Các nước rót cả tỷ USD vào hydro, “mỏ vàng” nhiên liệu mới của tương lai

Hydro đang đứng đầu danh sách những nguồn năng lượng có thể thay thế dầu mỏ. Thị trường hydro xanh có trị giá 676 triệu USD vào năm 2022 và được dự đoán có thể đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2027.

Nhiên liệu của tương lai thay thế dầu mỏ

Dầu mỏ được ví như “vàng đen” vì mức độ quan trọng của nhiên liệu này đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, dầu mỏ không phải là nguồn tài nguyên vô hạn và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Chính vì vậy, chúng ta buộc phải tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch và đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn để thay thế cho dầu mỏ.

Theo khảo sát của LiveScience, hydro đang đứng đầu danh sách những nguồn năng lượng có thể thay thế dầu mỏ. Hydro có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống như thay thế cho xăng làm nhiên liệu cho động cơ tên lửa và ô tô.

Ngoài ra, hydro còn được sử dụng trong pin nhiên liệu, cung cấp năng lượng cho động cơ điện, làm nguyên liệu để sản xuất nhiều hợp chất hữu cơ… Sử dụng loại năng lượng này cũng góp phần lớn vào việc giảm ô nhiễm môi trường.


Hydro đang đứng đầu danh sách những nguồn năng lượng có thể thay thế dầu mỏ (Ảnh: Emerson).

Với nhiều ứng dụng, hydro đang được kỳ vọng trở thành nguồn nhiên liệu sạch của tương lai và có thể chiếm từ 12% đến 20% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2050.

Hiện có nhiều loại hydro khác nhau. Trong đó, hydro xám là dạng hydro phổ biến nhất, được tạo ra từ khí methane và hiện chiếm phần lớn sản lượng trên toàn thế giới đạt 90 triệu tấn. Tuy nhiên, hydro xám lại là dạng hydro kém bền vững nhất.

Hydro xanh được xem là loại khí hydro thương mại thân thiện với môi trường, được tạo ra bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, nước… Tuy nhiên, sản xuất loại khí này vẫn ở quy mô nhỏ và tốn kém nhiều chi phí.

Loại năng lượng này vẫn ở giai đoạn sơ khai nhưng sở hữu tiềm năng phát triển lớn bởi có lượng khí thải carbon rất thấp. Không những vậy hydro xanh còn có nhiều ứng dụng tiềm năng trong việc giảm thiểu khí thải carbon trong các ngành công nghiệp, góp phần hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, hydro xanh là giải pháp nhiên liệu sạch. Các chuyên gia dự kiến sản lượng hydro xanh sẽ tăng lên đáng kể trong tương lai khi các nước tập trung đầu tư để giải quyết bài toán năng lượng và vấn đề biến đổi khí hậu.

“Chìa khóa” trong quá trình chuyển dịch năng lượng

Lợi ích hàng đầu của việc sử dụng hydro làm nhiên liệu là không phát thải khí CO2. Khi phản ứng với oxy, hydro chỉ tạo ra điện, nước và nhiệt. Bên cạnh đó, hydro cũng tạo ra mật độ năng lượng cao và mở ra tiềm năng sử dụng hydro như một nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu năng lượng lâu dài trong tương lai.

Hydrogen có hàm lượng năng lượng cao hơn 300% so với xăng, khi được sử dụng trong pin nhiên liệu, “chất thải” duy nhất được tạo ra là nước. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách đang xem xét đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhiên liệu này trong cuộc đua đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Không chỉ vậy, hydro còn có tiềm năng lưu trữ lớn. Lượng năng lượng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể bị ảnh hưởng do điều kiện thời tiết.


Nhà máy điện phân tại thành phố Lingen, Đức (Ảnh: RWE)

Việc chuyển đổi năng lượng tái tạo thành hydro giúp lưu trữ đồng thời giúp ổn định mạng lưới năng lượng. Hydro cũng có thể được lưu trữ trong thời gian dài mà không bị thất thoát như các loại năng lượng khác.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất sản xuất hydrogen toàn cầu vào năm 2022 là 95 triệu tấn/năm, tập trung vào công nghiệp và lọc dầu. Theo kịch bản của IEA, sản lượng hydro hàng năm sẽ cần tăng khoảng 350% vào năm 2050, lên 430 triệu tấn/năm.

