thanh Thảo chỉ rõ.
Cụ thể, đến nay, đã có 72 doanh nghiệp tham gia áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giúp giảm 24.882 tấn CO2, tiết kiệm 429.000 m3 nước và gần 18 triệu KwH điện mỗi năm. KCN Hòa Khánh là 1 trong 3 KCN thí điểm của dự án đã được Quỹ Môi Trường toàn cầu (GEF) lựa chọn là địa điểm tham quan cho đại biểu tham dự Đại hội đồng GEF lần thứ 6 tổ chức vào tháng 6 vừa qua tại Đà Nẵng.
Bà Lê Thanh Thảo – đại diện Quốc Gia – Văn phòng UNIDO Việt Nam
Bà Lê Thanh Thảo cũng khẳng định, 2018 là năm đặc biệt với UNIDO, đánh dấu 40 năm hợp tác kỹ thuật với Việt Nam. Thời gian qua, UNIDO đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và thông lệ thực hành tốt để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế và công nghiệp một cách bao trùm và bền vững.
Trong những năm tới, UNIDO cam kết vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và các bên có liên quan để hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh Công nghiệp 4.0, xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp bền vững, góp phần giúp Việt Nam đạt được những ưu tiên phát triển KT-XH của mình, thực hiện cam kết đối với Chương trình nghị sự 2030, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Đại diện cho lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Năng- Trưởng ban Quản lý các KCN- CX Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc gắn kết phát triển công nghiệp theo mô hình KCNST là hết sức cần thiết.
“Chúng tôi nhận thấy mô hình KCNST là phù hợp cho các KCN ở Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường của Thành phố. Việc thực hiện mô hình KCNST có thể mang đến lợi ích bền vững hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp và NLĐ thành phố nói riêng, thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung. Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng ký tham gia dự án KCN sinh thái, gồm KCN Hiệp Phước và KCN Lê Minh Xuân”, ông Nguyễn Hoàng Năng phát biểu.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết, với 28 bài thuyết trình của các đại biểu cùng các phiên thảo luận nhóm, các ý kiến tham gia đóng góp cho Hội thảo trong hai ngày qua đã giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp KCN, KKT có góc nhìn tổng thể hơn, thực tế hơn và rõ nét hơn về mô hình KCNST để các giải pháp chỉ đạo và thực thi KCNST hiệu quả.
Hội thảo chuyên gia quốc tế lần thứ hai KCN sinh thái ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và rào cản phát triển nằm trong nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và chính phủ Thụy Sỹ, thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ nhằm thực hiện thí điểm chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái tại Việt Nam.
Thông qua Dự án KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO thực hiện thí điểm sáng kiến KCN sinh thái tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ với mục tiêu đảm bảo 3 trụ cột của phát triển bền vững trong công nghiệp gồm: kinh tế, môi trường và xã hội.
Dự án đã đạt được kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về KCNST, thúc đẩy các doanh nghiệp trong các KCN đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn… Trên cơ sở các kết quả tích cực của sáng kiến KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý KCN và KKT, trong đó nêu rõ khái niệm, tiêu chí KCN sinh thái và phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc hướng dẫn phát triển KCN sinh thái.
Theo Nguyễn Hằng/kinhtevadubao.vn (9/11/2018)