Chế biến thủy sản đông lạnh: Cải tạo, đổi mới công nghệ cho hệ thống quản lý năng lượng và hệ thống chiếu sáng

Ngày nay, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế Quốc tế, nâng cao hình ảnh, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố quan trọng của doanh nghiệp. Nhằm góp phần vào mục tiêu hỗ trợ Doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Tp.HCM (ECC) sẽ giới thiệu đến Quý doanh nghiệp loạt bài viết về các giải pháp nhằm cải tiến, đổi mới công nghệ trong chế biến thủy sản đông lạnh. Các giải pháp này được đưa ra trên cơ sở khảo sát và tư vấn cho doanh nghiệp trong suốt 10 năm qua của ECC và đã được các chuyên gia, các doanh nghiệp đánh giá, góp ý.
Trong loạt bài này chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp hệ thống lại tất cả những giải pháp, công nghệ có thể cải tiến, đổi mới trong ngành chế biến thủy sản đông lạnh như: hệ thống quản lý năng lượng, hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống lò hơi và phân phối hơi, hệ thống điều hòa không khí và lạnh công nghiệp, hệ thống máy nén khí và phân phối khí nén, hệ thống bơm quạt…và cuối cùng là tính toán chi phí, lợi ích cho một số giải pháp tiết kiệm năng lượng thường gặp.Cải tiến, đổi mới công nghệ hệ thống quản lý năng lượng 

Nhóm giải pháp cải tạo cho Hệ thống quản lý năng lượng

Nhóm giải pháp cải tạo đòi hỏi doanh nghiệp dành nhiều thơi gian hơn trong việc quản lý, giám sát, đánh giá việc sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp để có biện pháp quản lý, xử lý kịp thời, hiệu quả. Ưu điểm của nhóm giải pháp này là chi phí đầu tư thấp nhưng mang đến hiệu quả lớn và có tính bền vững. Sau đây là 05 giải pháp chính trong nhóm giải pháp cải tạo:

–         Thành lập Ban quản lý năng lượng với sự tham gia của hầu hết các phòng ban trong công ty;

–         Vận hành các hệ thống, công cụ giúp nâng cao năng suất, tiết kiệm năng lượng như: Kiểm toán năng lượng, áp dụng ISO 50001, áp dụng ISO 9001, áp dụng các hệ thống, công cụ khác như: Sản xuất sạch hơn, thực hành 5S, 6Sigma (cải tiến quy trình), GMP (thực hành sản xuất tốt), KPI (Đo lượng hiệu suất), TPM (duy trì năng suất toàn diện) và TQM (quản lý chất lượng toàn diện)…

–         Xây dựng hệ thống đo lường các chỉ số, chỉ tiêu quản lý năng lượng và theo dõi đánh giá thường xuyên. Một số chỉ tiêu cần được xây dựng như: Chi phí năng lượng/doanh thu hay lợi nhuận; Suất tiêu hao năng lượng/đơn vị sản phẩm, thời gian chạy máy/thời gian được lập theo kế hoạch, sản phẩm đạt chất lượng/tổng sản phẩm… Việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp biết được cơ cấu chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm, hiệu suất tiêu thụ năng lượng tổng thể và của từng thiết bị…

–         Đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong từng giai đoạn

–         Phát động phong trào tiết kiệm năng lượng nhầm nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng cho toàn bộ công nhân viên.

Nhóm giải pháp đổi mới công nghệ cho Hệ thống quản lý năng lượng 

Hiện nay, hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát SCADA và hệ thống giám sát điện năng PMS là những công nghệ mới được ứng dụng cho hệ thống quản lý năng lượng tại doanh nghiệp.

Hệ thống SCADA cho phép thu thập tất cả các thông số về trạng thái hoạt động của thiết bị, chẳng hạn như: trạng thái mở/tắt, công suất điện tức thời, điện năng tiêu thụ trong một khoảng thời gian,…các thông số này được lưu lại để có thể truy suất khi cần thiết. Đồng thời hệ thống SCADA cũng cho phép điều khiểu thiết bị từ xa, cho phép tắt mở thiết bị theo thời gian thực hiện đã thiết lập sẵn. SCADA là một hệ thống quản lý giám sát tối ưu cho nhà máy, tuy nhiên chi phí đầu tư cho hệ thống này là khá cao.

Hệ thống giám sát điện năng PMS (Power Management System), với chi phí đầu tư thấp hơn, các doanh nghiệp có thể sử dụng phần thu thập dữ liệu về các thông số điện (P,U,I Cosphi). Hệ thống này giúp doanh nghiệp hiểu rõ biểu đồ phụ tải, theo dõi trực tuyến tiêu thụ điện, hỗ trợ đội ngũ vận hành và lắp đặt, tìm cách tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí. Một số đặc tính nổi bậc của hệ thống PMS như sau:

–         Xác định rõ chi phí điện cho từng ca, bộ phận, phân xưởng, sản phẩm;

–         Xác định tính hợp lý của các giải pháp cải tiến, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư;

–         Chuẩn đoán và giảm thời gian dừng máy sự cố một cách tích cực;

–         Xác định chính xác loại sự cố chất lượng điện năng, thời gian, vị trí của sự cố;

–         Gửi các cảnh báo để đề phòng trước sự cố xảy ra;

–         Phân tích nguyên nhân, hỗ trợ xác định nguyên nhân sự cố nhanh và xử lý triệt để

–         Xác định nguyên nhân sự cố là do thiết bị hay do nguồn điện.

Cải tạo, đổi mới công nghệ cho hệ thống chiếu sáng 

Nhóm giải pháp cải tạo

Đối với hệ thống chiếu sáng, giải pháp tăng cường tận dụng chiếu sáng tự nhiên được xem là giải pháp cơ bản và tối thiểu được chi phí năng lượng. Một số giải pháp thường được sử dụng để cải tạo hệ thống chiếu sáng là: Thiết kế chiếu sáng tối ưu, đảm bảo tốt công tác bảo trì bảo dưỡng, sử dụng ballast điện tử thay cho ballast điện từ hay sử dụng chóa phản quang…Trong thiết kế chiếu sáng tối ưu, các chuyên gia kỹ thuật sẽ xem xét các yếu tố như độ sáng theo tiêu chuẩn, chiều cao treo đèn hợp lý, sự che chắn, chế độ điều khiển đèn linh hoạt, kết hợp điều khiển tập trung và điều khiển cục bộ, điều khiển bằng tay và điều khiển tự động…Nhóm giải pháp này giúp tiết kiệm từ 10-20% điện năng tiêu thụ của hệ thống chiếu sáng.

Nhóm giải pháp đổi mới công nghệ

Đối với nhóm giải pháp này đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng các loại đèn công nghệ mới, có hiệu suất chiếu sáng cao và độ suy giảm quang thông thấp như đèn Led, Huỳnh Quang T5, Compact, Metal Halide…thay thế cho các bóng đèn có hiệu suất chiếu sáng thấp như đèn Huỳnh Quang T10, Dây tóc, Thủy ngân cao áp…Theo chuyên gia chiếu sáng, giải pháp đèn Led sẽ giúp tiết kiệm hơn từ 37%-55% điện năng tiêu thụ so với đèn Huỳnh Quang T5, T10.

Theo sxsh.vn