Giảm đầu tư vào nguồn nhiên liệu hóa thạch
Ngày 22/9, một ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về khí hậu tại New York (Mỹ), một liên minh gồm các tổ chức tư nhân, cá nhân và chính quyền đã nhất trí giảm đầu tư vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch nhằm ủng hộ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh hàng chục nghìn người tuần hành trên khắp thế giới kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động để giải quyết tình trạng môi trường toàn cầu đang xấu đi.
Liên minh trên với tổng trị giá tài sản ước tính trên 50 tỷ USD, trong đó có Quỹ Huynh đệ Rockefellers với tài sản 840 triệu USD.
Đại diện cho gia tộc Rockefellers, dòng họ có tập đoàn kinh doanh dầu mỏ đầu tiên thế giới, ông John D.Rockefellers cho biết tập đoàn Rockefellers sẽ giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, đến cuối năm nay sẽ ngừng đầu tư vào khai thác than và cát, hai loại nhiên liệu ô nhiễm nhất.
Chủ tịch Tập đoàn Apple Tim Cook cam kết sẽ ưu tiên đầu tư cho các nguồn năng lượng có tỷ lệ thải carbon thấp.
Trong khi đó, Chính phủ Anh cam kết tài trợ 234 triệu USD để ngăn chặn tình trạng phá rừng, một trong những tác nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. London cho biết khoản tài trợ trên sẽ giúp tăng cường các nỗ lực cải thiện quy định về bảo vệ rừng, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân chấm dứt hoạt động phá rừng để canh tác dầu cọ và các sản phẩm khác.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định mức giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch vẫn còn nhỏ so với quy mô khổng lồ của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng 2,3% trong năm 2013.
Phát biểu tại một hội nghị với các doanh nhân, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp thiết trong thời đại hiện nay. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo không còn nhiều thời gian khi hàng trăm triệu người trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ mất nhà cửa nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m.
Tuy nhiên, mặc dù xác định tính cấp thiết của cuộc chiến chống thay đổi khí hậu, cho đến nay Mỹ vẫn tiếp tục đứng ngoài cuộc trong các nỗ lực toàn cầu đối phó với tình trạng này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew tuyên bố không có chuyện Washington đánh đổi giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn với việc ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm dần.
Ông Lew nhấn mạnh việc thực hiện các hoạt động đầu tư hiệu quả sẽ giúp nước Mỹ có nền kinh tế hùng mạnh hơn, tạo thêm hàng chục nghìn việc làm mới và khẳng định vị trí hàng đầu của Mỹ trong công nghiệp và công nghệ. Bộ trưởng Lew cho biết Chính phủ Mỹ đã có những chính sách như hỗ trợ phát triển năng lượng Mặt Trời, ngừng hoạt động các nhà máy than có lượng khí thải cao, khuyến khích các công nghệ sản xuất tạo ra lượng khí thải carbon thấp.
Mặc dù tuyên bố ủng hộ các nỗ lực quốc tế để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song Bộ trưởng Tài chính Mỹ không hề đề cập đến các cơ chế mua hạn ngạch phát thải carbon cũng như các chương trình thuế cần thiết để hạn chế các nguồn tạo ra lượng khí thải lớn.
Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cho biết 73 nước và hơn 1.000 công ty hàng đầu thế giới đã tán thành cơ chế mua bán phát thải carbon song Mỹ vẫn tiếp tục không tham gia.
Cùng ngày, hàng nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình mang tên “Cơn lũ Phố Wall” nhằm phản đối vai trò của trung tâm tài chính này trong việc huy động vốn cho các doanh nghiệp góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 23/9 tại New York sẽ quy tụ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Dự kiến, hội nghị này sẽ mở đường để tiến tới một thỏa thuận toàn cầu về cuộc chiến chống thay đổi khí hậu tại một hội nghị dự kiến tổ chức cuối năm 2015 ở Paris, Pháp.
Theo TTXVN