Những nguồn năng lượng sạch mới

Theo các nhà khoa học Mỹ, đĩa kim loại nhúng trong nước biển có thể mang lại lượng điện năng khá lớn; Chỉ cần bề mặt đĩa kim loại được phủ một lớp ô xít sắt thích hợp và nhúng trong nước biển.

Đĩa kim loại rỉ sét và nước biển – đó là tất cả những gì cần thiết để sản xuất ra điện năng. Các nhà khoa học ở Viện Công nghệ California và ĐH Northwestern (Mỹ) đưa ra quan điểm như vậy.

Mặc dù bề mặt kim loại và dung dịch điện phân là nguồn năng lượng phổ biến trong các ắc quy, nhưng trong trường hợp này quá trình sinh điện diễn ra trên nguyên lý hoàn toàn khác: Động năng của nước biến thành điện năng.

Ánh sáng mặt trời có thể cho năng lượng sạch mà không cần các tấm quang năng.

Các nhà khoa học ở ĐH Uppsala (Thụy Điển) đã nuôi vi khuẩn lam có khả năng sử dụng năng lượng mặt trời để biến đổi carbon dioxide và nước thành butanol, có thể dùng làm nhiên liệu.

Trong danh sách các nguồn năng lượng tái tạo như đập nước, các tấm quang năng (solar panel) hay turbine gió còn có thể bổ sung các đĩa kim loại dễ bị ăn mòn nhúng trong nước biển. Theo các nhà khoa học Mỹ, đĩa kim loại nhúng trong nước biển có thể mang lại lượng điện năng khá lớn; Chỉ cần bề mặt đĩa kim loại được phủ một lớp ô xít sắt thích hợp và nhúng trong nước biển.

Các tác giả công trình nghiên cứu nhấn mạnh, nguyên tắc hoạt động của điện cực như vậy hoàn toàn khác và không có điểm gì chung với cơ chế tạo ra dòng điện trong ắc quy với các điện cực kim loại và nước mặn. Nếu như trong ắc quy các phản ứng hóa học kéo theo dòng điện, thì trong phương pháp mới những biến đổi như vậy là không cần thiết. Quá trình mới biến động năng của nước thành dòng điện.

Bản thân hiện tượng, được gọi là hiệu ứng điện động học (điện di) đã được quan sát trước đó đối với graphen (tấm phẳng dày bằng một lớp nguyên tử của các nguyên tử carbon). Việc biến đổi động năng thành điện năng đối với graphen đạt tới hiệu suất 30% (trong khi các tấm quang năng có hiệu suất khoảng 20%).

Vấn đề là ở chỗ việc tạo ra các lớp graphen rất tốn kém. Còn nếu xét trên quy mô cần thiết để sản xuất lượng điện năng tương đối lớn thì đây là việc bất khả thi. Trong khi đó, có thể tạo ra các lớp rỉ sét mỏng trên những bề mặt lớn khá dễ dàng. “Có thể hình dung, một đĩa sắt với diện tích 10 m2 có khả năng sinh ra vài kilowatt điện, đủ để thắp sáng một ngôi nhà trung bình” – ông Tom Miller ở Viện Công nghệ California cho biết.

Cơ chế của hiện tượng sản sinh điện nói trên khá phức tạp, nhưng theo các nhà khoa học có thể giải thích theo cách đơn giản như sau: Các ion âm từ nước biển kéo điện tử từ đĩa kim loại (dưới lớp rỉ sét) và cùng với luồng nước các ion âm cuốn điện tử đi theo, dẫn tới hình thành dòng chảy điện tích và xuất hiện dòng điện. Có thể hình dung các kịch bản, trong đó những hiệu ứng này được ứng dụng thực tế. “Đây có thể là năng lượng thủy triều, chuyển động của các phao trên sóng biển, hoặc có thể là dòng chảy của máu trong mạch máu. Có thể sử dụng năng lượng này để truyền động cho các loại tay chân giả” – ông Miller giải thích.

Các nhà khoa học ở ĐH Uppsala có ý tưởng khác. Họ sử dụng ánh sáng mặt trời để sản xuất năng lượng sạch mà không cần các tấm quang năng.

