Định hướng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Hàng năm thế giới tăng công suất lắp đặt mới từ năng lượng tái tạo nhiều hơn từ tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch gộp lại.
Còn tại Việt Nam, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo Những số liệu thống kê năng lượng chính của thế giới của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) năm 2017, lượng tiêu thụ năng lượng hóa thạch vào năm 2015 của thế giới vẫn chiếm tỷ trọng 81,4% (số còn lại là năng lượng mới hay còn gọi là năng lượng tái tạo).
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo với hàng loạt cơ chế, chính sách ưu tiên và mang nhiều tính đột phá, được kỳ vọng sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ phát triển lĩnh vực đầy tiềm năng này tại Việt Nam.
Năm 1973, tỷ trọng này là 86,7% (trong đó chỉ riêng dầu lửa chiếm 46,2%). Như vậy sau 42 năm, thế giới chỉ giảm được 5,3% mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch nhờ sự tăng trưởng nhẹ của năng lượng sạch.
Năng lượng tái tạo phát triển khá nhanh chóng trong những năm gần đây nhưng cho đến nay vẫn chiếm số ít trong tổng sản lượng thế giới. Trong năm 2015, thủy điện đã sản xuất được 3978 TWh, cao hơn so với sản lượng điện hạt nhân (2571 TWh vào năm 2015), điện gió (838 TWh vào năm 2015) và điện năng lượng mặt trời (247 TWh vào năm 2015).
Theo Báo cáo về hiện trạng năng lượng tái tạo toàn cầu của Mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo cho thế kỷ 21 (REN21), công suất năng lượng tái tạo lắp đặt mới đạt kỷ lục trong năm 2016 với 161 GW, tăng tổng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu thêm gần 9% so với năm 2015.
Nổi bật nhất là năng lượng mặt trời, chiếm 47% tổng công suất lắp đặt mới, tiếp theo là năng lượng gió 34% và thủy điện 15,5%. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, đầu tư vào công suất phát điện mới từ năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện) cao gấp đôi đầu tư vào điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Tổng mức đầu tư cho năng lượng tái tạo đã đạt 249,8 tỷ USD.
Hiện nay, hàng năm thế giới tăng công suất lắp đặt mới từ năng lượng tái tạo nhiều hơn từ tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch gộp lại.
Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có. Những nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế đã được nhận diện đến nay gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt.
Để đáp ứng nhu cầu trong khi việc cung ứng năng lượng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động theo xu thế tăng và Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới…
Chính vì vậy, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và bước đầu đã được đề cập trong một số văn bản pháp lý.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg năm 2015. Đây có thể coi là nền tảng cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng tái tạo với giá hợp lý, tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng của quốc gia.
Mục tiêu chiến lược là từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo: Đến năm 2020 hầu hết số hộ dân có điện, đến năm 2030 hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý.
Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường: Khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050.
Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (8/8/2019)