Thị trường tỷ USD

Với tiềm năng phát triển lớn, nhiều nước đang tăng cường đầu tư vào hydro. Thị trường sản xuất hydrogen dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 9,2% cho đến năm 2030.

Theo cơ sở dữ liệu các dự án hydro của IEA, thị trường hydro xanh có trị giá 676 triệu USD vào năm 2022. Các chuyên gia dự đoán con số này có thể đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2027.

Nhờ những tiến bộ về công nghệ điện phân và pin nhiên liệu, việc sản xuất hydro xanh đang dần trở thành nguồn năng lượng của hiện tại và tương lai. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) ở Mỹ cũng đưa ra các khoản trợ cấp để sản xuất hydro xanh và tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Theo báo cáo về địa chính trị của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), từ năm 2022 đến 2030 sẽ có khoảng 160 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và một nửa trong số đó dành cho hydro xanh.

IRENA cũng ước tính mức tiêu thụ hydro hàng năm sẽ tăng từ 100 triệu tấn lên mức hơn 600 triệu tấn vào năm 2050. Cơ quan này ước tính quy mô thị trường có thể lên tới khoảng 700 tỷ USD.

Ông Francesco La Camera, Tổng giám đốc IRENA, từng khẳng định rằng: “Hydro xanh sẽ đa dạng hóa nguồn cung, dẫn đến việc chia sẻ quyền lực cho nhiều bên hơn. Với sự hợp tác quốc tế, thị trường có thể mở rộng hơn nữa”.


Xưởng đóng tàu Myklebust tại Na Uy đã đóng tàu chạy bằng hydro lớn nhất thế giới (Ảnh: Myklebust).

Năm 2017, chỉ có Nhật Bản lên kế hoạch đầu tư cho hydro nhưng hiện nay đã có khoảng 40 quốc gia có kế hoạch phát triển loại năng lượng này. Chính phủ các nước và các công ty đã cùng tập hợp để thúc đẩy phát triển nền kinh tế dựa trên hydro.

Chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU) đều đang xây dựng các chiến lược và dự án sử dụng hydro. Các công ty cũng đang tìm cách phát triển nguồn năng lượng này. Trung tâm hydro xanh công nghiệp đầu tiên trên thế giới đang được xây dựng tại bang Utah (Mỹ) và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.

Đối với lĩnh vực khai thác mỏ, hydro xanh sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng tái tạo.

“Hydro còn nhiều hứa hẹn trong tương lai. Các công ty khai thác mỏ đang tích cực khám phá và thúc đẩy một loạt sáng kiến nhằm ứng dụng hydro xanh trong chiến lược năng lượng và kinh doanh mới của mình”, ông Andrew Wilson, Giám đốc phụ trách Úc và New Zealand của công ty dịch vụ tư vấn dss+ Consulting, chia sẻ với Green Review.

Tuy nhiên, IEA cho rằng việc khai thác loại tài nguyên này vẫn chưa đủ. IEA cảnh báo nhu cầu năng lượng sẽ sớm đạt đỉnh và kêu gọi các nước, các công ty khai thác hành động nhanh hơn.


Thị trường hydro xanh có thể đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2027 (Ảnh: Track insight).

Ông Geoffrey Ellis, chuyên gia của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính rằng hiện có hàng chục tỷ tấn hydro trên toàn cầu. Ông cho biết hầu hết các mỏ hydro tự nhiên thường ở rất xa ngoài khơi hoặc nằm rất sâu dưới lòng đất nên sẽ tốn nhiều chi phí để khai thác. Tuy nhiên nếu biết cách khai thác thì nó sẽ mang lại một lượng khí hydro tự nhiên lớn và có giá trị cao.