Các nhà khoa học đã nuôi vi khuẩn lam – một loại vi khuẩn có khả năng quang hợp. Vi khuẩn lam sử dụng năng lượng mặt trời để biến carbon dioxide và nước thành butanol, có thể sử dụng như nhiên liệu.

Theo Giaoduc.vn (15/8/2019)

Cây nhân tạo lọc không khí bằng 1 hecta cây rừng tự nhiên

Hãng tin AFP cho hay các chuyên gia của BiomiTech – một công ty khởi nghiệp ở Mexico – đã khiến nhân loại hi vọng với một sản phẩm độc đáo của họ: Cây nhân tạo BioUrban nặng khoảng 1 tấn có khả năng làm sạch lượng không khí tương đương với “công suất” thanh lọc của 1 hecta cây rừng tự nhiên.

BioUrban thực chất là một khối cấu trúc kim loại hình tháp với chiều cao 4,2m và bề rộng khoảng 3m nhưng có khả năng thanh lọc lượng không khí ô nhiễm và trả lại khí tươi cho môi trường tương đương với “công suất” thực tế của 368 cây xanh tự nhiên.

Nó được thiết kế giống như một cây trồng với hai phần gồm phần trụ làm thân cây và phần tán là các vòng kim loại xếp hình như chiếc phễu. Theo đó, nhiều vòng kim loại được xếp đồng tâm với khoảng cách giữa các vòng tăng dần từ gốc lên tới tán.

Cây BioUrban 2.0 lắp đặt thử nghiệm ở TP Puebla, Mexico – Ảnh: AFP

Ông Jaime Ferrer, đối tác thành lập BiomiTech, giải thích: “Cơ chế hoạt động của thiết bị nhân tạo nói trên là thu nạp không khí ô nhiễm và ứng dụng công nghệ sinh học để thúc đẩy quá trình quang hợp tự nhiên, tương tự như quy trình của một cây thật”.

Theo đó, mỗi cây nhân tạo nặng khoảng 1 tấn có khả năng làm sạch lượng không khí tương đương với “công suất” thanh lọc của 1 hecta cây rừng – tương ứng với lượng không khí hít thở của 2.890 người trong 1 ngày.

Kể từ sau khi được phát minh này công bố năm 2016, BiomiTech đã “trồng” thử nghiệm 3 cây BioUrban tại thành phố Puebla, miền Trung Mexico – nơi đặt trụ sở công ty, ở Colombia và ở Panama.

Chi phí thực tế để lắp 1 cây BioUrban dao động trong khoảng 50.000 USD tùy theo địa hình lắp đặt. Hiện BiomiTech đã có hợp đồng lắp 2 cây cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Và, quan trọng hơn, BiomiTech khẳng định cũng đang bàn bạc cho các hợp đồng thực hiện tại thủ đô Mexico city và TP Monterrey ở phía bắc nước này.

Mexico City là một đại đô thị với hơn 20 triệu dân đang bị ô nhiễm trầm trọng với hơn 5 triệu xe hơi, các nhà máy và chưa kể núi lửa Popocatepetl ở gần đấy.

Ông Ferrer cho biết BioUrban sẽ không nhằm thay thế cây xanh thực thụ nhưng là một giải pháp góp phần cải thiện bầu không khí ở những thành phố lớn – nơi mật độ dân cư, phương tiện giao thông đông đúc.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn/Tuoitre

Nước tinh khiết được chưng cất từ năng lượng mặt trời

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Chicago (Mỹ) đã phát triển thành công phương pháp mới được coi là tiên phong dựa trên kỹ thuật chưng cất nước sử dụng năng lượng mặt trời hay tích tụ hơi nước để thu được nước tinh khiết.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng màng hữu cơ porphyrin cộng hóa trị (POF), một lớp nguyên liệu mới được phát hiện, trong phương pháp mới. Các màng POF có thể phát triển đồng bộ trên bề mặt của nhiều vật liệu khác với các cấp độ xốp khác nhau và cho hiệu quả làm bay hơi nước cao.

Trong phòng thí nghiệm, POF được chứng minh có thể phát triển tốt cả ở mặt trong và mặt ngoài của mọi vật liệu thí nghiệm. Mỗi mẫu thí nghiệm đều chứng tỏ khả năng quang nhiệt hiệu quả, cho thấy những vật liệu có thành phần POF chủ yếu là những vật liệu tích tụ hơi nước sử dụng năng lượng mặt trời.

