Đan Mạch muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh ở Việt Nam
Hiện Đan Mạch đang tìm giải pháp để đưa việc sản xuất năng lượng xanh vào thị trường Việt Nam thông qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa hai bên.
Đây là chia sẻ của ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam với báo chí trong khuôn khổ hội thảo về việc tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, do Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 27/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Lý giải về vấn đề năng lượng xanh ở Việt Nam chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài, ông John Nielsen cho rằng, giá điện ở Việt Nam quá thấp so với mức bình quân thế giới, nhà đầu tư muốn vào thì không thể có một giá điện cạnh tranh được nên các nhà đầu tư không biết định giá điện như thế nào để phù hợp với thị trường.
Vì vậy, muốn có thêm nguồn năng lượng xanh cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt, Chính phủ Việt Nam cần mở rộng chính sách và thị trường để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Riêng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Đan Mạch được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1997, với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 74 triệu USD, chương trình đã hỗ trợ cho 300 dự án thí điểm ở hơn 150 đối tác dài hạn tại Việt Nam.
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua, ông John Nielsen cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện thành công chương trình này.
Nhiều đối tác Đan Mạch vẫn đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sau khi kết thúc hỗ trợ tài chính của Đan Mạch.
Chương trình hỗ trợ tập trung vào nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, nước sạch và vệ sinh môn trường, xử lý chất thải, thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục. Vì vậy, trong thời gian tới Đan Mạch sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đan Mạch sẽ viện trợ phát triển chính thức (ODA) 90 triệu USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2015. Đồng thời, không giới hạn quỹ ODA cho việc hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ cần hai công ty giữa hai nước tìm được dự án khả thi, trung bình mỗi năm Đan Mạch hỗ trợ cho chương trình này từ 5-7 triệu USD.
Nước này cũng sẽ xem xét để hỗ trợ bước thành lập ban đầu, quan trọng vẫn là hoạt động giữa hai bên.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ, thảo luận về vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bao gồm việc cập nhật cho các doanh nghiệp Đan Mạch và các đối tác Việt Nam về những thay đổi trong chính sách lao động,
Luật Lao động và những quy định liên quan đến vấn đề sức khỏe và an toàn lao động, tác động của môi trường tại nơi làm việc.
Hội thảo được tổ chức nhằm giúp cho doanh nghiệp hai bên có cơ hội trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác và có thể thành lập các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện có khoảng hơn 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu là lĩnh vực công nghệ thông tin, thực phẩm, dược phẩm…/.