Năng lượng tái tạo là trụ cột chính để loại bỏ carbon cho nền kinh tế thế giới. ING kỳ vọng công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Trong 2 thập kỷ qua, chi phí năng lượng tái tạo đã giảm mạnh và năng lượng tái tạo đang chuyển sang một thị trường rộng lớn hơn. Theo IEA, công suất điện năng lượng tái tạo toàn cầu đã liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 22 năm qua.

IEA ước tính rằng thế giới có thể đạt được 4.700 GW công suất năng lượng tái tạo vào cuối năm 2024 so với mức tăng công suất từ hơn 4.100 GW của năm 2023. Cơ quan này cho rằng nếu theo chính sách và điều kiện thị trường dự kiến hiện nay thì công suất năng lượng tái tạo toàn cầu có thể tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030.

Theo Dân trí
https://petrotimes.vn/cac-nuoc-rot-ca-ty-usd-vao-hydro-mo-vang-nhien-lieu-moi-cua-tuong-lai-711360.html

Bê tông carbon thấp tuổi thọ cao chuyển 80% xi măng thành tro than

Các nhà nghiên cứu của RMIT đã phát triển loại “bê tông xanh” mới sử dụng lượng tro than tái chế nhiều gấp đôi so với bê tông carbon thấp hiện có, giảm một nửa lượng xi măng cần thiết, thậm chí còn có tuổi thọ cao hơn bê tông xi măng Portland thông thường.

Tro than có rất nhiều xung quanh các nhà máy nhiệt điện than. Trên thực tế, đó có thể là một sự đánh giá thấp đáng kể trên toàn cầu, các nhà máy điện sản xuất khoảng 1,2 tỷ tấn mỗi năm và ở Úc, tro than chiếm gần 20% tổng lượng chất thải. Đó là con số đáng kinh ngạc và cũng có thể đặt cược an toàn rằng những thứ này sẽ vẫn còn dồi dào trong thời gian dài trong quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo.

Do đó, đây là nguồn nguyên liệu tiềm năng to lớn và các nhà sản xuất bê tông có hàm lượng carbon thấp đã sử dụng nó làm chất thay thế xi măng, thường thay thế tới 40% lượng xi măng. Về mặt môi trường, tận dụng lượng lớn chất thải trong khi cắt giảm xi măng – bản thân nó chiếm khoảng 8% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu.

Một nhóm từ RMIT đã làm việc với Hiệp hội Phát triển Tro của Úc và Nhà máy điện AGL Loy Yang để tận dụng tốt hơn tài sản đáng ngờ này, cố gắng nâng hàm lượng tro lên để thay thế hơn 80% xi măng. Để làm như vậy, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hỗn hợp tro bay có hàm lượng canxi thấp, với 18% vôi ngậm nước, 3% nano-silica đóng vai trò là chất tăng cường, sau đó đổ một ít bê tông và bắt đầu thử nghiệm các tính chất cơ học của nó.

Bê tông tro bay thể tích lớn (HFVA-80) thu được đã chứng tỏ cường độ nén tăng từ 22 lên 71 MPa trong khoảng thời gian từ ngày thứ 7 đến ngày 450. Nó đạt cường độ uốn 2,7-8,7 MPa, cường độ kéo tách 1,6–5,0 MPa và độ đàn hồi mô đun 28,9–37,0 GPa. Nó tồn tại lâu hơn xi măng Portland thông thường theo thời gian khi tiếp xúc với axit và sunfat trong hai năm.

Tiến sĩ Chamila Gunasekara, từ Trường Kỹ thuật của RMIT cho biết: “Việc bổ sung các chất phụ gia nano để điều chỉnh tính chất hóa học của bê tông cho phép bổ sung nhiều tro bay hơn mà không ảnh hưởng đến hiệu suất kỹ thuật”.


Tiến sĩ Chamila Gunasekara cầm mẫu bê tông ít carbon.

Tốt hơn nữa, nhóm nghiên cứu cho biết họ nhận thấy kỹ thuật này không yêu cầu “tro bay” mịn và dường như cũng hoạt động tốt với “tro ao” cấp thấp, hiện họ đã tạo và thử nghiệm các dầm bê tông kết cấu từ loại sau đã đạt chứng nhận Tiêu chuẩn Úc về hiệu suất kỹ thuật.