Các màng POF có thể phát triển đồng bộ trên bề mặt của nhiều vật liệu khác với các cấp độ xốp khác nhau và cho hiệu quả làm bay hơi nước cao (Ảnh: news.uchicago.edu)

Việc sử dụng các màng hữu cơ POF chứng minh hiệu quả rất cao trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học dự định sẽ tiến hành thêm nhiều thí nghiệm ở môi trường bên ngoài để đánh giá hiệu quả thực tế POF.

Các chuyên gia đánh giá việc POF có thể sinh trưởng trên nhiều loại vật liệu giúp những màng hữu cơ này có thể được sử dụng một cách linh hoạt với mọi vật liệu có sẵn. Vừa tiện dụng lại dễ phát triển, các nhà khoa học tin rằng, phương pháp này hoàn toàn có thể áp dụng thực tiễn trong lọc nước tinh khiết quy mô lớn.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang tìm cách thực hiện Dự án ở quy mô lớn hơn. Họ tin tưởng rằng POF sẽ đóng vai trò chủ đạo trong các hệ thống lọc nước thế hệ mới. Kết quả của công trình sáng tạo này đã được đăng tải trên Tạp chí Advanced Materials Interfaces.

Theo Mai Hương/tapchimoitruong.vn

Phát thải khí CO2 ra môi trường sẽ phải trả phí

Những đơn vị sản xuất kinh doanh nhiệt điện than và xi măng nếu thải khí CO2 lớn ra ngoài môi trường sẽ phải trả phí. Thời gian thực hiện thí điểm từ 1/1/2020 đến 31/12/2020.

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, những đơn vị phát thải khí CO2 lớn ra ngoài môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ phải trả phí.

Trước mắt, việc thí điểm sẽ được thực hiện ở 4 tỉnh (Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam) với hai hoạt động sản xuất kinh doanh là nhiệt điện than và xi măng. Thời gian thực hiện thí điểm từ 1/1/2020 đến 31/12/2020.

Hoạt động sản xuất xi măng sẽ phải trả phí dịch vụ môi trường rừng cho dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các bon của rừng. Ảnh: I.T

Việt Nam đã tham gia ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (2015),  đệ trình Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC Việt Nam) cho Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, theo đó Việt Nam cam kết đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường.

Chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các – bon của rừng là cơ hội để có nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát  cho thấy, các nhà máy nhiệt điện của 3 tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Quảng Nam đều là cơ sở phát thải lớn, phát thải từ 1,5 – 7,3 triệu tấn CO2/cơ sở/năm. Tương tự, tất cả các nhà máy xi măng, phát thải từ 0,7 – 3,1 triệu tấn CO2/cơ sở/năm.

Theo Dự thảo Quyết định, có 20 đối tượng tham gia thí điểm chi trả trên địa bàn 4 tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, gồm 9 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than; và 11 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh xi măng.

Hình thức chi trả được áp dụng chi trả gián tiếp ủy thác qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, vì thời gian thí điểm ngắn, cần dựa vào đội ngũ cán bộ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh để tiết kiệm chi phí quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong quá trình chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các – bon với các dịch vụ môi trường rừngkhác.

Về mức chi trả, đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than, mức thu 4 đồng/kwh (tương đương 2 USD/tấn CO2); đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh xi măng mức thu 2.100 đồng/tấn Clanhke (tương đương mức thu 1,35 USD/tấn CO2).

Mức chi trả này thấp hơn mức Ngân hàng Thế giới dự kiến mua giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ là 5 USD/tấn CO2. Mức chi trả đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh xi măng chỉ bằng 11,2% mức chi phí tạo ra 1 tấn CO2 được hấp thụ và lưu giữ các – bon bởi cây rừng (11,13 USD/tấn CO2); tương tự mức chi trả đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than chỉ bằng 11,96% mức chi phí tạo ra 1 tấn CO2 được hấp thụ và lưu giữ các – bon bởi cây rừng.

