Kêu gọi ngừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm tại Việt Nam
Tổ chức CHANGE cùng các liên minh quốc tế kêu gọi các ngân hàng của Singapore ngừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm tại Việt Nam.
Trong thông cáo phát đi ngày 08/02/2017, CHANGE cùng một liên minh lớn bao gồm những tổ chức môi trường quốc tế hàng đầu đại diện cho 896.341 người dân từ nhiều quốc gia đã ký vào một thư ngỏ kêu gọi những ngân hàng chủ chốt của Singapore bao gồm ngân hàng DBS, OCBC và UOB chấm dứt cung cấp tài chính cho những nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm cao tại khu vực Đông Nam Á và cùng hành động vì khí hậu. Liên minh này bao gồm Greenpeace, Walhi, Friends of the Earth, CHANGE, Market Forces, BankTrack và GreenID.
Vào ngày 26/01, Ngân hàng DBS (Singapore) đã kín đáo đưa ra một chính sách về khí hậu mới, hoàn toàn không loại trừ bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào trong danh sách “Unlucky 7” mà DBS có kế hoạch tài trợ ở Indonesia và Việt Nam.
Chính sách này cũng sẽ cho phép ngân hàng DBS tiếp tục hỗ trợ 7 nhà máy nhiệt điện than tiềm năng tại Việt Nam và Indonesia. Dự báo phát thải của những dự ántrên là khoảng 1,5 tỉ tấn CO2 trong toàn bộ quá trình hoạt động, tương đương với lượng phát thải của cả đất nước Singapore trong 30 năm.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Đó mới là tương lai của chúng ta, chứ không phải là những nguồn năng lượng gây ô nhiễm cũ rích đã bị phần còn lại của thế giới chối bỏ.
Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới người dân sinh sống tại hai quốc gia này, bao gồm những tổn hại tới sức khoẻ và sinh kế, thậm chí mạng sống. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Harvard về tử vong sớm do ô nhiễm than đá, tới năm 2030, Indonesia sẽ có 24.400 ca tử vong và Việt Nam sẽ có 19.220 ca.
Sự tham gia của DBS trong việc mở rộng ngành công nhiệp năng lượng than đá cũng ảnh hưởng tới nỗ lực của các quốc gia trên toàn cầu trong việc giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.
Như Chủ tịch Ngân hàng Thế giới – Kim Yong Jim đã phát biểu trong năm 2016: “Nếu Việt Nam tiếp tục sản xuất 40GW điện từ nhiên liệu hoá thạch, nếu toàn bộ khu vực Đông Á tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển nhiệt điện than như hiện nay, tôi nghĩ chúng ta “xong đời”. Ngân hàng DBS, với việc hỗ trợ tài chính cho nhiệt điện than với tổng công suất 9,4GW sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tới kết cục bi thảm này.
Bình luận về thông tin này, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE nói: “Có vẻ như ngân hàng DBS nghĩ rằng chỉ có người dân Châu Âu thì mới xứng đáng được hưởng không khí và năng lượng sạch, trong khi người dân ở Việt Nam và Indonesia thì phải chịu ô nhiễm và những công nghệ sử dụng nhiên liệu hoá thạch đã lỗi thời. Cái lối suy nghĩ theo tiêu chuẩn kép thế này thật sự là một điều xúc phạm đối với chúng tôi, những người mong muốn có cơ hội được phát triển sạch và tránh những sai lầm mà thế giới phương Tây đã mắc phải khi phải dùng năng lượng bẩn.”
“Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Đó mới là tương lai của chúng ta, chứ không phải là những nguồn năng lượng gây ô nhiễm cũ rích đã bị phần còn lại của thế giới chối bỏ”
Hindun Mulaika, Trưởng nhóm Chiến Dịch Khí hậu và Năng Lượng, Greenpeace Đông Nam Á – Indonesia nói: “DBS đã hỗ trợ tài chính cho một số dự án năng lượng gây ô nhiễm và tranh cãi tại Indonesia, trong đó có thể kể đến nhà máy nhiệt điện Paiton 3 và Trung Java (ở Batang), và đang tìm kiếm thêm những thoả thuận tương tự trong tương lai. Những dự án này là thảm hoạ cho khí hậu, cho ô nhiễm và cho danh tiếng của DBS. Để xứng với cái danh là một ngân hàng cam kết đóng góp cho một tương lai lành mạnh cho khu vực, họ cần phải dừng việc cấp tài chính cho ngành than đá, cũng như hỗ trợ chúng ta bằng cách đầu tư vào năng lượng sạch.”
Julien Vincent, Giám Đốc Điều Hành của Market Forces nói: “Kế hoạch tài chính cho ngành than đá của DBS là một rủi ro khi nó đúng như một lời nhạo báng đối với tuyên bố mới đây của Chính phủ Singapore rằng 2018 là “Năm Hành Động vì Khí Hậu. Thực tế là DBS đang chuẩn bị cung cấp tài chính cho một nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm lớn ở Việt Nam, nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 2, chỉ vài tuần sau khi ban hành chính sách này, cho thấy chính sách đó đã không đạt kết quả mong muốn.”
Cùng với việc gửi thư ngỏ, liên minh trên cũng tiến hành nhiều hoạt động khác để vận động cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng phản đối những dự án gây ô nhiễm của các ngân hàng Singapore tại các nước đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm các hoạt động truyền thông, và công bố một nghiên cứu về hoạt động cung cấp tài chính cho ngành than đá của các ngân hàng Singapore.
Theo nghiên cứu này, từ năm 2012, các ngân hàng này đã cung cấp 2,29 tỉ đô la Mỹ cho các dự án nhà máy nhiệt điện, cảng chở than và mỏ khai thác than trên toàn cầu và sắp tới sẽ còn cung cấp cho nhiều dự án nữa. Riêng ở Việt Nam và Indonesia, chỉ riêng ngân hang DBS đã cho vay và tư vấn tài chính cho các nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 8,8 GW.
“Liên minh này cũng đã tới gặp làm việc với ngân hàng DBS, để chuyển tiếng nói của cộng đồng quốc tế, cũng như của chính những người dân sinh sống tại Việt Nam và Indonesia tới lãnh đạo của ngân hàng này. Tôi nghĩ, cộng đồng quốc tế mà còn quan tâm tới sức khoẻ và môi trường của Việt Nam như vậy, thì chúng ta không có lý gì để đứng ngoài chiến dịch này. Tôi hy vọng mọi người sẽ cùng tham gia với chúng tôi trong việc kêu gọi ngân hàng DBS đầu tư vào năng lượng sạch cho Việt Nam thay vì đầu tư vào các dự án gây ô nhiễm”, bà Hoàng Thị Minh Hồng chia sẻ.
Hoạt động lần này nằm trong khuôn khổ chiến lược dài hạn của CHANGE liên quan đến việc phản đối xây mới và cung cấp tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.
Trong thời gian sắp tới, CHANGE sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức công chúng về nhiệt điện than và các tác động của nhiệt điện than, bao gồm: truyền thông mạng xã hội, sản xuất phim tài liệu và ấn phẩm truyền thông, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh tường, tổ chức hội thảo, tổ chức tập huấn cho nhà báo và giới trẻ.
Theo moitruong.com.vn