Gunasekara cho biết: “Thật thú vị khi kết quả sơ bộ cho thấy hiệu suất tương tự với tro ao có chất lượng thấp hơn, có khả năng mở ra nguồn tài nguyên hoàn toàn mới chưa được sử dụng đúng mức để thay thế xi măng. So với tro bay, tro ao hồ ít được khai thác trong xây dựng do đặc tính khác nhau. Có hàng trăm megaton chất thải tro nằm trong các con đập trên khắp nước Úc và nhiều nơi khác trên toàn cầu. Những ao chứa tro này có nguy cơ trở thành mối nguy hiểm cho môi trường và khả năng tái sử dụng tro này làm vật liệu xây dựng ở quy mô lớn sẽ là một thắng lợi lớn”.

Nhóm RMIT cũng làm việc với Đại học Hokkaido để phát triển một hệ thống mô hình máy tính thí điểm dự báo hiệu suất của các hỗn hợp bê tông mới theo thời gian và nhóm hy vọng có thể sử dụng phần mềm này để phân tích và tối ưu hóa các hỗn hợp mới hơn nữa.

An Hạ
https://vietq.vn/be-tong-carbon-thap-co-tuoi-tho-cao-chuyen-80-xi-mang-thanh-tro-than-d221600.html

Mekong Capital và HUSK ký khoản đầu tư 5 triệu USD thúc đẩy nông nghiệp tái tạo

Quỹ Mekong Enterprise Fund IV Và HUSK ký thỏa thuận đầu tư 5 triệu USD nhằm thúc đẩy nông nghiệp tái tạo tại Đông Nam Á.

Ngày 15/5, Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) thông báo đã ký kết thỏa thuận đầu tư trị giá 5 triệu đô la Mỹ với HUSK, một công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất than sinh học và phân bón sinh học cam kết các ứng dụng thực tiễn về nông nghiệp tái tạo tại Đông Nam Á.

Đây là minh chứng cho cam kết của MEF IV trong việc mang lại cả lợi nhuận tài chính lẫn các tác động có ý nghĩa về xã hội và môi trường trên toàn khu vực.

HUSK được thành lập vào năm 2017 bởi hai doanh nhân nữ Heloise Buckland và Carol Rius. Sau đó, khi Richard Kendall tham gia vào năm 2019, công ty đã nhanh chóng phát triển thành một công ty dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tận dụng công nghệ tiên tiến, HUSK sản xuất than sinh học, phân bón có chứa carbon hữu cơ (carbon based fertilizer) và các sản phẩm bảo vệ cây trồng hướng đến giải quyết các thách thức mà nông dân đang phải đối mặt, như hiệu suất thu hoạch không đều, không ổn định, sâu rầy, dịch bệnh, và các cách thức canh tác đất làm cạn dinh dưỡng đất. Những vấn đề này ngày càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Bà Heloise Buckland, CEO và đồng sáng lập của Husk, cho biết, sứ mệnh của HUSK là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp tái tạo. Để đạt được điều này, chúng tôi đã phát triển một hệ thống công nghệ và sản phẩm độc đáo giúp cải thiện chất lượng đất, hấp thụ carbon và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

“Nông dân lựa chọn sản phẩm của chúng tôi vì chúng mang lại giá trị vượt trội so với các loại phân bón thông thường, hỗ trợ sức khỏe đất lâu dài, bảo vệ cây trồng và cải thiện hiệu quả sử dụng nước và dưỡng chất. Cam kết của Mekong Capital trong việc hỗ trợ tầm nhìn của chúng tôi đến vào thời điểm vô cùng quan trọng, khi nhu cầu về các giải pháp bền vững có thể nhân rộng và có ảnh hưởng đối với việc chống thoái hóa đất đang ở mức cấp bách nhất”, bà Heloise Buckland nói.