Theo kết quả tính toán của Tổng cục Lâm nghiệp, mức tiền chi trả này sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện cũng như giá thành sản xuất xi măng của các nhà máy lên khoảng 0,29% và mức tăng này vẫn nằm trong khoảng tăng giá thành thực tế của lĩnh vực sản xuất nhiệt điện, xi măng là 0,3-1,0/năm, nên không tác động nhiều đến tính cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thí điểm.

Với mức chi trả này, dự kiến 4 tỉnh thí điểm sẽ thu được khoảng 172 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu đáng kể để phục vụ cho công tác trồng, chăm sóc, và bảo vệ rừng tại các địa phương.

Loại rừng được chi trả là loại rừng có tiềm năng hấp thụ và lưu giữ các – bon và được duy trì ổn định trong thời gian tương đối dài, như: rừng tự nhiên; rừng trồng đặc dụng, phòng hộ; rừng ngập mặn. Riêng đối với rừng sản xuất tham gia vào hoạt động này, phải được cấp chứng chỉ rừng.

Theo Khánh Ly (moitruong.com.vn/Danviet)

Định hướng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Hàng năm thế giới tăng công suất lắp đặt mới từ năng lượng tái tạo nhiều hơn từ tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch gộp lại.

Còn tại Việt Nam, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo Những số liệu thống kê năng lượng chính của thế giới của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) năm 2017, lượng tiêu thụ năng lượng hóa thạch vào năm 2015 của thế giới vẫn chiếm tỷ trọng 81,4% (số còn lại là năng lượng mới hay còn gọi là năng lượng tái tạo).

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo với hàng loạt cơ chế, chính sách ưu tiên và mang nhiều tính đột phá, được kỳ vọng sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ phát triển lĩnh vực đầy tiềm năng này tại Việt Nam.

Năm 1973, tỷ trọng này là 86,7% (trong đó chỉ riêng dầu lửa chiếm 46,2%). Như vậy sau 42 năm, thế giới chỉ giảm được 5,3% mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch nhờ sự tăng trưởng nhẹ của năng lượng sạch.

Năng lượng tái tạo phát triển khá nhanh chóng trong những năm gần đây nhưng cho đến nay vẫn chiếm số ít trong tổng sản lượng thế giới. Trong năm 2015, thủy điện đã sản xuất được 3978 TWh, cao hơn so với sản lượng điện hạt nhân (2571 TWh vào năm 2015), điện gió (838 TWh vào năm 2015) và điện năng lượng mặt trời (247 TWh vào năm 2015).

Theo Báo cáo về hiện trạng năng lượng tái tạo toàn cầu của Mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo cho thế kỷ 21 (REN21), công suất năng lượng tái tạo lắp đặt mới đạt kỷ lục trong năm 2016 với 161 GW, tăng tổng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu thêm gần 9% so với năm 2015.

Nổi bật nhất là năng lượng mặt trời, chiếm 47% tổng công suất lắp đặt mới, tiếp theo là năng lượng gió 34% và thủy điện 15,5%. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, đầu tư vào công suất phát điện mới từ năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện) cao gấp đôi đầu tư vào điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Tổng mức đầu tư cho năng lượng tái tạo đã đạt 249,8 tỷ USD.

Hiện nay, hàng năm thế giới tăng công suất lắp đặt mới từ năng lượng tái tạo nhiều hơn từ tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch gộp lại.

Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có. Những nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế đã được nhận diện đến nay gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt.

Để đáp ứng nhu cầu trong khi việc cung ứng năng lượng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động theo xu thế tăng và Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới…

Chính vì vậy, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và bước đầu đã được đề cập trong một số văn bản pháp lý.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg năm 2015. Đây có thể coi là nền tảng cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng tái tạo với giá hợp lý, tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng của quốc gia.

Mục tiêu chiến lược là từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo: Đến năm 2020 hầu hết số hộ dân có điện, đến năm 2030 hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý.

Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường: Khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (8/8/2019)

Điện gió trên những cánh diều, công nghệ mới cho các nước nghèo

Hệ thống năng lượng gió trên không (AWES) là một công nghệ mới nhằm khai thác năng lượng sức gió. Tháp trụ và cánh quạt nặng, đắt tiền của một tuabin gió thông thường được thay thế bằng dây buộc neo nhẹ, phương tiện bay (diều khổng lồ linh hoạt hoặc máy bay không người lái lớn).

