Hiểm họa cháy nổ từ gas rình rập các gia đình, đâu là nguyên nhân?

Bộ Công an cho biết, một trong những nguyên nhân gây cháy nổ trong các gia đình hiện nay chính là do sử dụng gas.

Nguyên nhân khiến gas trở thành hiểm họa gây cháy nổ trong các gia đình

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ – Bộ Công an, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 627 vụ cháy nhà dân (chiếm 57% số vụ cháy trong năm 2020). Một trong những nguyên nhân trực tiếp gây cháy là do sơ suất, bất cẩn khi sử dụng lửa, nhiệt, trong đó có việc sử dụng gas.

Hiện nay, phần lớn các hộ gia đình đều có 1 bình gas (loại 12kg) trong nhà để nấu ăn. Với các nhà hàng, quán ăn, số lượng bình gas này sẽ nhiều hơn. Chính các bình gas nói trên có thể trở thành hiểm họa cháy, nổ nếu chẳng may khí gas bị rò rỉ hoặc người dùng quên tắt lửa sau khi nấu ăn. Đặc biệt với các gia đình có người lớn tuổi, trẻ em thì việc để quên lửa trên bếp rất dễ xảy ra.

Chị V.M.T. (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) kể, gia đình chị suýt gặp họa vì bếp gas. Khi đi làm về, chị ngửi mùi gas nồng nặc trong nhà. Chị vội mở toang cửa cho khí gas thoát ra ngoài. Sau này mới biết nguyên nhân là do ông nội của chị lớn tuổi tắt bếp gas chưa hết, tắt lửa nhưng khí gas vẫn còn xì ra ngoài.

“Nếu tôi không về kịp, chẳng may ông nội vô tình bật bếp gas hay bật công tắc điện thì không biết sẽ nguy hiểm như thế nào. Tới giờ nghĩ đến mà tôi còn run” – chị T. nói.


Cháy nổ từ gas luôn rình rập các gia đình. Ảnh minh họa

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, bình gas không thể phát nổ trừ khi có khí gas rò rỉ và tác động của tia lửa. Khi đó thực chất thứ bị nổ chính là khí gas bên trong chứ không phải bình gas. Với các trường hợp nổ khí gas gây sập đổ công trình là do sự ngưng tụ khí gas trong không gian kín nhất định và khi có tác động từ tia lửa do các nguồn lửa hoặc tia lửa điện rất nhỏ phát ra khi bật công tắc cũng khiến khí gas phát nổ, tạo sức công phá lớn”.

Nguy cơ cháy nổ không chỉ đến từ những bình gas loại lớn mà cả bình gas mini thường dùng cho các bữa tiệc. Bình gas mini vốn được sản xuất để dùng một lần nhưng thực tế lại thường xuyên được nạp gas (trái phép) và đưa vào sử dụng nhiều lần. Dù lượng khí gas trong các bình này không nhiều nhưng do vỏ bình mỏng, sự cố lại xảy ra ngay khi đang có bếp nóng, nhiều người tụ tập xung quanh nên dễ gây tai nạn thương tích cho người gần đó.

Một trong những nguyên nhân khiến bình gas cháy nổ tiếp theo có thể chính do sau khi đun không khóa gas hoặc khóa sai quy trình. Đa số các gia đình đều khóa bình gas theo kiểu tắt bếp rồi mới khóa van bình gas vô tình khiến cho gas vẫn còn trong đường ống dẫn mà không biết. Quy trình khóa gas chuẩn chính là khóa van bình lại, chờ phần gas còn lại được đốt hết sau đó mới tắt bếp

Nguyên nhân tiếp theo có thể do dây nối bình gas với bếp bị rò rỉ. Hãy chú ý đến dây dẫn bình gas với bếp trải qua thời gian sử dụng bị nứt, hở… cũng có thể do chuột cắn, gập xoắn. Gas bị rò rỉ ra ngoài do dây dẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến cháy nó. Vậy nên hãy thường xuyên kiểm tra dây dẫn khi đun nấu để đảm bảo an toàn.

Cách phòng tránh cháy nổ từ gas trong các gia đình

Theo chủ một cửa hàng kinh doanh gas tại Hà Nội, các bình gas hiện đều có van an toàn hoạt động tự động nên việc người dùng quên khóa van gây thoát khí là rất hiếm. Tuy nhiên, sự cố có thể xảy ra nếu các van này hư hoặc có các vết nứt tại điểm nối bình gas với bếp hoặc trên đường ống dẫn tới rò rỉ khí gas.

Do đó, để an toàn khi sử dụng bình gas tại nhà, người dân không nên dùng bếp quá cũ, có các vết gỉ sét và phải sửa chữa, thay thế ngay khi hư hỏng. Đặc biệt chú ý sử dụng bình gas mini mới phải còn tem, niêm phong có xuất xứ rõ ràng. Không dùng bình sang chiết lại, bình cũ đã gỉ sét, bị biến dạng vì lớp vỏ mỏng sẽ dễ hình thành vết nứt nhỏ làm thoát khí gas gây cháy, nổ.

Hiện nay, trên thị trường có các thiết bị cảm biến báo động rò rỉ khí gas hoặc bóng chữa cháy, các gia đình có thể tự lắp đặt tại khu vực bếp, gần bình gas. Khi xảy ra sự cố rò rỉ khí gas, thiết bị cảm biến sẽ báo động để cảnh báo người trong nhà. Bóng chữa cháy có thể tự động xử lý bước đầu đám cháy do khí gas vừa thoát ra. Tuy nhiên, khi sự cố cháy vừa được phát hiện và dập tắt, vẫn cần phải có người khóa van, đưa bình gas ra ngoài, đến khu vực thoáng đãng, an toàn.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/hiem-hoa-chay-no-tu-gas-luon-rinh-rap-trong-cac-gia-dinh-sang-25-d186152.html