Hội thảo “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp”

Ngày 31 tháng 8 năm 2017, tại Cần Thơ, Dự án “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp” tổ chức hội thảo tham vấn các đối tác liên quan và các nhà máy xay xát tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan thực hiện trong khuôn khổ “Mạng lưới và trung tâm công nghệ khí hậu (CTCN)” do Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) xây dựng đề xuất và đệ trình lên cơ quan đầu mối quốc gia của CTCN tại Việt Nam là Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Cục KTTV BĐKH). Dự án do Tổ chức công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tài trợ.

Hội thảo có sự tham gia của trên 50 đại biểu đại diện nhà tài trợ (UNIDO), Cục KTTV BĐKH, SNV, VNCPC, các doanh nghiệp chế biến lúa gạo, Sở ban ngành địa phương, các doanh nghiệp cung cấp công nghệ sử dụng trấu, trường đại học, viện nghiên cứu…

Tổng quan về dự án, thông tin chung về các đơn vị, tổ chức tham gia dự án cũng như kỳ vọng của các bên hữu quan về mục tiêu hội thảo đã được giới thiệu và trao đổi ở phần đầu tiên của hội thảo. Tiếp đó, đại diện đơn vị thực hiện dự án SNV Việt Nam lần lượt trình bày các kết quả của dự án như công cụ lựa chọn công nghệ để tận dụng trấu một cách hiệu quả nhất, mô hình kinh doanh than sinh học và amorphous silica ash, mô hình kinh doanh củi trấu và các lựa chọn tiếp cận về tài chính cho các mô hình kinh doanh này. Sau các phần tham luận, các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích giúp cho đơn vị thực hiện hoàn thiện các sản phẩm của dự án cũng như các phương án hữu ích để các đơn vị trong ngành chế biến lúa gạo có thể lựa chọn để triển khai có hiệu quả.

Thông tin về dự án

Mạng lưới và trung tâm công nghệ khí hậu (CTCN) là cơ quan thực hiện của Cơ chế Công nghệ thuộc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), được phối hợp thực hiện bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Mạng lưới này được hỗ trợ bởi 11 cơ quan đối tác có chuyên môn về công nghệ khí hậu. Sứ mệnh của CTCN là đẩy mạnh phát triển và chuyển giao công nghệ khí hậu theo yêu cầu của các quốc gia đang phát triển với mục tiêu phát triển hiệu quả năng lượng, phát thải thấp và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Dự án “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp” được CTCN phê duyệt dựa trên yêu cầu của Cơ quan đầu mối quốc gia (NDE) thuộc Cục KTTV BĐKH – Bộ Tài nguyên Môi trường. Mục đích của dự án là tìm hiểu các công nghệ khác nhau để làm tăng giá trị của trấu nhằm giảm thiểu chất thải và hỗ trợ cải thiện hiệu quả kinh tế của các nhà máy xay xát, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

VNCPC