Có hai sơ đồ điện gió sử dụng phương tiện bay, sơ đồ thứ nhất là trạm nguồn mặt đất, AWES sử dụng lực căng của dây buộc để quay rotor một máy phát điện trên mặt đất.

Sơ đồ thứ 2 là trạm nguồn bay, năng lượng điện được sinh ra từ các tuabin gió trên phương tiện bay và truyền xuống trang thiết bị khai thác sử dụng điện mặt đất bằng dây dẫn.

Trong cả hai trường hợp, AWES đều có chi phí lắp đặt và vật liệu thấp, hoạt động trên độ cao lớn (trên 500m) nơi gió mạnh hơn và ít bị gián đoạn.

Những hệ thống phát điện này có ảnh hưởng đến tầm quan sát thấp, vận chuyển tương đối dễ dàng, rất phù hợp cho việc sản xuất năng lượng ở những khu vực xa xôi và và địa hình.

Nghiên cứu viên Gonzalo Sánchez Arriaga và đồng nghiệp Ramón y Cajal tại khoa Kỹ thuật sinh học và hàng không vũ trụ tại UC3M Đại học Madrid mang tên Charles III (University Charles III of Madrid) giải thích: AWES là những công nghệ điện gió đột phá, hoạt động ở độ cao lớn và tạo ra năng lượng điện với hiệu suất cao.

Những công nghệ này tích hợp các nguyên tắc của những ngành khoa học được biết rõ là ngành kỹ thuật điện và hàng không dân dụng. Bao gồm như thiết kế máy điện, aeroelasticity (sự kết hợp và tương tác giữa khí động học và các cấu trúc phi chuẩn) và điều khiển học, với các ngành mới và phi truyền thống như máy bay không người lái và động lực tether (dây neo).

Trong khuôn khổ công trình khoa học, các nhà nghiên cứu UC3M trình bày mô phỏng hệ thống điện gió bay mới cho AWES trong một bài báo khoa học được xuất bản gần đây trong tạp chí Mô hình toán học ứng dụng (Applied Mathematical Modelling).

“Chương trình mô phỏng có thể được sử dụng để nghiên cứu hoạt động của AWES, tối ưu hóa thiết kế và xác định các quỹ đạo bay để tối đa hóa năng lượng điện gió”, ông Ricardo Borobia Moreno, kỹ sư hàng không vũ trụ thuộc Lĩnh vực Cơ khí Hàng không, Viện Công nghệ Hàng không Quốc gia Tây Ban Nha ( INTA) và đang làm luận án tiến sĩ trong khoa Kỹ thuật Sinh học và Hàng không vũ trụ tại trường UC3M.

Phần mềm mô phòng, thuộc sở hữu của UC3M, được đăng ký bản quyền và có thể được tải xuống và sử dụng miễn phí cho các nhóm khác nghiên cứu.

Cùng với chương trình mô phỏng, các nhà nghiên cứu phát triển một bộ trang bị thử nghiệm bay cho AWES. Hai cánh diều được lắp đặt một số dụng cụ và những dữ liệu then chốt như vị trí và tốc độ của diều, góc mở mũi diều và bán kính elip cánh diều, độ căng của dây, được ghi lại trong nhiều lần cho diều bay thử nghiệm.

Dữ liệu thử nghiệm sau đó được sử dụng để phát triển các phần mềm công cụ khác nhau, ví dụ như chương trình mô phỏng và một phần mềm công cụ ước tính các tham số khác nhau, đặc trưng cho trạng thái của diều tại mỗi thời điểm.

Việc chuẩn bị các cuộc thử nghiệm đòi hỏi đầu tư đáng kể về thời gian, công sức và nguồn lực, nhưng hệ thống thu hút được sự quan tâm từ một số lượng lớn sinh viên Trường UC3M.

Theo Gonzalo Sánchez Arriaga, ngoài việc nghiên cứu để phát triển công nghệ điện gió mới, dự án làm phong phú thêm các hoạt động giảng dạy, nhiều người trong số họ đã thực hiện các luận án tốt nghiệp đại học và thạc sĩ bằng công nghệ AWES.

Theo Baokhoahocdoisong (6/8/2019)