Cũng theo bà Bà Heloise Buckland, việc ký kết khoản đầu tư trên không chỉ là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển nhanh chóng của HUSK với tư cách là nhà sản xuất hàng đầu về phân bón hữu cơ, mà còn là phần thiết yếu trong việc thúc đẩy sự áp dụng than sinh học như một nền tảng quan trọng trong việc gia tăng các thực hành nông nghiệp tái tạo trên khắp Đông Nam Á. Đội ngũ của HUSK rất mong chờ được hợp tác cùng Mekong Capital trong giai đoạn tiếp theo của hành trình đầy triển vọng này”.

Bà Ellen Văn, Trưởng nhóm Tư vấn Đầu tư tại Mekong Capital và là người phụ trách khoản đầu tư vào HUSK, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với HUSK trong việc kết hợp tri thức và sự đổi mới để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp tái tạo. Tại Mekong Capital, chúng tôi luôn tin tưởng vào việc đầu tư vào những công ty không chỉ mang lại những con số lợi nhuận mà còn tạo ra tác động tích cực đối với xã hội và môi trường. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ sứ mệnh của HUSK và mong muốn hỗ trợ sự phát triển của họ trong những năm tới, là minh chứng cho mối quan hệ tương hỗ giữa tác động xã hội và lợi nhuận tài chính.”

Được thành lập vào năm 2017 bởi Heloise Buckland và Carol Rius, HUSK là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tái tạo tại Đông Nam Á. Khi Richard Kendall gia nhập vào năm 2019, công ty ưu tiên về lãnh đạo nữ và các giải pháp đổi mới. Theo đó, HUSK chú trọng đào tạo phụ nữ làm đại sứ nông nghiệp carbon, tạo động lực cho họ để thúc đẩy các hoạt động bền vững và phổ cập cho mọi người về ‘sức khỏe’ của đất. Phương pháp này, kết hợp với các nỗ lực bán hàng được trực tiếp dẫn dắt bởi các nữ lãnh đạo tại Campuchia, đã đóng góp 27% doanh số bán hàng trong năm 2023.

Tại Việt Nam, HUSK tiếp thị sản phẩm của mình chủ yếu ở các vùng trung du cho cây rau và cà phê, và các vùng đồng bằng sông Cửu Long cho việc canh tác lúa. Công ty đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về phân bón hữu cơ tại Việt Nam theo mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhằm nâng tỷ lệ sản phẩm hữu cơ được đăng ký lên 25% vào năm 2025. HUSK cũng có kế hoạch đầy tham vọng để đưa Việt Nam lên vị trí dẫn đầu trong việc giảm thiểu carbon trong các chuỗi giá trị quan trọng như cà phê và lúa gạo, bằng cách cải tạo đất, hấp thụ carbon và giảm sử dụng phân bón tổng hợp.

Là Quỹ thứ năm do Mekong Capital tư vấn, MEF IV, là quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân với quy mô quỹ là 246 triệu USD. MEF IV sẽ tiếp tục chiến lược thành công của Mekong Capital trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, tập trung vào các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng đang tăng trưởng tốt nhờ vào sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và việc ứng dụng các phương thức kinh doanh hiện đại.

Theo đó, Quỹ sẽ đặc biệt tập trung vào các ngành bán lẻ, giáo dục, nhà hàng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và chăm sóc sức khỏe như Entobel, Rever, LiveSpo, Tập đoàn HSV , Mutosi , Marou, Gene Solutions và F88.

Với cách tiếp cận Đầu tư vốn cổ phần tư nhân mang tính chuyển hóa và mô hình Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng, MEF IV hướng đến thực hiện cam kết đồng hành cùng các công ty hiện thực hóa tầm nhìn của họ.

https://baodautu.vn/mekong-capital-va-husk-ky-khoan-dau-tu-5-trieu-usd-thuc-day-nong-nghiep-tai-tao-d215224.html

Nhật Bản phát triển thành công nhựa sinh học có thể hòa tan trong nước biển

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát triển thành công loại nhựa sinh học mới không chỉ bền mà còn có khả năng phân hủy nhanh chóng trong nước biển và có thể sản xuất hàng loạt trong tương lai.

