In 3D dưới đáy biển thay đổi cuộc chơi ngành năng lượng

Oilprice ngày 1/7 đưa tin, ngành công nghiệp dầu khí đang áp dụng các công nghệ mới để tiết kiệm thời gian và chi phí, và nhất là giảm lượng khí thải carbon trong chuỗi cung ứng khi ngành đang chịu áp lực ngày càng tăng, vừa phải tăng lợi tức cho các cổ đông vừa phải chống biến đổi khí hậu.

Cùng với trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số và robot, các công ty dầu khí và nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới đang đặt cược vào công nghệ in 3D nhằm hợp lý hóa sản xuất, cắt giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cũng như giảm khí thải trong sản xuất phụ tùng.

Trong thập kỷ qua, một số công ty dầu khí lớn nhất trên thế giới đã chuyển sang công nghệ in 3D để sản xuất phụ tùng, tạo nhà kho kỹ thuật số cho mua sắm và quản lý việc cung cấp các thiết bị thay thế cần thiết. Đại gia Shell là một ví dụ điển hình. Shell tin rằng công nghệ in 3D có thể giúp giảm chi phí, thời gian giao hàng và giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất phụ tùng thay thế. Nick van Keulen, Giám đốc Kỹ thuật số hóa chuỗi cung ứng và Angeline Goh, Giám đốc Công nghệ in 3D cho biết Shell có các dự án đang thực hiện với các công ty khác trong ngành, trong đó có Baker Hughes, để thúc đẩy đổi mới trong công nghệ in 3D phục vụ ngành năng lượng.


Trung tâm sáng tạo công nghệ của Baker Hughes tại Houston, Texas, Mỹ. Ảnh: Baker Hughes

Gã khổng lồ Shell đã khởi động quy trình in 3D nội bộ từ năm 2011 với một máy in laser kim loại để chế tạo thiết bị thử nghiệm trong phòng thí nghiệm tại Trung tâm công nghệ Shell Amsterdam (STCA). 10 năm sau, Shell hiện có 15 máy in polymer, gốm và kim loại tại các trung tâm công nghệ của hãng ở Amsterdam, Hà Lan và ở Bangalore, Ấn Độ.

Nhờ vào công nghệ in 3D các phụ tùng thay thế, Shell đã có “khoản tiết kiệm đáng kể” trong hoạt động dầu khí ngoài khơi ở Nigeria trong năm 2020. Ở Nigeria, việc thay thế một bộ phận nhỏ trong một bộ phận lớn của thiết bị mà các bộ phận thay thế không còn được sản xuất sẽ mất khoảng 16 tuần; trong bối cảnh đó, Shell đã tạo mô hình bằng máy quét 3D và in ra bộ phận thay thế. Shell cho biết công nghệ in 3D đã giúp cắt giảm 90% chi phí bảo dưỡng so với cách thay thế thông thường và chỉ cần 2 tuần để sản xuất phụ tùng. Shell đang làm việc với các nhà cung cấp để phát triển một kho kỹ thuật số các bộ phận cần in 3D theo nhu cầu. Baker Hughes là một trong những đối tác của Shell.


Một cơ sở khai thác dầu khí ngoài khơi của Shell tại châu Phi. Ảnh: Royal Duch Shell.

Alessandro Bresciani, Phó Chủ tịch Dịch vụ của Baker Hughes cho biết: “Với Shell, chúng tôi áp dụng công nghệ in 3D để giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng khi thời gian giao hàng là quan trọng”. “Tất cả các chủ thể trong chuỗi giá trị này cần hợp tác phát triển một khuôn khổ phù hợp để công nghệ in 3D mang lại giá trị nâng cao cho ngành năng lượng”. Edoardo Gonfiotti, Kỹ sư dự án tại Baker Hughes có trụ sở tại Florence, Ý nhấn mạnh: “Công nghệ in 3D là một công cụ cho phép các ý tưởng trở thành hiện thực trong một thời gian rất ngắn”.

Cuối năm 2020, Baker Hughes và Würth Industry North America (WINA) đã công bố dịch vụ in 3D theo yêu cầu trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, phát điện, hàng hải, ô tô và hàng không vũ trụ. Các công ty trong lĩnh vực năng lượng đang tiến hành in 3D dưới nước. Đầu năm nay, Kongsberg Ferrotech của Na Uy cho biết họ đang phát triển công nghệ cho phép in 3D dưới nước, cùng với sự hợp tác của các tổ chức nghiên cứu của Na Uy và tập đoàn năng lượng khổng lồ Equinor. Kongsberg Ferrotech cho biết nếu thành công, việc triển khai dự án in 3D dưới đáy biển có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc bảo trì và sửa chữa các bộ phận máy móc nằm dưới biển; và sẽ là một bước tiến quan trọng khác đối với việc “đưa xưởng sửa chữa đến nơi đường ống bị hỏng”.

Công nghệ in 3D có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành năng lượng, từ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho đến giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất phụ tùng thay thế.

Thanh Bình
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/in-3d-duoi-day-bien-thay-doi-cuoc-choi-nganh-nang-luong-616089.html