“Hydro sạch”: Động lực vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19
Ngày 10/7, Liên minh châu Âu đã tiết lộ một kế hoạch phát triển hydro sạch với mục đích khử cacbon cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất như ngành công nghiệp thép, vận tải trong cuộc đua hướng đến trung hòa khí hậu vào năm 2050 ở châu Âu.
“Đây là chìa khoá cho một nền kinh tế châu Âu mạnh mẽ, cạnh tranh và không cacbon”, Phó chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans nói trong cuộc họp báo. Uỷ ban châu Âu tin rằng “hydro sạch” sẽ giúp các lĩnh vực giảm lượng khí thải nhà kính. “Nền kinh tế hydro mới có thể là động lực tăng trưởng, do đó giúp chúng ta khắc phục thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra”, Frans Timmermans cho biết.
Điều này liên quan đến việc thay thế nhiên liệu hoá thạch trong công nghiệp, đặc biệt là sản xuất thép, sử dụng “hydro sạch” không chỉ làm nhiên liệu cho vận tải hàng không và đường biển, phương tiện chở hàng nặng, mà còn cho ngành sản xuất pin. “Hydro sạch” đã trở thành một khoản đầu tư ưu tiên cho quá trình chuyển đổi và hồi sinh nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Hiện tại, ngành năng lượng góp 75% lượng khí thải nhà kính của châu Âu.
Sản xuất và tiêu thụ hydro hiện tại ở EU lên tới 9,8 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu là từ nhiên liệu hóa thạch. Chỉ là một phần rất nhỏ của mức tiêu thụ năng lượng ở châu Âu, nhưng Uỷ ban châu Âu muốn tăng năng lượng “sạch” lên 14% vào năm 2050 (năng lượng sạch được sản xuất bằng cách điện phân nước với điện từ các nguồn tái tạo).
Một xe buýt chạy bằng nhiên liệu hydro sạch.
Ban đầu, Uỷ ban muốn hỗ trợ lắp đặt 6 máy điện phân có công suất 6 gigawatt (GW) và sản xuất lên tới một triệu tấn hydro tái tạo mỗi năm, trước khi tăng dần nhằm phát triển quy mô lớn từ năm 2030 đến năm 2050.
“Chúng ta là dẫn đầu thế giới trong công nghệ này và chúng ta muốn đứng đầu cả trong lĩnh vực hydro sạch nhưng chúng ta cần phải nỗ lực thêm (…) vì các nước còn lại trên thế giới đang bắt kịp chúng ta một cách nhanh chóng”, Frans Timmermans cho biết.
Đầu tháng 6/2020, Đức đã công bố khoản đầu tư khổng lồ 9 tỷ euro với với tham vọng trở thành “nhà cung cấp và sản xuất hydro số một” trên thế giới. Pháp sẽ dành 1,5 tỷ euro trong ba năm để “giúp ngành hàng không đạt mức trung hòa carbon vào năm 2035”. “Đức quan tâm đến việc thúc đẩy dự án đầu tư vì Đức có tiềm năng rất lớn trong việc tạo ra một ngành công nghiệp lớn cho hydro “sạch”, Clément Le Roy, nhà phân tích năng lượng tại Wavestone cho biết.
Hydro sạch phải tham gia vào việc thiết lập một hệ thống năng lượng tích hợp tốt hơn ở châu Âu, mục tiêu này cũng là chủ đề của “chiến lược” mới được công bố vào ngày 10/7. Ủy ban muốn phát triển một hệ thống “tuần hoàn” hơn, tập trung vào hiệu quả năng lượng và điện khí hóa. Ví dụ: bằng cách tái sử dụng nhiệt thải từ các khu công nghiệp hoặc trung tâm dữ liệu hoặc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Theo tổ chức phi chính phủ Giao thông và Môi trường, châu Âu có lý khi ưu tiên sử dụng hydro trong lĩnh vực vận chuyển, ngành chưa từng có bất kỳ sự thay thế nào cho quá trình khử cacbon. Nhưng giống những hội bảo vệ môi trường khác, tổ chức này lo lắng về vai trò của khí gas.
Ủy ban Châu Âu tin rằng trong những năm đầu tiên, “giai đoạn chuyển tiếp” sẽ cần thiết để đảm bảo sản xuất ổn định và giá cả cạnh tranh, trong đó các quy trình khác của việc sản xuất hydro, phát thải carbon sẽ được duy trì nhưng giảm nhẹ bằng các kỹ thuật thu giữ carbon. “Ủy ban đã rơi vào cái bẫy của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. (…) Điều này vô hình trung mang đến một huyết mạch mới cho ngành công nghiệp đang sụp đổ này”, Tara Connolly của tổ chức môi trường thế giới Friends of the Earth cho biết.
Cuối tháng 6/2020, một liên minh lớn gồm các nhà công nghiệp – ExxonMobil, GE, ENI, Equinor hoặc Erdgas ủng hộ việc sản xuất hydro bằng khí tự nhiên, kèm theo công nghệ thu giữ carbon nhằm giúp hydro có giá cạnh tranh. “Hiện nay, việc sản xuất hydro bằng khí tự nhiên rẻ hơn từ 2 đến 5 lần so với hydro tái tạo và việc triển khai kỹ thuật này sẽ giúp giảm chi phí sau này”. Lisa Fischer của tổ chức E3G cho biết : “Uỷ ban châu Âu quên rằng nếu chúng ta muốn hydro sạch, chúng ta sẽ cần nhiều năng lượng tái tạo hơn nhiều so với những gì chúng ta đang sản xuất”.
Nh.Thạch theo AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/hydro-sach-dong-luc-vuot-qua-cuoc-khung-hoang-covid-19-573918.html