Tạp chí khoa học ACS Bền vững Hóa học và Kỹ thuật Mỹ công bố, các nhà khoa học tại Đại học Kobe (Nhật Bản) và một số tổ chức khác đã thành công trong việc tạo ra loại nhựa sinh học mới được làm từ axit polylactic, một loại polyester có nguồn gốc từ các loại tinh bột như mía và ngô.

Axit polylactic còn được biết đến là polylactide có thể làm vật liệu thay thế cho nhựa từ dầu mỏ. Tuy nhiên, vật liệu này khá giòn và khó tạo hình, đồng thời không dễ phân hủy. Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại polylactide có khả năng phân hủy, được gọi là LAHB, nhưng khó sản xuất hàng loạt.


Nhựa sinh học có thể tan trong nước biển. (Ảnh: Kyodo)

Để vượt qua những hạn chế này, nhóm đã sử dụng một loại vi khuẩn được gọi là dehydrogenase lactate để sản xuất nhựa, thông qua việc biến đổi gene, họ đã thành công trong việc sản xuất hàng loạt LAHB. Kết quả là một loại nhựa sinh học mới, trong suốt và có khả năng phân hủy nhanh chóng trong môi trường nước biển.

Giáo sư Seiichi Taguchi thuộc Đại học Kobe, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, sự phát triển của nhựa sinh học mới “sẽ giúp ngăn chặn nóng lên toàn cầu và đã đưa sáng kiến ​​sản xuất sinh học của chính phủ lên cấp độ công nghiệp.

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Kobe mang lại hy vọng một ngày nào đó các đại dương trên thế giới có thể sẽ không còn rác thải nhựa.

Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tăng mức sử dụng nhựa sinh học của nước này lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030. Đồng thời đặt mục tiêu giảm 25% lượng rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% các loại rác thải nhựa, bao gồm rác thải nhựa sinh hoạt và rác thải nhựa công nghiệp.

Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), với hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và chỉ khoảng 10% được tái chế, việc phát triển nhựa sinh học có thể là một bước quan trọng trong việc giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu. Mức độ phát thải khí nhà kính từ sản phẩm nhựa được dự báo sẽ tăng lên 19% của ngân sách carbon toàn cầu vào năm 2040, nhưng với những nỗ lực như nghiên cứu này, chúng ta có thể hướng tới một tương lai sạch hơn và bền vững hơn.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/nhat-ban-phat-trien-thanh-cong-nhua-sinh-hoc-co-the-hoa-tan-trong-nuoc-bien-d220389.html

Trái Đất đang trong thời kỳ nóng kỷ lục – “Hậu quả” của hiệu ứng nhà kính

Cơ quan quan sát khí hậu Châu Âu cho biết, tháng 3 vừa qua là tháng Trái Đất nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 10 liên tiếp phá kỷ lục nhiệt độ mà nguyên nhân chính là do tình trạng hiệu ứng nhà kính.

Kể từ tháng 6/2023, kỷ lục về mức nhiệt cao liên tục bị phá vỡ và tháng 3/2024 không phải là ngoại lệ. AFP ngày 9/4 dẫn số liệu của Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), cơ quan theo dõi thời tiết của Liên minh Châu Âu (EU), cho thấy nhiệt độ toàn cầu trong tháng 3 vừa qua được ghi nhận nóng hơn 1,68 độ C so với mức nhiệt trung bình trong tháng 3 từ năm 1850-1900, thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhiều phần rộng lớn trên Trái Đất từ Châu Phi cho đến Greenland, Nam Mỹ và châu Nam cực trong tháng 3 có nhiệt độ cao hơn mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đó cũng là tháng thứ 10 liên tiếp có mức nhiệt phá vỡ kỷ lục và là đỉnh điểm của một năm nóng nhất lịch sử, cao hơn mức tiền công nghiệp 1,58 độ C.

Phó giám đốc C3S Samantha Burgess nhận xét đây là xu hướng đáng báo động và cảnh báo thế giới đang ở cực gần với việc vượt qua ngưỡng giới hạn mà các nhà lãnh đạo thế giới đạt được vào năm 2015 tại Paris (Pháp).

