Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy

Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (tiếng Anh: Stockholm Convention on Persistent Organic Pollutants) là hiệp ước quốc tế về môi trường, được ký vào năm 2001 và có hiệu lực kể từ tháng 5 năm 2004.

Công ước Stockholm có mục đích loại bỏ hoặc hạn chế sản xuất và sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (persistent organic pollutant – POP).

Năm 1995, Hội đồng điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) lên tiếng kêu gọi hành động mang tính toàn cầu để đối phó với POP – những chất hóa học được định nghĩa là “khó phân hủy trong môi trường, tích tụ sinh học qua lưới thức ăn và gây nguy cơ tác động có hại cho sức khỏe con người và môi trường.”

Sau lời kêu gọi này, Diễn đàn liên chính phủ về An toàn hóa chất (Intergovernmental Forum on Chemical Safety – IFCS) và Chương trình quốc tế về An toàn hóa chất (International Programme on Chemical Safety – IPCS) đã chuẩn bị một bản đánh giá 12 hóa chất được xem là gây hại nhiều nhất.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Stockholm vào ngày 22/7/2002.

Từ tháng 6/1998 đến tháng 12/2000, năm cuộc họp diễn ra để sửa soạn cho Công ước mới. Ngày 22-23 tháng 5/2011, các phái đoàn đến dự hội nghị (tập hợp các đại diện toàn quyền) diễn ra ở Stockholm, Thụy Điển đã thông qua Công ước về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Những cuộc thương thảo cũng hoàn tất vào ngày 23/5. Công ước có hiệu lực kể từ ngày 17/5/2004 với sự phê chuẩn ban đầu của 151 bên ký kết. Họ tán thành loại bỏ chín trong số 12 hóa chất được đề xuất, giới hạn sử dụng chất DDT trong công tác kiểm soát sốt rét và cắt giảm việc vô ý tạo ra chất điôxin và furan.

Các bên tham gia cũng đồng ý với quy trình xem xét và bổ sung các hợp chất độc hại khó phân hủy khác vào Công ước nếu chúng thỏa các tiêu chí về mức độ khó phân hủy và mức gây hại đến nhiều quốc gia. Danh sách bổ sung lần đầu được tán thành tại cuộc họp diễn ra ở Genève, Thụy Sĩ vào ngày 8/5/2009.

Tính đến tháng 5/2013, có 179 bên đã tham gia Công ước Stockholm (gồm 178 quốc gia và Liên minh châu Âu). Song vẫn có một số nước chưa phê chuẩn Công ước, chẳng hạn Hoa Kỳ, Israel, Iraq, Italia và Malaysia.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Stockholm vào ngày 22/7/2002.

Tóm tắt các điều khoản

Nội dung chính của Công ước là việc yêu cầu các nước phát triển phải cung cấp mới cũng như bổ sung các nguồn tài chính và biện pháp nhằm xóa bỏ hoạt động sản xuất và sử dụng các POP, xóa bỏ việc vô ý tạo ra các POP nếu được, quản lý và tiêu hủy chất thải POP theo cách an toàn cho môi trường. Công ước cũng dự liệu việc bổ sung các chất mới vào danh sách thông qua việc ghi chú trong phần mở đầu.

Ủy ban Xem xét Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy

Công ước có điều khoản về quy trình nhận diện các POP để bổ sung vào Công ước và tiêu chí để xem xét đánh giá theo. Lần họp thứ nhất của Hội nghị các bên (COP1) diễn ra ở Punta del Este, Uruguay từ ngày 2-6/5/2005 đã lập ra Ủy ban Xem xét Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Persistent Organic Pollutants Review Committee – POPRC) với nhiệm vụ cân nhắc bổ sung các POP khác vào Công ước.

Thành phần Ủy ban này gồm 31 chuyên gia được các bên tham gia Công ước đề cử, lấy từ năm nhóm vùng thuộc Liên Hiệp Quốc. Ủy ban sẽ xem xét bổ sung chất mới theo ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, Ủy ban xác định xem liệu chất đó có thỏa các tiêu chí được ghi trong phụ lục D của Công ước hay không (gồm tính khó phân hủy, tính tích tụ sinh học, tiềm năng lan truyền quy mô rộng trong môi trường – LRET, và độc tính). Nếu thấy thỏa mãn, Ủy ban sẽ thảo ra hồ sơ nháp về nguy cơ của chất đó theo phụ lục E nhằm đánh giá chất đó có nguy cơ gây tổn hại đáng kể đối với sức khỏe con người và/hoặc gây tác động môi trường hay không, từ đó cần hành động trên quy mô toàn cầu hay không.

Cuối cùng, nếu Ủy ban nhận thấy cần thiết phải có hành động toàn cầu thì họ sẽ lập bản đánh giá quản lý rủi ro theo phụ lục F nhằm phản ánh các đánh giá về kinh tế – xã hội song hành cùng việc nêu ra các biện pháp có thể có để kiểm soát chất đó. Dựa trên bản đánh giá này, Ủy ban ra quyết định khuyến nghị liệt kê bổ sung chất đó vào một hay nhiều phụ lục của Công ước. Ủy ban này đều tổ chức họp hàng năm ở Genève tính từ khi thành lập đến nay.

VNCPC