Có thể lùi thời hạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng
Việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít có thể sẽ được lùi thời hạn sang năm 2019, thay vì dự kiến ban đầu là năm 2018.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về thuế bảo vệ môi trường (BVMT) gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 12/BTC-CST ngày 2/1/2018 về việc dự án Nghị quyết về Biểu thuế Bảo vệ môi trường và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ Báo cáo quốc hội xem xét, cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.
Như vậy, theo Dân Việt, việc Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó, có việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít có thể sẽ được lùi thời hạn, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019.
Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế BVMT trong thời gian qua đã góp phần hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường.
Có ý kiến trên Báo Tiền Phong đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế tối đa trong khung thuế bằng 1,5 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành, chỉ tăng từ 4.000 đồng/lít lên 6.000 đồng/lít (thay vì mức 8.000 đồng/lít). Có cơ quan đề nghị chỉ tăng mức thuế tối đa đối với xăng lên 5.000 đồng/lít, vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, do đó khi tăng mức thuế sẽ ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động của xã hội.
Tuy vậy, ý kiến về việc vẫn bảo lưu đề xuất mức tăng lên tối đa 8.000 đồng/lít xăng, Bộ Tài chính cho rằng, việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cắt giảm thuế nhập khẩu, đã xét các yếu tố khác như: Xăng dầu tác động xấu tới môi trường, nên cần có chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế; khung thuế mới nhằm chủ động ứng phó với tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động do giá dầu thế giới có biến động lớn.
Theo đánh giá của Bộ tài chính, chính sách thuế BVMT trong thời gian qua đã góp phần hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội.
Ngoài ra, chính sách thuế BVMT cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Theo đó, số thu thuế BVMT đối với xăng dầu, than đá qua các năm đã tăng dần, năm 2012 là 10.323 tỷ đồng; năm 2013 là 11.344 tỷ đồng; năm 2014 là 11.878 tỷ đồng; năm 2015 là 26.949 tỷ đồng và năm 2016 khoảng 41.868 tỷ đồng – Dân Trí cho hay.
Theo moitruong.com.vn