Theo bà Burgess, tình hình nhiệt độ biển cũng gây sốc không kém khi mức nhiệt kỷ lục đo được trên bề mặt các đại dương trong tháng 2 tiếp tục bị phá vỡ trong tháng 3. Điều này là cực kỳ bất thường.

Dữ liệu của C3S bắt đầu được tổng hợp từ năm 1940 nhưng những nguồn thông tin khác về khí hậu như từ lõi băng, vòng gỗ trên thân cây và san hô giúp các nhà khoa học có được thêm thông tin từ xa hơn trong quá khứ. “Chúng tôi biết rằng giai đoạn mà chúng ta đang sống có thể là ấm nhất trong ít nhất 100.000 năm qua”, bà Burgess nói.


Trái Đất ngày càng nóng lên là do hậu quả của hiệu ứng nhà kính. Ảnh minh họa

Một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên là do tình trạng hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính có tên tiếng Anh là “Greenhouse Effect”. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học giải thích, hiệu ứng nhà kính là hiệu ứng làm cho không khí của Trái Đất nóng lên do bức xạ sóng ngắn của Mặt Trời có thể xuyên qua tầng khí quyển chiếu xuống mặt đất và mặt đất hấp thu nóng lên lại bức xạ sóng dài vào khí quyển để CO2 hấp thu làm cho không khí nóng lên.

CO2 trong khí quyển giống như một tầng kính dày bao phủ Trái Đất, làm cho Trái Đất không khác gì một nhà kính lớn. Theo tính toán, nếu không có lớp khí quyển, nhiệt độ trung bình ở lớp bề mặt Trái Đất sẽ xuống tới -230C, nhưng nhiệt độ trung bình thực tế là 150C, có nghĩa là hiệu ứng nhà kính đã làm cho Trái Đất nóng lên 380C.

Ngoài khí CO2 ra, các khí CH4, CFC, SO2, metan, ozôn, các halogen và hơi nước cũng là nguyên nhân tác động và gây lên hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Cộng với sự phát triển dân số và công nghiệp với tốc độ gia tăng chóng mặt cũng tác động trực tiếp tới nhiệt độ của Trái Đất.

Theo các chuyên gia, những tác hại mà hiệu ứng nhà kính để lại không ít hệ lụy đến sức khỏe con người, sinh vật và môi trường sống. Do đó cần tăng cường trồng nhiều cây xanh. Đây chính là một trong những công việc tuy đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại là phương pháp vô cùng hiệu quả và được ưu tiên hàng đầu để giảm hiệu ứng nhà kính. Có cây xanh sẽ gia tăng sự hấp thụ khí CO2 thông qua quá trình quang hợp của cây xanh, từ đó, giúp làm giảm lượng khí CO2 trong khí quyển một cách đáng kể, sẽ khắc phục hiệu quả hiệu ứng nhà kính.

Nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Điện năng được sản xuất từ việc đốt các nguyên liệu cũng như nhiên liệu hóa thạch. Khi các nguyên – nhiên liệu này đốt sẽ sinh ra một lượng rất lớn CO2 và thải ra môi trường. Không chỉ là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn làm tăng hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người, sinh vật.

Sử dụng phương tiện di chuyển bảo vệ môi trường. Thực tế, những phương tiện di chuyển phổ biến nhất hiện nay như xe máy, ô tô,… khi hoạt động sẽ thải ra khí CO2 rất nhiều và gây ô nhiễm môi trường, cũng như tăng hiệu ứng nhà kính. Vì lẽ đó, nếu có thể bạn hãy tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, đi xe đạp hay đi bộ sẽ là những cách bảo vệ môi trường và trái đất hiệu quả nhất.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đẩy mạnh các công tác truyền thông để bảo vệ môi trường để mỗi người dân tự có ý thức để giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/trai-dat-dang-trong-thoi-ky-nong-nhat-trong-100000-nam–hau-qua-do-hieu-ung-nha-kinh-d220320.html

Tốc độ xả rác thải điện tử ra môi trường cao gấp 5 lần khả năng xử lý

Liên Hiệp Quốc cho biết đến năm 2030, các nước sẽ thải ra 82 triệu tấn rác thải điện tử. Đây là con số báo động gây ra nhiều nguy cơ cho môi trường và sức khỏe.

