Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Ngày 09/6/2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định số 880/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Với Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, Ngành Điện tử và viễn thông, Năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đồng thời Chiến lược cũng định hướng quy hoạch không gian theo các cùng lãnh thổ sẽ bao gồm vùng công nghiệp lõi và vùng công nghiệp đệm, trong đó các địa phương thuộc vùng lõi gồm 4 vùng kinh tế trọng điểm và 5 khu kinh tế biển được ưu tiên phát triển.
Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là bước tiếp theo để thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Quy hoạch quan điểm phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm: Phát triển công nghiệp tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu; Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; Khuyến khích phát triển dân doanh, đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp là điều kiện quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển công nghiệp theo các chuẩn mực về môi trường, tiến tới công nghệ xanh sau giai đoạn 2020.
Quy hoạch tập trung vào 10 ngành gồm có: ngành cơ khí – luyện kim; ngành hóa chất; ngành điện tử, công nghệ thông tin; ngành dệt may-da giầy; ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; ngành sản xuất vật liệu xây dựng; ngành khai thác và chế biến khoáng sản; ngành điện; ngành than; ngành dầu khí. Điểm mới là Quy hoạch định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 3 ngành gồm cơ khí – luyện kim; điện tử – tin học, dệt may – da giầy. Đồng thời quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và Đà Nẵng.
Quy hoạch phân bố theo không gian vùng lãnh thổ chia theo 5 vùng, trong đó xác định Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển công nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, nhiệt điện, công nghiệp công nghệ cao; Phát triển có chọn lọc công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện cơ khí, ô tô, xe máy, linh kiện điện tử xung quanh thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Dự kiến 70 – 75% nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch từ các doanh nghiệp, trong đó thu hút đầu tư từ FDI khoảng 33 – 34%. Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 3 – 4% tập trung chủ yếu vào xây dựng hạ tầng (các công trình giao thông, cấp điện, cấp nước), một phần vốn dành cho phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu đổi mới khoa học công nghệ.
Quy hoạch cũng đưa nhiều giải pháp để thực hiện, các giải pháp được chia thành giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn. Các nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp; tăng cường điều phối theo vùng lãnh thổ, phân cấp hợp lý trong quản lý nhà nước về công nghiệp; tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế được đưa lên hàng đầu trong các nhóm giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn, quy hoạch đưa ra 7 nhóm giải pháp về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường và sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển, đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn.
Để triển khai thực hiện Quy hoạch, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp; Đưa các nội dung triển khai quy hoạch vào kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm về phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Theo skhdt.haiduong.gov.vn