Theo thông tin từ Liên Hiệp Quốc, đến năm 2030, sự gia tăng của rác thải điện tử hiện nay là do mức tiêu thụ cao hơn, nhiều người không chọn cách sửa chữa đồ bị hỏng mà thay thế bằng thiết bị mới, vòng đời của thiết bị điện tử ngắn hơn và cơ sở hạ tầng không đầy đủ để xử lý rác thải điện tử. Hiện tốc độ xả rác thải điện tử ra môi trường trên toàn thế giới đã cao gấp 5 lần khả năng xử lý.

Ông Kees Balde, chuyên gia khoa học cấp cao của Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Thông thường, mỗi người dân ở một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ có thể tạo ra tới 20kg rác thải điện tử mỗi năm. Chúng tôi ước tính khoảng 800.000 tấn rác thải điện tử cũ mỗi năm đang được chuyển từ các nước giàu sang các nước phía Nam bán cầu. Chỉ tính riêng năm 2023, 1,39 tỉ chiếc điện thoại di động đã được bán trên toàn cầu và ước tính hơn 5 tỉ chiếc đã bị vứt đi”.


Rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng ở mức báo động. Ảnh minh họa

Ngoài ra, các thiết bị điện tử nhỏ, như lò nướng bánh, máy cạo râu điện và đồ chơi, chiếm 32% chất thải điện tử. Lượng rác điện tử nhiều thứ hai chiếm 24% là các thiết bị lớn như thiết bị nhà bếp và máy photocopy. Các tấm pin mặt trời bị loại bỏ chưa phải là lượng rác lớn hiện nay nhưng có thể là vấn đề khi công nghệ hiện nay trở nên cũ. Mặt khác, số lượng các tấm pin mặt trời bị lãng phí đang tăng nhanh chóng và sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay vào năm 2030. Đó là nguyên nhân chủ yếu tạo nên rác thải điện tử”. Màn hình điện tử chiếm khoảng gần 7 triệu tấn chất thải điện tử mỗi năm. Thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông nhỏ như điện thoại vào khoảng 5 triệu tấn rác.

Vào năm 2030, lượng rác thải điện tử dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Theo báo cáo, rác thải điện tử là mối nguy hiểm đối với sức khỏe của con người, vì rác có thể đầu độc người xử lý nó và môi trường xung quanh. Rác thải điện tử có thể chứa các thành phần độc hại như thủy ngân, gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người.

Theo Báo cáo giám sát chất thải điện tử toàn cầu năm 2020, Trung Quốc là nước có lượng chất thải điện tử lớn nhất với hơn 10 triệu tấn. Mỹ đứng thứ hai với 6,9 triệu tấn, đứng thứ 3 là Ấn Độ với 3,2 triệu tấn. Cả 3 quốc gia này chiếm gần 38% lượng chất thải điện tử của thế giới trong năm ngoái.

Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường cũng chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.

Việc xử lý, tái chế chất thải điện tử ở tại các công ty được cấp phép phần lớn tập trung tháo dỡ, phá dỡ thủ công, chỉ có một số nhỏ công ty có đủ dây chuyền xử lý được cấp phép xử lý bảng mạch điện tử. Ngoài ra, Việt Nam mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa bằng các công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu và chưa thể tái chế được các kim loại quý, vốn có hàm lượng cao trong chất thải điện tử.

Theo các chuyên gia, rác thải điện tử gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường nếu không xử lý rác điện tử đúng cách, các loại rác thải điện tử có thể giải phóng các chất độc hại như: Thủy ngân, chì, niken,… vào môi trường và sức khỏe con người cũng sẽ bị ảnh hưởng từ rác thải điện tử qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động có tiếp xúc trực tiếp với rác thải.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/toc-do-xa-rac-thai-dien-tu-ra-moi-truong-cao-gap-5-lan-kha-nang-xu-ly-d219906.html